Đã thành thông lệ, dịp rằm tháng 8 âm lịch hàng năm, đoạn phố Hàng Mã, Hàng Lược trở nên rực rỡ và náo nhiệt hơn hẳn ngày thường. Những sắc màu vàng, đỏ, những âm thanh rộn rã vui tai, tiếng người cười nói, nô đùa rồi mê say mua mua – bán bán đã đóng góp một mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh tết Trung thu xứ Việt.
Đặc biệt năm nay, Trung thu càng thêm nhiều ý nghĩa với nhiều người. Những món chơi trẻ em được bày bán năm nay, dù là lồng đèn, mặt nạ hay trống phách… thì ít nhất một nửa được sản xuất tại Việt Nam, mặc cho áp lực cạnh tranh của đồ chơi “xứ Tàu” vốn luôn tràn lan trên thị trường.
Một nửa chưa phải là đa số, song nó thể hiện nỗ lực của những nhà sản xuất, các đơn vị phân phối và thậm chí cả các nhóm đối tượng người mua trong việc định hướng con trẻ quay đầu lại với những món đồ chơi dân gian truyền thống không những thú vị mà còn lành mạnh và mang tính giáo dục cao.
Bên cạnh những loại hình đồ chơi đã có từ xa xưa, như mặt nạ giấy bồi, đầu lân, trống da lợn, đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn ông sư hay giỏ thiên nga trắng, nhiều món đồ chơi kiểu mới “made in Vietnam” cũng đã được phát triển dựa trên nhu cầu và thị hiệu thị trường, bước đầu cạnh tranh tốt với các mặt hàng nhập ngoại.
“Thiết kế đồ chơi Việt bây giờ đẹp, mà người dân cũng muốn mua hàng Việt hơn là mua đồ chơi Tàu”, cô Nguyễn Thị Luyện, một chủ quầy hàng đồ chơi trên phố Hàng Mã chia sẻ.
Còn bác Phạm Bình Thanh, một chủ hàng khác thì cho biết: “Người lớn, nhất là tầm 50 tuổi trở lên thì vẫn thích mua cho con cháu mình đồ chơi truyền thống, nhưng bọn trẻ thì thích đồ nhập ngoại hơn vì trông sặc sỡ, bắt mắt hơn.”
Rõ ràng, việc đánh bật hoàn toàn những món hàng nhập ngoại mẫu mã đẹp, chất lượng trung bình nhưng giá thành lại rất phải chăng là một nhiệm vụ bất khả thi cho đồ chơi Việt nói riêng và hàng hóa xuất xứ Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, thị trường cũng đã cho thấy các dấu hiệu tích cực về nhu cầu ngày càng lên đối với những mặt hàng truyền thống, những sản phẩm được phát triển và sản xuất bởi người Việt, cho người Việt.
Thêm vào đó, việc nhiều loại hình đồ chơi Trung Quốc bị phát hiện có chứa chất hóa học độc hại cho sức khỏe cũng khiến nhóm hàng này mất điểm trong mắt người tiêu dùng.
“Con trai tôi lớn hơn một chút, biết suy nghĩ hơn, vào tầm 5-6 tuổi gì đấy, thì tôi sẽ cố gắng hướng cháu chọn và chơi đồ chơi truyền thống nhiều hơn”, một phụ huynh chia sẻ.
Đặc biệt, các bạn trẻ cũng đang bước đầu tìm cách đóng góp cho công cuộc bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa dân tộc, bao gồm thú chơi đồ chơi truyền thống ngày Trung thu. Một nhóm sinh viên trẻ đã tập họp và thực hiện dự án nâng cao nhận thức cho lớp thiếu niên nhi đồng về vẻ đẹp và ý nghĩa của những đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi, đầu lân sư tử… Tìm đến với các nghệ nhân dân gian, học cách làm đồ chơi truyền thống, sau đó đến nhiều trường tiểu học để dạy và cùng thực hiện với các em học sinh, các bạn sinh viên đã tìm ra một hướng tiếp cận và truyền bá giá trị của đồ chơi truyền thống dịp hội trăng rằm một cách chủ động hơn, thân thiện hơn.
“Thật là may mắn khi trẻ em nước mình được sống tại một đất nước giàu truyền thống văn hóa và có bản sắc dân tộc đậm đà như Việt Nam, vậy nên người lớn phải có trách nhiệm định hướng cho các em biết yêu quý và trân trọng những giá trị như thế”, dẫn lời Nguyễn Hà Phương, sinh viên năm nhất trường ĐH Luật Hà Nội, một thành viên của CLB.
Tuy nhiên, để có thể chinh phục được mọi đối tượng người tiêu dùng trong nước và giảm đáng kể tầm ảnh hưởng của đồ chơi Trung Quốc trên thị trường, vẫn còn rất nhiều việc phải làm và cần sự chung tay của nhiều bên, bao gồm nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng và cả các cơ quan văn hóa.