Cuối tuần qua, khi thông tin về việc Facebook cấm cửa một số cá nhân và tổ chức khỏi nền tảng MXH của mình vì “sử dụng thông tin người dùng không hợp lệ”, nó chỉ là một phần nhỏ trong những rắc rối mà bản thân Facebook đang gặp phải trong thời gian qua.
Từ chuyện chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ cho đến những sai sót khó hiểu xảy ra trong năm qua như phân biệt chủng tộc hay câu hỏi “cho phép quấy rối trẻ em”, Facebook không hề xa lạ với rắc rối, và thường xuyên khiến người dùng mất lòng tin.
Dù kết quả bầu cử tổng thống Mỹ đã ngã ngũ hơn 1 năm, vẫn còn rất nhiều chuyện để nói.Nhưng chỉ riêng sự kiện thông tin người dùng Facebook bị tiết lộ cho người ngoài này lại khá đặc biệt: hai tờ báo uy tín New York Times và The Observer (số báo chủ nhật của The Guardian) cho biết Facebook đã cố gắng ngăn chặn thông tin này lan ra trước khi thực hiện hành động “cấm cửa” nói trên.
The Times nói rằng trong một cuộc trao đổi riêng tư với họ, Facebook “xem nhẹ quy mô vụ việc và nghi ngờ rằng các dữ liệu đã bị lộ có còn nằm ngoài tầm kiểm soát của họ hay không.” The Guardian viết “các luật sư của Facebook cảnh cáo rằng The Observer đang đưa ra những cáo buộc sai trái và phỉ báng.” Tuy nhiên, cả hai tờ báo vẫn đăng tải bài viết của mình.
Sau đó, Andrew Bosworth và Alex Stamos, hai lãnh đạo cấp cao của Facebook nói rằng đó không phải là một vụ xâm nhập (breach) trên Twitter. Quả thực họ đúng – người dùng đã tiết lộ thông tin của mình một cách tự nguyện, dù thông tin đó được sử dụng sai quy định. Sau khi vụ việc này bị phát hiện, Facebook đã bổ sung một số tùy chọn để kiểm soát thông tin cá nhân cho người dùng trong thời gian gần đây nhằm tránh những vụ việc tương tự.
Nhưng đó không phải là vấn đề chính. Trong nhiều năm qua, người dùng ngày càng nhận thức rõ ràng hơn rằng bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào cũng có thể sử dụng Facebook để thu thập thông tin chi tiết về họ, và Facebook vô lực đến thế nào trong việc kiểm soát những thông tin đó được sử dụng ra sao. Dùng Facebook chẳng khác nào viết chuyện đời bạn lên giấy rồi dán nó ra ngoài đường.
Các nhà báo và những người vận động cho quyền riêng tư đã cảnh báo về những nguy hiểm của mạng xã hội như Facebook từ khi nó mới ra đời, nhưng phần lớn người dùng lờ tịt những cảnh báo đó. Họ muốn khoe ảnh, kết nối với bạn bè, chơi game, xem clip và thực hiện những trắc nghiệm tính cách. Nhờ hơn 2 tỉ người thực hiện những điều này, Facebook kiếm được 40 tỉ USD tiền quảng cáo trong năm 2017 vừa qua.
Phải đến gần đây, người ta bắt đầu nhận thấy ảnh hưởng của Facebook. Những mẩu quảng cáo mà họ xem được trên Instagram hay Messenger quá chuẩn xác, khiến nhiều người nghi ngờ Facebook đang nghe lén qua microphone. Facebook bác bỏ thông tin này, nhưng điều đó không quan trọng bởi người ta tin điều họ muốn tin.
Trong quý 4/2017, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Facebook chứng kiến việc số người dùng Facebook hàng ngày tại Bắc Mỹ sụt giảm, và thời gian họ sử dụng cũng giảm khoảng 5%.
Đó chỉ là hai trong nhiều chỉ số của Facebook, và mạng xã hội này vẫn đang phát triển ở những khu vực khác, ở những chỉ số khác, nhưng nó cho thấy rằng người ta đang bắt đầu giảm sử dụng Facebook. Các nhà quảng cáo cũng tỏ ra ngại ngần hơn khi đưa quảng cáo lên Facebook bởi giá ngày càng tăng, trong khi hiệu quả lại giảm sút. Dù 2 tỉ người sử dụng của Facebook vẫn là mục tiêu của các nhà quảng cáo, khi người dùng giảm, quảng cáo cũng sẽ giảm theo.
Trong khi đó, các lãnh đạo của Facebook cũng không khiến người ta yên tâm khi “tống khứ” cổ phiếu của mình. Mark Zuckerberg công bố sẽ bán 13 tỉ USD cổ phiếu vào năm 2019, và đã bán 500 triệu USD hồi tháng 2. Jan Koum, người sáng lập WhatsApp (bị Facebook mua lại vào năm 2014) bán 2,8 tỉ USD cổ phiếu năm 2017, còn Sheryl Sandberg, nhân vật thứ 2 trong Facebook cũng bán 300 triệu USD.
Để so sánh, hãy cùng nhìn vào một số lãnh đạo của những công ty khác. Ông Jeff Bezos - người giàu nhất thế giới bán 2 tỉ USD cổ phiếu Amazon để đầu tư cho Blue Origin, công ty hàng không vũ trụ của mình. Cựu tổng giám đốc Microsoft Steve Ballmer giữ gần hết số cổ phiếu ông có, trong khi tổng giám đốc Twitter mua thêm cổ phiếu của công ty mình khi các nhà đầu tư e ngại trước tốc độ phát triển của Twitter.
Facebook đang gặp rắc rối, và thay vì đối mặt với những rắc rối đó, các lãnh đạo hàng đầu của họ đang bán cổ phiếu và giữ im lặng. Nhận định tình trạng này như thế nào là ở bạn, nhưng có lẽ nó không phải là những tín hiệu tốt lành đến các nhà đầu tư hay những đối tác kinh doanh.
Facebook lại đổi thuật toán, người sử dụng Việt Nam kêu trời