san francisco là tụ điểm của các công ty công nghệ lớn và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, điều này đã rõ. Song, không nhiều người biết đây cũng là tâm chấn của những làn sóng đấu tranh mạnh mẽ cho quyền của người đồng tính trên toàn nước Mỹ và khắp năm châu. Sau khi chính phủ Hoa Kỳ đưa ra phán quyết lịch sử vào ngày thứ 6 tuần trước, chính thức hợp pháp hóa quyền kết hôn cho người đồng tính, San Francisco đã thực sự bước vào một đại tiệc sôi động, với những cuộc diễu hành “biểu dương lực lượng” của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới, trong 6 sắc cầu vồng rực rỡ.
Những lá cờ lục sắc tung bay khắp nước Mỹ cuối tuần vừa qua. Nguồn ảnh: Internet. |
Hòa chung chiến thắng của cộng đồng LGBT, giới công nghệ cũng vô cùng phấn khởi. Hạnh phúc nhất chắc chắn là ngài Tim Cook, vị CEO khả kính của Apple, người đã từng hùng hồn tuyên bố “Là một người đồng tính chính là món quá quý giá nhất mà Thượng Đế ban tặng cho tôi.” Ngoài ra, CEO của Salesforce là Marc Benioff, người công khai ủng hộ cho quyền lợi cho nhóm người đặc biệt này cũng tỏ rõ niềm vui của mình.
Và theo Gary Virginia, trưởng ban tổ chức Diễu hành Đồng tính tại San Francisco, thành công của cộng đồng LGBT cũng có ý nghĩa chẳng kém đối với khối ngành công nghệ nước Mỹ, bởi ngoài giá trị nhân văn thì luật mới cũng mở đường cho những triển vọng kinh tế, thương mại. Theo Gary, luật mới sẽ giúp cải thiện những quan điểm phân biệt đối xử với người đồng tính còn tồn tại trong xã hội và tạo điều kiện cho những người trẻ tài năng thuộc cộng đồng LGBT được đến với tình yêu của mình, đồng thời khuyến khích họ ứng tuyển và tích cực đóng góp cho các doanh nghiệp (nhiều người cũng tin rằng nhiều người đồng tính, dù thiên hướng giới tính khác biệt so với phần đa xã hội, lại là những cá nhân rất thông minh, khéo léo và có tư duy hiệu quả hơn người).
Giới công nghệ luôn sát cánh cùng cộng đồng LGBT
Luôn đi tiên phong trong việc đổi mới và tiến bộ, khối ngành công nghệ thường là nhóm dẫn đầu các ngành công nghiệp trong các động thái đòi quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT. Tháng 9 năm ngoái, tim cook công khai giới tính thật của mình và ông cũng là vị CEO đầu tiên của một công ty công nghệ lọt top Fortune 500 dám thừa nhận thực tế này khi còn tại nhiệm. Một tháng sau đó, ông tiếp tục “hùng dũng” kí tên trong một dự thảo luật chống phân biệt đối xử với người đồng tính tại bang quê nhà Alabama.
Công khai giới tính thật của mình, CEO của Apple luôn là người đấu tranh tích cực cho quyền của của cộng đồng LGBT. Nguồn ảnh: Internet. |
Còn tháng 3 vừa qua, CEO của công ty phần mềm Salesforce là Benioff cũng từ chối tham gia hàng loạt sự kiện tại bang Indiana vốn đã lên lịch trước đó để phản đối việc thống đốc bang này thông qua một đạo luật cho phép các doanh nghiệp từ chối cung cấp dịch vụ cho các cá nhân có “thiên hướng giới tính lệch lạc” vì lí do tín ngưỡng. Một tuần sau động thái của Benioff, hàng loạt chuyên viên đến từ Airbnb, Ebay, Jawbone, Lyft, PayPal, Twitter và các công ty công nghệ khác đã cùng ký vào một bản tuyên bố chung chống lại các điều luật tự do tín ngưỡng vừa được thông qua hay đang trong quá trình cân nhắc tại nhiều bang nước Mỹ.
Cũng phải nhắc lại rằng, sự kiện thứ 6 vừa qua đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh của cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới tại Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung. Đây cũng là dịp để người ta tưởng nhớ vụ bạo động năm 1969 tại Stonewall Inn, được xem là sự kiện mở màn cho cả một quá trình đấu tranh gian khổ với định kiến xã hội, cũng như nhắc nhủ nhau về cái chết tức tưởi song mang đầy tính cổ vũ lớn lao của Harvey Milk, thành viên Ban giám sát chính quyền bang California, người đã bị ám sát năm 1978 do công khai giới tính thật của mình và nỗ lực đấu tranh cho quyền lợi của người đồng tính.
Chiến dịch Diễu hành Danh dự (Pride Parade) vì người đồng tính
Những “người khổng lồ” như Apple, Facebook hay Google luôn đóng vai trò trụ cột trong các chiến dịch diễu hành vì người đồng tính tổ chức thường niên tại San Francisco từ nhiều năm nay. Song rõ ràng, động thái mở màn của CEO Táo khuyết mang một ý nghĩa tiên quyết. “Ông ấy đã làm được một điều thật lớn lao, một điều chưa từng có tiền lệ.” dẫn lời Kellie McElhaney, giám đốc Trung tâm Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp thuộc ĐH California – Berkeley.
Logo của chương trình diễu hành danh dự tại San Francisco năm nay. Nguồn ảnh: Internet. |
Thế nhưng, các công ty công nghệ cũng khó tránh khỏi đôi lần vô tình“chọc giận” cộng đồng LGBT. Cụ thể, Facebook đã chịu sự chỉ trích của một nhóm người chuyển giới hồi năm ngoái, do chính sách buộc người dùng sử dụng tên thật khi đăng ký và sử dụng tài khoản. Một số cá nhân còn làm đơn yêu cầu ban tổ chức cuộc diễu hành năm nay loại bỏ Facebook khỏi danh sách tham dự buổi lễ, tuy nhiên ban lãnh đạo chiến dịch không đồng tình với ý kiến này: “Đó không phải là cách hay để đấu tranh, và chính cũng Facebook cũng đã thừa nhận đó là một hệ thống không hoàn chỉnh rồi còn gì. Nói gì thì nói, họ đã ủng hộ các hoạt động của chúng ta từ nhiều năm nay, với cả tư cách một doanh nghiệp và một nhà tuyển dụng”, dẫn lời ông Gary Virginina. Gary cũng khẳng định rằng ông rất vui khi Chiến dịch Diễu hành Danh dự có được sự ủng hộ của các công ty công nghệ và khẳng định “ngành công nghệ đã luôn luôn đứng về phía chân lý.”
Rõ ràng, cuộc đấu tranh bền bỉ của LGBT đã đạt được một bước tiến mới và những người đồng tính, song tính, chuyển giới cũng như bất cứ ai yêu thương và ủng hộ họ có quyền được ăn mừng. Từ cảnh bị thờ ơ, bị cười nhạo, rồi bị công kích và tấn công gay gắt, giờ họ đã có thể ngẩng cao đầu để sống đúng với bản chất cũng như niềm tin của mình.