Trong năm ngoái, Facebook đã dồn lực để phát triển nền tảng video, kết quả thu được là trung bình hơn 4 tỷ lượt xem video mỗi ngày tính đến tháng 4 năm 2015, tức là tăng thêm 1 triệu lượt so với tháng 9 năm 2014. Gần đây, hãng này cũng khẳng định quyết tâm thu lời từ các nội dung quảng cáo trên nền tảng sản phẩm mới.
|
Một mặt, Facebook trình làng “biểu giá” quảng cáo dành cho các marketer trong trường hợp người xem lưu lại trên 10s đối với mỗi đoạn video hoặc bất cứ khi nào video xuất hiện trên News Feed của người dùng. Mặt khác, mạng xã hội cũng lên kế hoạch chia sẻ doanh thu với những người phát triển video (tương tự như mô hình mà youtube đang áp dụng).
Thế nhưng, dù đang có những động thái rõ ràng để khai thác địa hạt mới song các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng có hai vấn đề mà Facebook sẽ phải đối mặt trước khi trở thành một nhà cung cấp các dịch vụ video kỹ thuật số “thứ thiệt”.
Vấn đề số 1: Nội dung
Để cạnh tranh trực tiếp và hiệu quả với YouTube trên con đường trở thành “điểm chia sẻ, khám phá và xem video”, Facebook cần chú trọng xây dựng những nội dung độc đáo, hấp dẫn và chất lượng cao.
Cái khó đầu tiên chính là ở điểm độc đáo. Những ngôi sao với lượng theo dõi trên Facebook “khủng” như Perez Hilton hay Tyrese Gibson cũng thường có thói quen “xấu” là cóp nhặt video từ các trang mạng khác về và đăng tải trên Facebook mặc dù không được sự cho phép của “chính chủ”.
Mặc dù mạng xã hội cam kết sẽ gỡ bở các nội dung vi phạm bản quyền, thế nhưng những biện pháp ngăn chặn chủ động ngay từ đầu lại chưa thấy đâu. Khó xử lý hơn cả những video “chôm chỉa” là những clip ngắn chứa các nội dung cắt gọt hoặc rò rỉ các sản phẩm âm nhạc bản quyền. Việc kiểm tra, sàng lọc các clip này rất khó bởi lượng upload lớn và mức độ vi phạm khá tinh vi.
|
YouTube đã giải quyết được vấn đề minh bạch nội dung nói trên thông qua phần mềm Content ID có khả năng đối chiếu các video chờ đăng tải với kho lưu trữ dữ liệu nội dung đã được đăng ký sở hữu trí tuệ, giúp loại bỏ ngay lập tức những sản phẩm vi phạm hoặc “đánh động” để nhà sản xuất chính danh có thể thu tiền quảng cáo.
Trước khi tìm được một giải pháp triệt để, Facebook có thể cân nhắc thiết đặt các đoạn quảng cáo trước trình chiếu video (pre-roll ad) giúp tránh rủi ro “kẻ trộm” chôm chỉa video của người khác và kiếm bộn tiền từ họ (cũng là tránh cho Facebook những vụ kiện tụng không đáng có).
Vấn đề thứ 2: Người sản xuất cần được hỗ trợ
Bên cạnh việc đảm bảo tính chất minh bạch và hợp pháp của các nội dung video đăng tải, Facebook cũng phải thuyết phục những nhà sản xuất nội dung hình ảnh chân chính rằng họ có thể tự tin chia sẻ các sản phẩm của mình và kiếm tiền từ chúng trên nền tảng mạng xã hội này.
Hiện hãng đang bước đầu thử nghiệm mô hình chia sẻ doanh thu với nhiều đối tác thương hiệu như Funny or Die hay NBA và sắp tới sẽ phải tiếp tục thu hút thêm những dòng đăng tải định kỳ, đều đặn như cách mà YouTube đã kết nối và làm việc với các ngôi sao chuyên sản xuất video như PewDiPie, Bethany Mota, Hannah Hart hay Nash Greir.
|
Thêm vào đó, dù Facebook có quyền tự hào mình có tới 4 tỷ lượt xem video mỗi ngày, song cần nhớ là hãng tính một lượt xem bất cứ khi nào một đoạn video được chạy trên màn hình trong ít nhất 3 giây – tức là nhiều khả năng người dùng chỉ vô tình mở nội dung đó và cũng chẳng có ý định xem trọn vẹn nó làm gì. Để có thể thực sự thu được tiền từ các nội dung video, 3 giây là không đủ và cũng không bền vững.
Nhìn lại cách thức hoạt động của YouTube, trang này đã “lôi kéo” những đơn vị quảng cáo hàng đầu qua chương trình “Google Preferred”, theo đó trang chia sẻ video trực tuyến sẽ sắp xếp các nội dung quảng cáo với kênh phù hợp nhất. Đây cũng là một cách mà Facebook nên nghiêm túc học hỏi.