Đó là những là mà Vimal Thomas, Phó chủ tịch của yamaha phụ trách mảng IT khu vực châu Mỹ đã hùng hồn khẳng định. Xem ra, Thomas thực sự là một trong số những vị lãnh đạo biết thích ứng ở thể chủ động và tận dụng những cơ hội mà công nghệ điện toán đám mây đem lại. Ông này đã mạnh dạn tiến hành một động thái chưa từng có tiền lệ, đó là chuyển 200 máy chủ của Yamaha “lên” dịch vụ đám mây của Amazon (AWS – amazon Web Services), loại bỏ hoàn toàn sự lệ thuộc vào các trung tâm dữ liệu và tiết kiệm cho tổ chức 500.000 USD chi phí mỗi năm.
Ngoài Amazon thì nhiều công ty công nghệ lớn cũng cung cấp các dịch vụ lưu trữ như thế này, ví dụ như Microsoft, Google hay IBM. Và theo công ty nghiên cứu và tư vấn quản lý IDC, thị trường cho các dịch vụ đám mây sẽ đạt mức tăng trưởng 21% mỗi năm, với giá trị ghi nhận trong năm 2015 ở mức 32 tỉ đôla Mỹ và sẽ chiếm 1/3 tổng chi phí đầu tư vào hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin.
Thế nhưng, cũng rất ít công ty dám loại bỏ hoàn toàn cách thức lưu trữ truyền thống để chuyển hẳn sang dùng dịch vụ đám mây, mà chỉ đơn thuần ứng dụng đám mây như một công cụ hỗ trợ cho các máy chủ và trung tâm dữ liệu. Theo nhiều doanh nghiệp, sử dụng đám mây 100% có thể rất tốn kém hoặc không đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Song xem ra, vị chủ tịch Yamaha đã có những tính toán và nhìn nhận hoàn toàn khác. Vimal Thomas cho biết rằng từ cuối năm 2013, ông đã thử tính toán ngân sách và thấy rằng sử dụng đám mây không tốn kém, lại cũng chẳng hề mất an toàn như người ta vẫn bắt bẻ.
Rẻ, an toàn, và không còn chỗ cho những công việc nhàm chán
Cũng như nhiều công ty khác, Yamaha cho thuê khoảng 60 máy chủ với hợp đồng kỳ hạn 30 tháng, mỗi máy có khả năng vận hành 200 phần mềm server dùng kết hợp hai hệ điều hành Windows và Linux. Mỗi phần mềm này lại có thể chạy hàng trăm ứng dụng, bao gồm email, bộ ứng dụng văn phòng Office, các công cụ tính toán tài chính, vân vân và vân vân.
Tính ra thì sau mỗi tháng, sẽ có từ 1-2 máy chủ hết hạn cho thuê hợp đồng và hãng cần gửi một máy chủ mới thay thế. Khi đó, đội ngũ kỹ thuật viên hạ tầng của Yamaha được triệu tập để thực hiện back-up dữ liệu, test, cài đặt các ứng dụng để máy chủ mới có thể hoạt động. Công việc này vừa mất công mất sức, tốn thời gian mà lại còn đòi hỏi nhiều nhân sự.
“Rõ ràng như thế là không bền vững”, ông Thomas khẳng định. Vị chủ tịch đã có ý định thuê nhân công bên ngoài để tăng hiệu quả và cắt giảm chi phí, nhưng cuối cùng, chỉ riêng tiền trả công lao động đã ngấp nghé 1 triệu đô (chưa kể phần chi phí trả cho các máy chủ mới).
Bởi vậy, Thomas đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng sử dụng đám mây trong việc lưu trữ toàn bộ thông tin dữ liệu của doanh nghiệp. Tháng 11/2013, Yamaha tìm tới Amazon để “bàn chuyện”. Amazon sau đó đã phối hợp với bên thứ ba là 2nd Watch để hỗ trợ chuyển dữ liệu, máy chủ và các ứng dụng của Yamaha lên AWS trong suốt một năm ròng. Ngoài ra, 2nd Watch cũng cung cấp cho Yamaha các công cụ kiểm soát chi phí phát sinh trong các quy trình vận hành.
Hiệu ứng domino
Tính tới tháng 7/2014, toàn bộ nền tảng công nghệ thông tin của Yamaha được sử dụng để vận hành cỗ máy doanh nghiệp bao gồm 450 nhân sự tính riêng tại Hoa Kỳ đã được đưa lên đám mây của Amazon, ngoại trừ ứng dụng kế toán doanh nghiệp của Oracle (hiện cũng là đơn vị cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cạnh tranh trực tiếp với Amazon), hệ thống điện thoại của Cisco và tập hợp các files chia sẻ giữa các nhân viên được lưu trữ trong các drive cá nhân. Tuy nhiên, 3 loại hình dữ liệu cuối sẽ tiếp tục được “đám mây hóa”, bởi Yamaha đang gấp rút làm việc với Box, Dropbox và nhiều công ty chuyên kinh doanh dịch vụ chia sẻ file khác, đồng thời liên hệ với Cisco để hỏi về phiên bản đám mây cho dịch vụ viễn thông của hãng này.
Theo Thomas, việc bước đầu sử dụng dịch vụ AWS đã tạo cho ông hiệu ứng domino trong tâm lý, khiến ông muốn dùng đám mây cho mọi thứ, mọi loại hình dữ liệu.
Trụ sở tập đoàn tại Nhật Bản cũng đã được “đánh động” về hướng đi mới này của Yamaha châu Mỹ. Bởi Thomas và các cộng sự từng cung cấp các dịch vụ IT cho 150 nhân sự của chi nhánh Yamaha Canada, công ty mẹ đang cân nhắc để đơn vị này tiếp tục thực hiện các dự án tối ưu hóa hệ thống thông tin cho các công ty thành viên tại Nam Mỹ và Bắc Phi.
"Mục tiêu ban đầu của tôi là tiết kiệm cho doanh nghiệp 500.000 USD/năm, và thực tế là chúng tôi đã tiết kiệm được nhiều hơn thế. Tất cả là nhờ việc loại bỏ các thao tác cho thuê phần cứng và loại bỏ sự hiện diện của các trung tâm dữ liệu cồng kềnh.” Thomas cho biết. Một điểm cộng khác của việc sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây của Amazon, đó là chỉ cần 6 người trong nhóm 22 kỹ thuật viên của Yamaha Mỹ phải “trực chiến” với các máy chủ trên đám mây và họ có thể kích hoạt các máy chủ bất cứ khi nào cần đến và tắt chúng khi không sử dụng, nhưng chi phí “bảo quản” cho các máy chủ không được sử dụng gần như bằng không.