Trong số những điều chúng ta có thể nói về Facebook, có một điều rất rõ ràng, nhưng rất ít người chú ý: chúng ta thường xuyên sử dụng Facebook trong vô thức.
Không phải ai cũng mở Facebook hàng chục lần mỗi ngày trên smartphone vì muốn được kết nối từng phút từng giây, nhưng có rất nhiều người bật Facebook như một phản xạ chỉ để kiểm tra những con số nhỏ hiển thị ở góc đại diện cho điều gì. Có rất nhiều người gõ “f-a-c-e” vào trình duyệt, bấm Enter để truy cập vào News Feed của mình ngay khi có thời gian rảnh rỗi trong công việc.
Và mỗi lần như vậy, luôn luôn có một thứ gì đó mới mẻ, lạ lẫm xuất hiện trên đầu trang, hút bạn vào đó, bắt bạn phải tiếp tục cuộn chuột, lạc trong ma trận của đường link, hình ảnh, video và những dòng status của bạn bè đến những “người quen” mà bạn chưa một lần gặp mặt.
Tôi là một người trong số đó. Tôi không nghĩ mình là một người nghiện MXH, nhưng vẫn mở Facebook mỗi ngày. Nhiều lần trong ngày. Không biết là bao nhiêu lần, nhưng ắt hẳn phải hơn 10 lần – khi trên đường đi làm, về nhà, trong giờ nghỉ trưa, giữa các bài viết, hay bất kỳ lúc nào mà tôi có khoảng thời gian rảnh rỗi.
Nó khiến chúng ta hài lòng khi nghĩ rằng mình đang “giao tiếp với mọi người,” và có những mối quan hệ rộng rãi. Đôi khi tôi sẽ ghen tị với những gì một ai đó khoe ra, như chiếc Galaxy S9 mới cáu cạnh, bộ Wacom đắt giá hay chuyến du lịch “thánh địa” Akihabara, Nhật Bản. Bạn có thể sẽ hài lòng với hàng trăm like dưới dòng status của mình. Chúng ta sẽ tìm thấy chút niềm vui khi thể hiện bản thân với những dòng status vu vơ – này người lạ ơi, tôi (đang cố gắng tỏ ra) rất hài hước, mà cũng thích đọc sách nữa. À, mà bạn đã xem cái video vô thưởng vô phạt này chưa? Tôi xem rồi đấy!
Mỗi người muốn thể hiện mình như thế nào trên Facebook là quyền của họ. Rõ ràng đó là một phần sức hút của MXH này – nơi mà bạn được thể hiện mình một cách tự do hơn, trong khi vẫn có chút gì đó riêng tư nhờ được bảo vệ đằng sau nhân dạng mà bạn dùng trên MXH.
Nhưng như những người tỉnh táo hoặc lo xa đã nói với chúng ta từ lâu, “sự riêng tư” mà chúng ta tin rằng mình vẫn còn giữ được khi bày tỏ ý tưởng, chính kiến hay lòng tin của mình thật ra chẳng có chút ý nghĩa gì so với những thứ chúng ta mất đi bởi những thuật toán và những con bot vô tình. Điều này xảy ra mỗi khi bạn mở ứng dụng, click nút "Đăng nhập bằng Facebook," chơi quiz, gửi một tấm ảnh hay thậm chí chỉ là “thả tim.”
Trong mắt những thuật toán và các chuyên gia, những hành động đó để lộ nhiều thông tin hơn bạn và tôi vẫn nghĩ. Rất đông người trong số chúng ta biết điều đó, nhưng chấp nhận không quan tâm, hoặc cố tình không muốn hiểu sự thật này, bởi vì sự thỏa mãn và tiện lợi mà Facebook đem lại cho chúng ta được thể hiện rõ ràng hơn nhiều so với những gì mà tác hại của việc MXH này kinh doanh nhận diện của chúng ta để kiếm lợi. Xem thêm vài mẩu quảng cáo khi lướt Messenger có đáng gì, khi chúng ta được chat với bạn bè mà không phải trả phí?
Nhưng hóa ra quảng cáo chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. Scandal Cambridge Analytica cho chúng ta thấy rằng dữ liệu cá nhân, thứ tưởng chừng hoàn toàn vô giá trị bởi bạn chẳng là ai cả thực ra rất đáng giá với những người biết cách sử dụng chúng. Television Delivers People, một bộ phim từ năm 1973 có một lời thoại rất hay: khi bạn không phải trả tiền, bạn chính là sản phẩm. Lần này, có thể bạn và tôi không nằm trong số những “sản phẩm” được Cambridge Analytica sử dụng cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng chúng ta đều đã, đang và sẽ tiếp tục là sản phẩm để Facebook bán cho những đối tác của mình.
Facebook kinh doanh bạn. Facebook theo dõi bạn. Facebook khiến bạn tiêu tiền nhiều hơn. Facebook giúp lan tràn những thông tin dối trá. À, hóa ra Facebook không tốt. Có lẽ chúng ta nên bỏ Facebook.
Nhưng điều này có lẽ sẽ khiến bạn bật thốt lên: “làm thế nào tôi sống được nếu không có trung tâm cho mọi tương tác xã hội, cho các nội dung mà tôi theo dõi, và là nơi mà tôi thể hiện mình?” Có lẽ bạn không muốn bỏ Facebook, bởi Mark Zuckerberg tỏ ra rất hối hận – anh ta bỏ ra cả đống tiền để mua những trang quảng cáo to nhất trên những tờ báo lớn nhất để nói lời xin lỗi. “Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của bạn, nếu chúng tôi không thể làm vậy, chúng tôi không xứng đáng phục vụ bạn. Tôi đã cố gắng tìm hiểu điều gì xảy ra và làm sao để đảm bảo nó không xảy ra một lần nữa,” Zuckerberg viết trong lời xin lỗi của mình.
Nhưng Zuckerberg còn có thể nói gì được nữa? Facebook đã mất 70 tỉ USD, cổ phiếu của họ có lúc tụt xuống dưới 150 USD, nhiều vụ kiện đang xảy ra cộng thêm một “dàn đồng ca” #deletefacebook đang hát vang rằng việc sử dụng Facebook không còn có thể chấp nhận được. Họ phần nào có lý: tại sao khi vụ việc xảy ra vào năm 2015, Facebook không hề nói một lời nào với người dùng, mà phải chờ đến tận năm 2018 khi mọi sự đổ bể?
Thật ra, những nhà tiên tri nói rằng “Facebook sắp chết” không còn là hiếm. Họ đã xuất hiện từ khoảng… 10 năm trước, và Facebook lúc nào cũng có hàng núi bài post của những người nói rằng họ muốn bỏ Facebook, hoặc bày tỏ sự phân vân có nên ra đi. Rất nhiều trong số họ không hề thực hiện lời hứa của mình, hoặc trở lại sau vài ngày, vài tuần và thú nhận rằng bỏ Facebook khó hơn vẫn nghĩ. Dĩ nhiên những bài post của họ sẽ được lấp đầy bằng Thích, Tim, Haha cùng những bình luận chào mừng trở lại – cũng như một cú hích chỏ giữa hai người bạn kèm cái nhướng mắt “đấy thấy chưa, tao đã bảo mà,” vậy thôi!
Xóa Uber rất dễ dàng – bởi họ đã ra đi, được thay thế bằng Grab. Nếu bạn xóa Facebook, chắc chắn bạn sẽ nghĩ đến việc dùng cái gì để thay thế MXH này. Có thể bạn muốn dùng Twitter hay Instagram. Cả hai có lẽ xài được, nhưng đều không phải là Facebook. Giống, nhưng không phải.
Khoan đã - bạn có nhận ra rằng ý tưởng không hề sử dụng MXH nữa rất khó xuất hiện trong đầu mình không?
Bạn có tưởng tượng được rằng nếu bạn muốn biết một ai đó đang làm gì, bạn sẽ nhấc smartphone lên gọi cho họ, hẹn một buổi café chứ không phải chỉ vào Wall của nhau để xem check-in, ngắm ảnh rồi gõ vài dòng bình luận tầm phào? Rằng chúng ta sẽ phải nhắn cho từng người đến tham dự buổi sinh nhật của mình, chứ không phải chờ những dòng “chúc mừng sinh nhật” bạc như vôi mà người quen post lên Wall của chúng ta nhờ sự nhắc nhở của Facebook?
Nghe có vẻ hấp dẫn. Facebook đã thay thế những tương tác trực tiếp giữa người với người quá lâu và quá nhiều, và bỏ nó đi ắt hẳn sẽ đem lại cho chúng ta một vài thay đổi tích cực. Nhưng khi 2 tỉ người trên quả cầu xanh nhỏ bé đáng yêu này đang sử dụng Facebook còn bạn thì không, làm thế nào bạn biết về bộ sách yêu thích, buổi ra mắt của Tháng Năm Rực Rỡ hay quan điểm của thằng bạn nối khố về chuyện đôi vớ của thủ tướng Canada? Lẽ nào bạn phải thuộc lòng hoặc bookmark hàng chục tờ báo khác nhau, thay vì đọc được tất cả chúng ngay trên News Feed?
Thật điên rồ!
Vậy đấy, không phải ngẫu nhiên mà tác giả vẫn đang dùng Facebook. Nếu có thể làm được mọi thứ mình muốn, có lẽ tôi đã không ngồi đây mà viết bài này, mà đang vi vu đâu đó ở Hawaii, Bali hay Cancun để tránh cái nóng khủng khiếp của Sài Gòn. Tác giả cũng sẽ không phải gửi CMND của mình đến cho Facebook - một công ty nước ngoài, chứ chẳng phải một cơ quan công quyền Việt Nam - để chứng minh rằng tôi là tôi. Thay vào đó, tác giả dự tính sẽ làm theo một hướng dẫn nào đó về cách ngăn chặn, kiểm soát những dữ liệu mà Facebook có thể thu thập, để có được chút chút cảm giác hài lòng rằng “Facebook đừng hòng kiếm được tiền từ dữ liệu của tôi.”
Bởi theo một đơn kiện của Hạt Cook (bang Illinois, Mỹ), Facebook không phải là một công ty mạng xã hội. Nó là chiến dịch đào dữ liệu lớn nhất trong lịch sử loài người.
Facebook: sẽ còn những vụ lộ dữ liệu người dùng tương tự Cambridge Analytica