Theo thống kê của Kantar, android chiếm tới 90% thị phần ở Brazil, còn iPhone lại là "hàng hiếm" ở nước này. Tương tự, hệ điều hành Google thống trị tại Argentina, Mexico… với hơn 75% thị phần. Trang công nghệ Business Insider nhận định đây là con số đáng ngại cho apple khi mà họ chuẩn bị tung ra iphone 6 trong khoảng 1-2 tháng tới.
Số người sở hữu smartphone đang tăng không hẳn là vì người tiêu dùng đã giàu lên mà là vì giá bán smartphone ngày một giảm xuống, phù hợp với túi tiền hơn. Đa số người sử dụng smartphone hiện nay không đủ khả năng mua iPhone 6.
Mỗi năm, Apple chỉ trình làng một đến hai phiên bản iPhone với giá gần 700 USD và mức giá này thậm chí tăng lên cả nghìn USD trong thời gian đầu sản phẩm hiện diện ở nhiều nước, nơi mà Apple sẽ phải cạnh tranh với đủ các dòng thiết bị Android giá rẻ chỉ khoảng 100 đến 200 USD. Dữ liệu của Kantar cho thấy thậm chí Windows Phone còn có thị phần cao hơn cả iOS ở một số quốc gia Mỹ Latinh và nhiều nước đang phát triển khác.
iPhone là smartphone ăn khách nhất, nhưng Apple không phải hãng điện thoại lớn nhất thế giới bởi họ bỏ qua phân khúc giá rẻ.
Apple từ lâu vẫn tuyên bố họ quan tâm đến lợi nhuận chứ không chạy theo doanh số. Việc tung ra sản phẩm "giá rẻ" không hợp với truyền thống của họ. Apple vốn luôn được ví như Porsche của ngành công nghệ - doanh số thấp, lợi nhuận dẫn đầu. Họ giới thiệu sản phẩm một cách có chọn lọc và thường nằm ở phân khúc giá cao .
Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi trong thời gian tới khi mà iOS chỉ còn chiếm dưới 20% thị phần. Các nhà phát triển luôn muốn ứng dụng của họ đến được nhiều người sử dụng nhất có thể. Dù iPhone là sản phẩm hot, dần dần giới lập trình viên sẽ chọn viết ứng dụng cho Android đầu tiên.
Smartphone đang bắt đầu bão hòa tại các nước phát triển và giới sản xuất đang mở rộng thị trường sang các nước đang phát triển. Theo BusinessWeek, số người dùng smartphone đã vượt ngưỡng 1 tỷ, có nghĩa đa số những ai có khả năng mua thì họ đã mua rồi. Nhưng còn 5 tỷ người khác chưa sở hữu điện thoại thông minh, mở ra cơ hội lớn cho các hãng như ZTE, Huawei của Trung Quốc và cả những hãng lớn như Samsung, Microsoft kinh doanh thiết bị giá thấp nếu muốn tăng thị phần. Tại Mỹ, người mua chỉ cần tiết kiệm 1-2 tuần để sắm iPhone trong khi ở Brazil hay Ấn Độ, họ phải tiết kiệm một vài tháng lương (xét trên mức thu nhập trung bình).
Cách đây 1-2 năm, smartphone giá rẻ đồng nghĩa với chất lượng tệ. Còn hiện nay, người dùng chỉ cần bỏ ra khoảng 200 USD là đã có thể sở hữu một điện thoại cấu hình cao, chạy mượt đến từ các thương hiệu kém nổi tiếng khác. Trong danh sách 10 smartphone bán chạy nhất thế giới có sự góp mặt của Xiaomi bên cạnh Apple và Samsung, cho thấy sự "xâm lấn" thị phần từ các nhà sản xuất Trung Quốc không còn là nguy cơ mà đã thực sự diễn ra.
Tim Cook, CEO Apple, từng tuyên bố smartphone giá rẻ là "rác" và Apple không quan tâm đến "mảng đáy" của thị trường điện thoại thông minh. Giới phân tích tin rằng iPhone 6 sẽ vẫn là smartphone ăn khách nhất thế giới, nhưng kết quả kinh doanh của Apple sẽ không còn "đẹp" như những năm trước do sự cạnh tranh của smartphone giá rẻ cấu hình cao.
Châu An
Có thể bạn quan tâm: