Trong một nghiên cứu được công bố vào thứ 3 vừa qua của pew research center phối hợp cùng quỹ Knight Foundation, các chuyên gia khẳng định “tầm ảnh hưởng” của Facebook đối với hành vi tiếp nhận tin tức của người dùng ngày càng rõ nét. Cụ thể, bảng News Feed của mạng xã hội được lập trình với một thuật toán sàng lọc và đẩy lên trước những “post” nó cho rằng bạn sẽ quan tâm muốn đọc, khiến nhiều người không khỏi giật mình về việc thực đơn thông tin của mình lại do một cỗ máy vô hình dàn xếp.
Khảo sát 2.035 người dùng mạng xã hội, hãng Pew phát hiện ra rằng hiện có khoảng 63% người dùng twitter và Facebook sử dụng hai trang này để tìm và đọc các bài báo hay mẩu tin tức. Đã qua rồi cái thời người ta lên Facebook chỉ để chat chit, chia sẻ trạng thái hay là “lục lọi” trang cá nhân của những người mình quan tâm. Xu thế tiếp cận tin tức hiện đại đã biến các trang mạng xã hội trở thành “sàn” thông tin sôi động và cập nhật nhanh chóng, thông qua các thao tác “chia sẻ” hay “theo dõi”. Cũng theo nghiên cứu của Pew, tốc độ tăng trưởng lượng người dùng chuyên đọc tin trên Facebook còn cao hơn cả trên Twitter (tăng 16% chỉ trong 2 năm, so với mức tăng 11% của đối thủ).
Những kết quả ghi nhận trong nghiên cứu trùng khớp với những chiến dịch được cả hai mạng xã hội phát động trong vòng một năm qua, nhằm thúc đẩy bản thân như những nguồn cung cấp thông tin kịp thời, đáng tin cậy và được ưu tiên (thay vì chỉ được nhìn nhận như một kênh lọc tin thông thường).
Cụ thể, Facebook đã tung ra công cụ Facebook Instant giúp “dẫn” các tin tức từ các trang uy tín như Thời báo New York, Nat Geo hay Buzzfeed về cho “khách” của mình. Tháng 6 vừa qua, ứng dụng này cũng có thêm thanh “Trending” giúp người dùng caappj nhật các tin được quan tâm chia sẻ nhiều nhất. Bên cạnh đó, Twitter cũng mua lại Periscope – một ứng dụng stream nội dung trực tuyến khuyến khích người dùng ghi nhận và đăng tải các nội dung video trực tiếp trên nền tảng Twitter. Không dừng lại ở đó, Twitter còn rậm rịch Dự án Lightning từ tháng 6 với tham vọng đem tới cho người dùng trải nghiệm tin tức cập nhật nhanh chóng và hiệu quả, thông qua việc sắp xếp và điều hướng các nội dung thông tin văn bản, hình ảnh hay video liên quan đến dòng sự kiện.
Thế nhưng, chính Facebook mới là “kẻ đưa tin” có tầm ảnh hưởng nhất hiện nay khi so sánh với “chú chim xanh” Twitter. Hiện chỉ có 17% người dùng Hoa Kỳ có tài khoản Twitter, ngấp nghé ¼ lượng tài khoản Facebook, như vậy nghĩa là mức độ “phủ sóng” tin tức của Facebook gấp 4 lần Twitter (mà trong lĩnh vực truyền tin, độ phủ rõ ràng là thông số quan trọng nhất). Thêm vào đó, Twitter đem tới một chuỗi trình tự các tin được đăng tải bởi những người mà bạn theo dõi, trong khi Facebook ứng dụng thuật toán lọc tin và đẩy lên bất cứ nội dung thông tin nào mà bạn có khả năng hứng thú muốn đọc.
Tuy nhiên, Twitter lại đem đến một mạng lưới thông tin thời sự cập nhật đa dạng hơn, từ kinh tế, chính trị cho đến chiến sự quốc tế. Điều này đặt ra nghi vấn rằng Facebook đã tiến hành “kiểm duyệt” tin và chỉ chú trọng đẩy lên những nội dung tin giật gân, câu khách, hời hợt, hoặc đem về một lợi ích đặc thù nào đó cho mình. “Người đọc đang bị tước đi quyền được có tiếng nói đối với những gì mình đọc.” Ví dụ, các thông tin về sự kiện “ầm ĩ” Ice Bucket Challenge mà Facebook phát động năm ngoái đã chiếm mất “thị phần” cho các nội dung chính luận nóng hổi cùng thời điểm, nhưng là vụ sát hại hai thanh niên da màu Ferguson và Michael Brown.
Nói gì thì nói thì Facebook vẫn là một “không gian công cộng” chứ không phải một trang báo, và bởi thế, “luật chơi” của nó tuân theo các quan điểm văn hóa hay chính kiến xã hội và phần nào định hình cách mà chúng ta thể hiện trên mạng.
Hai giáo sư đến từ trường đào tạo kinh doanh Wharton trực thuộc ĐH Pennsylvania từng công bố một nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện, trong đó khẳng định những nội dung thông tin tích cực, thể hiện được bản sắc hay “thương hiệu” cá nhân của người dùng dễ được lan truyền trên mạng xã hội Facebook hơn là các nội dung tiêu cực.
Còn trong một nghiên cứu khác của Pew công bố tháng 8 năm ngoái, người ta phát hiện ra rằng người dùng Facebook thường hạn chế chia sẻ hoặc đóng góp ý kiến trước những nội dung thông tin mà bạn bè mình đăng tải với một thái độ hay quan điểm trực diện, rõ ràng. Tức là người ta có xu hướng tránh tranh luận với bạn bè mình trên mạng, và hành vi này sẽ "theo đuôi" họ ngay cả trong đời sống thực. So với những người không sử dụng mạng xã hội, chỉ khoảng 1 nửa số người dùng Facebook khẳng định mình sẵn sàng chia sẻ các quan điểm trái ngược với bạn bè “ba mặt một lời”.
Xem ra, Facebook ngày càng có tầm ảnh hưởng với những gì mà chúng ta đọc mỗi ngày. Một khi bước chân vào thế giới của Facebook, chúng ta đành phải chấp nhận điều này thôi.