Và trong suốt gần 1 tuần qua, iPhone 6 trở thành chủ đề nóng nhất. Từ bàn nhậu cho tới Internet, không đi đâu mà tôi thoát khỏi việc bị cuốn vào những cuộc tranh cãi nảy lửa xoay quanh chiếc điện thoại của Apple.
Từ những cuộc bàn luận dông dài và vô bổ ấy, tôi nghĩ mình có đôi điều muốn chia sẻ về iPhone 6 và iPhone 6 Plus cũng như chiếc Apple Watch mới ra mắt. Hi vọng góc nhìn của tôi có thể phần nào giúp những cuộc tranh luận bất tận về iPhone của bạn bổ ích và có tính xây dựng hơn.
Đừng mất công so sánh cấu hình
Một trong những sai lầm phổ biến và thường gặp nhất khi nói về các sản phẩm của Apple là đem cấu hình ra để chế giễu. Điều này xảy ra với PC chạy Mac, sau đó là iPod rồi tới iPhone. Ngay từ những ngày đầu ra mắt, iPhone đã phải hứng chịu sự chỉ trích của anti-fan về việc máy thiếu tính năng hoặc có cấu hình lạc hậu so với sản phẩm cạnh tranh.
Và sự thực là luận điểm ấy nghe có vẻ rất... hợp lý vì với cùng 1 giá tiền (thậm chí là thấp hơn) bỏ ra, người ta có thể có được 1 chiếc smartphone với cấu hình, tính năng cao hơn iPhone 6 khá nhiều.
Tuy nhiên quá chú trọng vào cấu hình dễ khiến người ta rơi vào "bẫy giá thành" khi so sánh 2 sản phẩm. Thứ quyết định việc 1 sản phẩm có thể bán rẻ hay đắt không nằm ở giá thành sản xuất ra nó, mà nằm ở yếu tố giá trị nó sẽ đem tới cho người sử dụng ra sao.
Ở thời đại PC, khái niệm cấu hình và giá trị rất gần gũi nhau. Người ta sử dụng PC là công cụ làm việc chính, cấu hình mạnh hơn có thể sẽ giúp thiết bị làm việc hiệu quả hơn đem tới giá trị sử dụng lớn hơn. Tuy nhiên đối với các thiết bị hậu-PC như smartphone, nhất là với các sản phẩm cao cấp, sự khác biệt đôi chút về cấu hình ít khi quyết định giá trị sử dụng của bản thân sản phẩm đó: Dù là Snapdragon 800 hay 801 thì duyệt web hay nghe gọi cũng "xêm xêm" nhau mà thôi.
Giá trị thực sự của iPhone, nếu bạn đi hỏi tất cả những người đang sử dụng iPhone, không nằm ở cấu hình. Nó nằm ở AppStore phong phú, chất lượng cao, ở thiết kế mẫu mực, ở chất lượng phần cứng đồng đều, ổn định, ở việc nó "giải quyết khâu oai" rất tốt... Những giá trị đó mới thực sự là điều làm nên giá bán cắt cổ của iPhone, không phải cấu hình. Đừng phí thời gian của bạn đi tìm cách trả lời câu hỏi "máy nào tốt hơn?" bằng cách so sánh cấu hình.
Ai copy ai và chuyện cười người chớ vội cười lâu.
Trong suốt 3 năm trung thành gắn bó với Galaxy Note series, chưa 1 lần nào tôi cảm thấy thực sự hài lòng với những chiếc phablet của Samsung. Thiết kế vuông vắn dễ gây cảm giác cồng kềnh (trừ chiếc Note 2), vỏ nhựa ọp ẹp, nhanh tã là những thứ tôi không bao giờ "mê" nổi ở smartphone của Samsung. Sử dụng Note series là tôi chịu "mài dũa" thói quen sử dụng điện thoại của mình để đổi lấy màn hình xuất sắc và thời lượng pin "tạm ổn".
"Chóng tã" là 1 trong những yếu điểm chết người của sản phẩm đến từ Samsung.
Và khi Apple nhảy vào phân khúc phablet, iPhone 6 Plus đã cho thấy hãng không sao chép các phablet đi trước 1 cách mù quáng mà chọn cho mình những hướng tiếp cận rất riêng. Vỏ máy kim loại nguyên khối giúp kết cấu máy cứng cáp, vững vàng ngay cả khi có chiều dày rất nhỏ, rời bỏ thiết kế vuông vắn góc cạnh của các thế hệ iPhone 4,5 để chọn 1 thiết kế mềm mại, liền lạc, dễ chịu hơn trên tay là những điều Apple đang làm rất đúng với iPhone 6 Plus.
Tất cả những lý do ấy mở ra cho những ai yêu thích phablet như tôi 1 lựa chọn khác, có thể tôi sẽ không chọn dùng iPhone 6 Plus, nhưng bản thân sự có mặt của nó cũng sẽ gây áp lực đổi mới cho Galaxy Note. Đó chính là cách mà các hãng công nghệ từng bước thúc đẩy sự tiến bộ của cả ngành công nghiệp: Học hỏi lẫn nhau và tìm cách làm tốt hơn đối thủ. Dù có thể Apple không sao chép ý tưởng của Samsung 1 cách trực tiếp nhưng không thể phủ nhận rằng sự có mặt của Phablet nói chung và Note series nói riêng đã tạo nên sức ép khiến Apple phải thay đổi. Ngày iPhone 6 Plus ra mắt, người dùng của Apple nên biết ơn Samsung vì chính hãng sản xuất Nam Hàn là động lực chính thúc đẩy sản phẩm này.
Note series cuối cùng cũng có được 1 đối thủ thực sự xứng tầm.
Một lần nữa cần khẳng định lại rằng Apple có "dòm bài" của Samsung, nhưng điều ấy chỉ có lợi cho chính chúng ta. Lúc trước tôi có nói Samsung copy Apple là điều người dùng nên ủng hộ, và giờ tôi vẫn nói lại: Apple copy Samsung cũng là điều đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên rõ ràng là Apple sẽ cần xem lại chính sách marketing của mình khi bị chính quảng cáo của mình "phản pháo" lại như trong tình huống dưới đây thì thật sự quá buồn. Đây cũng là 1 bài học cho các fan cuồng: "Cười người chớ vội cười lâu".
Apple Watch và những câu hỏi cần lời đáp
Người ta đeo đồng hồ đeo tay để làm 1 thứ trang sức chứ không hẳn chỉ có mỗi mục đích xem giờ. Apple và tất cả các hãng sản xuất smartwatch khác đều muốn thuyết phục người dùng rằng đeo thêm 1 chiếc máy tính trên cổ tay sẽ đem đến nhiều công dụng vượt trội so với đồng hồ truyền thống và yêu cầu người ta đánh đổi tính thời trang của đồng hồ truyền thống lấy tính năng của smartwatch.
Bỏ qua những chê bai về thiết kế và giao diện đã quá nhiều người nhắc đến trong mấy ngày qua, tôi muốn đề cập tới 2 tính năng mà Apple cố tình "lờ" đi trong đêm ra mắt Apple Watch: Thời lượng pin và chống nước. Nếu như có điều gì mà tôi có thể khẳng định về Apple thì đó là hãng không bao giờ "quên" những chi tiết quan trọng như thế trong màn trình diễn sản phẩm của mình. Việc Apple cố tình "phớt lờ" 2 tính năng này đi chỉ có 1 ý nghĩa duy nhất: 2 tính năng này không được hoàn thiện cho lắm.
Với sự cẩn thận của mình, Tim Cook không bao giờ bỏ qua bất kỳ 1 chi tiết nào. Nếu ông ta không nói tới thời lượng pin của Apple Watch thì có nghĩa là Tim Cook không muốn chứ không phải ông ta quên.
Sử dụng chiếc Gear 2 Neo đã được gần nửa năm, tôi cay đắng nhận ra rằng thời lượng pin chính là thứ dễ khiến người ta nản lòng với smartwatch nhất. Thời lượng pin 3 ngày của Gear 2 Neo vẫn tỏ ra quá thiếu thốn, mặc dù việc 3 ngày sạc pin 1 lần không đến nỗi là 1 cực hình, nhưng với công việc thường xuyên phải đi xa của tôi, nếu để quên cục sạc đặc biệt của Gear 2 Neo ở nhà là coi như chấp nhận cất đồng hồ vào cốp xe vì hết pin giữa chừng.
Thậm chí nếu máy hết pin giữa 1 ngày làm việc ở công ty thì cũng đành bó tay vì không thể lúc nào cũng kè kè theo người 1 cục sạc riêng cho cái đồng hồ được. Sử dụng chân sạc không dây, chắc chắn Apple Watch cũng "dính" phải vấn đề này. Nếu thời lượng pin của Apple Watch quá thấp thì nó sẽ là 1 trong những vấn đề "chí mạng" với sản phẩm smartwatch đầu tiên của Apple.
Sạc pin 1 ngày 1 lần cho smartphone đã là điều quá sức chịu đựng với nhiều người. Việc kè kè bên người 1 cục sạc để phục vụ riêng cho "ông" smartwatch là điều không tưởng.
Bên cạnh đó tính năng chống nước vô cùng quan trọng với các sản phẩm đồng hồ cũng là thứ không thể thiếu. Nếu Apple "quên" mất khả năng chống nước của Apple Watch thì đó cũng sẽ là 1 thiếu sót nghiêm trọng của sản phẩm này. Thử tưởng tượng bạn sẽ phải loay hoay tháo đồng hồ khi rửa tay, đi tắm, đi bơi và gia tăng nguy cơ để quên nó ở khắp mọi nơi.
Chống nước sẽ là 1 tính năng quan trọng với 1 thiết bị quảng cáo là dành cho người ưa vận động, chơi thể thao như Apple Watch.
Cuối cùng, giá bán của Apple Watch cũng có thể khiến sản phẩm khó tiếp cận với người tiêu dùng hơn. Với giá bán khởi điểm 349$ và có thể lên tới trên 1000$ với các phiên bản dùng vật liệu quý, Apple Watch tiệm cận giá bán của những chiếc đồng hồ thời trang. Nhưng 1 chiếc đồng hồ thời trang sẽ có tuổi thọ một vài chục năm trong khi 1 chiếc Apple Watch, nếu người dùng may mắn và biết giữ gìn, sẽ chỉ hoạt động ổn định trong vòng 3 năm đổ lại. Ngay cả những đại gia muốn thể hiện mình là người có tiền bằng cách mua đồng hồ "xịn" để đeo cũng không muốn cứ mỗi 3 năm lại phải thay mới chiếc đồng hồ có giá cả ngàn đô 1 lần.
Thay cho lời kết
Còn quá sớm để kết luận bất kỳ điều gì về thành bại của Apple Watch hay iPhone 6 Plus, đặc biệt là chưa ai trong số chúng ta được cầm 1 trong 2 sản phẩm đó trên tay. Tuy nhiên tôi tin rằng với lợi thế màn hình lớn, iOS 8 khá hoàn thiện, iPhone 6 Plus có tương lai sáng lạn hơn người anh em mới chập chững "ra ràng" Apple Watch. Nhưng cũng giống như tất cả các sản phẩm khác của Apple, giá bán quá cao vừa sẽ là 1 lợi thế cạnh tranh vừa là 1 rào cản với sự phổ cập của iPhone 6 và iPhone 6 Plus.
Từ nay tới thời điểm Apple Watch bán ra chính thức (đầu năm 2015) còn khá dài, đủ thời gian cho Apple gọt giũa, tỉa tót lại những tính năng còn chưa hoàn thiện như thời lượng pin và khả năng chống nước. Trong thời gian đó, có lẽ Samsung và các hãng khác sẽ kịp cho ra mắt thêm 1,2 thế hệ smartwatch khác để đón đầu Apple Watch. Cuộc chạy đua smartwatch sang năm 2015 mới thực sự khởi tranh. Chúng ta hãy cùng chờ xem sao.
theo genk.vn
Có thể bạn quan tâm: