Thế nhưng, với những người trong ngành thì điều này nghe chẳng hợp lý chút nào. Jack Dorsey hiện đang là CEO của Square, làm sao ông có thể đảm nhiệm 2 chức vụ cùng lúc? Và Dick Costolo đã nắm giữ chức CEO của Twitter trong tận 6 năm và ông đã đưa mạng xã hội này phát triển rất thành công.
Vậy thực sự điều gì diễn ra đằng sau cuộc tìm kiếm CEO này của Twitter?
Có khá nhiều giả thuyết, nhưng có 2 giả thuyết là có vẻ hợp lý nhất tại thời điểm này.
Giả thuyết thứ nhất là đây là bước đệm để nhà sáng lập và nay đang là Quyền CEO Jack Dorsey chính thức trở thành CEO của Twitter. Mọi người hi vọng rằng với uy quyền và tầm nhìn của mình, Jack Dorsey có thể thúc đẩy Twitter và giúp công ty này tìm ra được hướng phát triển trong tương lai.
Nhưng vẫn còn 1 số vấn đề từ cả 2 phía Jack Dorsey và Twitter, dẫn đến việc buộc phải giải quyết bằng vụ "CEO tạm quyền" lằng nhằng này.
Vấn đề ở đây là Jack Dorsey hiện đang là CEO của Square - 1 công ty khác ông lập ra sau khi bị buộc phải rời khỏi vị trí CEO của Twitter. Square là một công ty lớn và rất thành công, và Dorsey có những ràng buộc tại đó mà khó có thể bỏ ngay. Ít nhất một trong những ràng buộc đó là các nhà đầu tư, bởi Dorsey không thể đột ngột tuyên bố với họ là ông sẽ bỏ Square được.
|
Có 1 điều chắc chắn rằng Dorsey sẽ khó có thể thành công khi mà cùng lúc quản lý cả Twitter và Square. Ông đã thử điều này trước đây, vừa làm CEO của Square vừa làm quản lý sản phẩm của Twitter, nhưng đã thất bại. Sau đó Dorsey đã rời Twitter để dành thời gian tập trung cho Square.
Ngoài ra, cũng chưa thể chắc chắn rằng Jack Dorsey có thể thành công khi giữ chức CEO của Twitter. Đã có nhiều dấu hỏi đặt ra liệu rằng Dorsey có phải là ứng cử viên tốt cho vị trí này hay không, mặc dù không ai phủ nhận những kinh nghiệm làm CEO và sáng lập startup mà ông có.
Việc Dorsey giữ chức "CEO tạm quyền" của Twitter là 1 sự đảm bảo cho cả Dorsey và ban giám đốc của Twitter. Dorsey sẽ có thời gian để bàn giao lại các trách nhiệm với Square. Trong khi đó, ban giám đốc Twitter sẽ có thể nói với các nhà đầu tư rằng "họ đã tìm khắp thế giới, và chẳng có CEO nào tốt hơn Jack Dorsey cả". Còn nếu Dorsey thất bại, tất nhiên cả 2 bên đều có 1 lối thoát dễ dàng hơn, là đưa 1 CEO mới lên.
Một giả thuyết thứ 2, "shock" hơn, đó là việc CEO Dick Costolo từ chức là để "dọn đường" cho một vụ "bán mình" của Twitter.
"Khi không có CEO chính thức thì sẽ có lý do cho các nhà đầu tư chiến lược hoặc một bên lớn bước vào", nhà phân tích Brian Pitz của Jefferies nhận xét. Hơn nữa, một nguồn tin của Business Insider cho biết rằng CEO Dick Costolo luôn phản đối kế hoạch bán lại Twitter.
|
Costolo cho biết ông đã nói chuyện với ban lãnh đạo Twitter từ cuối năm ngoái về việc tìm người kế nhiệm cho ông, nhưng đến nay ban lãnh đạo Twitter vẫn chưa công bố người thay thế khi mà Costolo sẽ rời Twitter trong vài tuần tới. "Có vẻ như ban lãnh đạo Twitter hướng tới 1 kế hoạch khác" - Khá nhiều nhà phân tích có cùng chung ý kiến này. Và khả năng lớn nhất là google sẽ mua lại Twitter, như những tin đồn thời gian gần đây. Điều này đặc biệt hợp lý hơn khi mà Google đã bắt đầu tích hợp các nội dung tweet vào trong kết quả tìm kiếm của mình.
Nhưng dù cho 2 giả thuyết trên đây có đúng hay không, thì việc chưa chỉ định 1 CEO chính thức vẫn mang đến nhiều bất lợi cho Twitter trong thời điểm này. 6 tháng vừa qua các nhân viên và nhà đầu tư đều chịu nhiều áp lực từ tin đồn rằng CEO Dick Costolo sẽ ra đi, và giờ đây điều này trở thành sự thật. Jack Dorsey rất được yêu mến, điều này không phải bàn cãi, nhưng hiện tại về danh nghĩa ông chỉ là CEO tạm quyền. Không ai biết được ông sẽ nắm quyền trong bao lâu. Khách hàng sẽ không yên tâm, và cả các nhân viên sẽ khó có thể tập trung làm việc và cống hiến. Các nhà đầu tư cũng sẽ chẳng đặt nhiều lòng tin vào Jack Dorsey và các kế hoạch của ông.
Hướng giải quyết tốt nhất của ban lãnh đạo? Hãy chỉ định 1 CEO chính thức cho Twitter, dù có là Jack Dorsey hay ai đi nữa.