Theo đó, thuật toán nhận diện gương mặt của Facebook, thực chất, có thể xác định chính xác một cá nhân dựa vào mái tóc, trang phục, dáng đứng hay các đặc trưng hình thể khác, thông qua việc rà soát lại dữ liệu ảnh của một cá nhân, và như thế, khả năng “chỉ mặt đặt tên” một người qua ảnh trở nên chính xác hơn rất nhiều.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã thử chạy thuật toán Facebook cho khoảng 40.000 bức ảnh trên trang Flickr và nhận ra nó khá "nhạy", với khả năng nhận diện chính xác lên tới 83% bất kể người trong ảnh mỉm cười trước ống kính hay nhìn đi chỗ khác. Thế nhưng, khi kết quả này được công bố hồi đầu tháng tại Hội thảo Tầm nhìn Máy tính và Nhận diện các Mô hình tại Boston, nó cũng làm dấy lên những quan ngại trong nội bộ ngành công nghệ cũng như trong các tổ chức bảo vệ quyền bảo mật cá nhân.
Trước hội thảo có một tuần, chín nhóm hoạt động đòi quyền bảo mật thông tin cho người dùng đã chấm dứt thương thảo với chính phủ Hoa Kỳ và các đại diện ngành công nghệ vì không thể đạt được tiếng nói chung liên quan đến các biện pháp bảo vệ danh tính cơ bản trước công nghệ nhận diện gương mặt. Các cuộc thương thảo đã kéo dài ròng rã 18 tháng, tranh cãi nhau về việc liệu các công ty có quyền điều tra và theo dõi một cá nhân trong xã hội mà không được sự cho phép của họ hay không (bởi với những công nghệ như thuật toán nhận diện của Facebook, không một ai có thể “lẩn trốn”, ngay cả khi họ che dấu bộ mặt của mình).
Cũng theo Yann LeCun, Giám đốc bộ phận AI (công nghệ trí thông minh nhân tạo) của Facebook: “Chúng tôi đoán biết một người dựa trên rất nhiều đặc điểm. Bạn biết đấy, một con người là tổng hòa của rất nhiều thuộc tính, và có thể bị nhận ra ngay cả khi chỉ được thấy từ phía sau. Ví dụ nhé, chúng tôi nhận ra sếp Zuckerberg rất dễ dàng, bởi vì anh ấy luôn mặc áo thun xám.”