Hãng cũng tiết lộ với tờ South China Morning Post rằng mình cũng đang có ý định quảng bá Foxbots tới các đơn vị chế tạo lắp ráp khác tại Trung Quốc.
Theo các nhà lãnh đạo cấp cao của công ty này, giải pháp robot lắp ráp tự động sẽ là trọng tâm mới của hãng trong thời gian tới, bởi nó giúp giảm thiểu một lượng lớn nhân công cho mảng sản xuất chính, đồng thời mở ra kênh kinh doanh mới các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hãng cũng phủ nhận các thông tin cho rằng mình sẽ nâng quy mô tự động hóa lên tới 70% và khá kín tiếng trước các câu hỏi về dự án phát triển robot của mình, ngoài việc thừa nhận đã cho xây dựng một phòng thí nghiệm robot tại Thâm Quyến, Quảng Đông.
Robot công nghiệp của foxconn được trưng bày tại Triển lãm công nghệ Big Data Expo tổ chức ở Quý Châu, Trung Quốc. |
Foxconn với giấc mơ Foxbots
Kể từ năm 2007, hãng công nghệ Đài Loan đã phát triển các mô hình người máy công nghiệp của riêng mình. Hiện hai công xưởng lắp ráp robots của Foxconn đặt tại Thâm Quyến (Quảng Đông) và Tấn Thành (Thiểm Tây) sử dụng 1.600 lao động và cho ra lò khoảng 10.000 Foxbots/năm.
Cũng theo Day Chia-Peng, tổng giám đốc hội đồng phát triển công nghệ tự động hóa tại Foxconn, các đơn vị của hãng tại Trung Quốc, bao gồm nhà máy Thâm Quyến, hiện sử dụng tới 50.000 người máy vận hành công nghiệp, cùng hàng chục ngàn thiết bị tự động hóa trong các quy trình sản xuất.
Theo đó, người máy công nghiệp Foxbots có thể thực hiện 20 thao tác lắp ráp khác nhau, bao gồm in ấn, đánh bóng, đóng gói và thử nghiệm sản phẩm. Trước những chất vấn về chất lượng nhân công, áp lực công việc, tình trạng làm quá số giờ quy định với đồng lương rẻ mạt cùng hàng loạt vụ tự tử của lao động tại Foxconn, nhà thầu này hi vọng rằng những con robot sẽ giúp họ thay thế một lượng lớn nhân sự và cải thiện hình ảnh của hãng. Thêm vào đó, nhiều công ty tại trung quốc cũng đang đối mặt với viễn cảnh thiếu hụt lao động trong các năm gần đây, buộc họ phải tìm đến các biện pháp thay thế bền vững và an toàn như người máy công nghiệp.
Áp lực đến từ bộ máy nhân sự cồng kềnh buộc Foxconn phải phát triển các giải pháp công nghệ tự động hóa. |
Foxbots được kỳ vọng sẽ sớm ra mắt thị trường, với các khách hàng đầu tiên là các doanh nghiệp sản xuất-lắp ráp tại Trung Quốc.
Gian nan để đưa giấc mơ trở thành sự thực
Thế nhưng, tốc độ sản xuất 10.000 người máy/năm hoàn toàn không thể đáp ứng mục tiêu một triệu con robot cho các nhà máy Foxconn giai đoạn 2011-2014 đề ra bởi nhà sáng lập Terry Gou. Bên cạnh đó, Foxconn vẫn đang vận hành một bộ máy nhân sự vô cùng cồng kềnh với hơn một triệu công nhân. Day cũng khẳng định, giấc mơ robot-hóa toàn diện gặp rất nhiều khó khăn khi tiến hành trong thực tế.
Vừa mày mò sáng tạo, vừa phải chú ý nghe ngóng các bước đột phá của ngành công nghiệp máy tự động, các nhà nghiên cứu phát triển của Foxconn đã phải “rất vất vả”. Chính Day cũng thừa nhận: “Chúng tôi đã mắc phải vô số lỗi trong quá trình sáng tạo”, bởi việc tái tạo các phối hợp tay-mắt không hề dễ dàng, khiến khoản đầu tư vào mảng sản phẩm người máy mang đầy tính rủi ro.
Ngoài các thao tác vận hành thông thường, việc phát triển Foxbots cũng hướng tới việc lập trình linh hoạt giúp tái sử dụng hoặc tái định dạng mô hình người máy phục vụ những mục tiêu sản xuất khác nhau về lâu về dài. Điều này mang ý nghĩa hết sức quan trọng bởi ta biết vòng đời của một sản phẩm công nghệ đang ngày ngắn lại.
“Với ngành công nghệ thì mọi giải pháp tự động hóa đều phải đảm bảo khả năng tái điều chỉnh cho phù hợp với mục đích vận hành mới chỉ sau vài tháng”, ông Day khẳng định.
Công ty SoftBank Corp của Nhật Bản đang tiến hành liên doanh với Alibaba và Foxconn Technology để chào bán những robot giống người thật mang tên Pepper tới người dùng trên toàn thế giới. |
Robots không phải là tất cả
Tuy nhiên, việc phát triển robot chỉ là một phần của gói giải pháp giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm áp lực nhân công. Theo vị lãnh đạo bộ phận công nghệ tự động hóa tại Foxconn, các sản phẩm khác như tay kẹp, cảm biến, hệ thống hình ảnh, máy nạp và phần mềm chuyên dụng cũng sẽ được hãng quan tâm đúng mức.
Tuy nhiên, Day cũng đồng thời kêu gọi các nhà chức trách Trung Quốc nên thực hiện các biện pháp kinh tế thận trọng, tránh đầu tư quá nóng vào khối ngành công nghệ và xem robot như giải pháp toàn năng cho vấn đề khan hiếm lao động trong nước. Ông này cũng nhấn mạnh rằng robot không phải công cụ để cứu vãn nền kinh tế đang có dấu hiệu chững lại sau nhiều thập kỷ tăng trưởng không kiểm soát.
Những lo lắng của Day là có cơ sở, bởi ngay đầu năm nay, chính quyền tỉnh Quảng Đông tuyên bố sẽ chi ra 943 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 152 tỷ đôla Mỹ) cho dự án thay thế lao động con người bằng lao động máy mọc từ giờ cho tới năm 2018. Nhiều thành phố thuộc tỉnh cũng đang chi ra từ 30 – 80 tỷ USD cho các nhà sản xuất và lắp đặt robot.
Giờ đây, người ta nghĩ nhiều đến viễn cảnh người máy thao túng toàn bộ các công xưởng nằm trên khu vực đồng bằng Châu Giang, phía Nam Trung Quốc. Hiện các khu công nghiệp nước này cũng “ngập tràn” robot chuyên thực hiện các thao tác đơn giản như ép và đánh bóng. Còn theo số liệu của Tổ chức thống kê robot công nghiệp IFR, hiện có khoảng 200.000 người máy thông minh đang được sử dụng tại Trung Quốc tính tới hết năm 2014.
- 02/07/15 17:23 Vấn đề mới của nước Nhật: người dân không còn thích sex
- 02/07/15 17:22 Uber: “Chỉ chú trọng tạo việc làm là không đủ”
- 02/07/15 17:22 Kênh radio trực tuyến Beats 1 của Apple gặp lỗi ngay ngày đầu ra mắt
- 02/07/15 17:21 Facebook Messenger cho phép người dùng Mỹ gửi tiền cho bạn bè