Sau động thái “hào phóng” của vị CEO tạm thời, giá cổ phiếu twitter trên thị trường tăng gần 7% trong ngày hôm qua.
Số này tương đương 0,14% cổ phần của Dorsey tại công ty và tốn kém của anh khoảng 856.000 USD.
Không chỉ Jack Dorsey bỏ tiền túi của mình để khẳng định niềm tin vào doanh nghiệp, Uỷ ban chứng khoán Hoa Kỳ cũng cho biết rằng trong tuần vừa qua, CFO của Twitter là Anthony Noto, cùng các thành viên hội đồng quản trị là Peter Currie và Peter Fenton cũng đã “ủng hộ đội nhà” bằng việc mua vào với số lượng trong khoảng 7.000 – 10.000 cổ phiếu.
Rõ ràng, ban lãnh đạo Twitter đang nỗ lực hết mức để “cứu” lấy Twitter, hiện đang rớt giá thảm hại trên thị trường. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày thứ 6 tuần trước, giá cổ phiếu Chim xanh xuống chỉ còn khoảng 27 USD/ cổ phiếu. Sang đầu tuần này, sau khi có động thái mua vào của vị CEO, giá cổ phiếu ngay lập tức tăng 1 USD trong buổi sáng và chốt phiên giao dịch hôm qua với mức giá 29,5 USD.
Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng những động thái và biểu hiện tích cực nói trên chỉ mang tính tạm thời, hoàn toàn không phải là giải pháp bền vững cho cơn khủng hoảng của mạng xã hội Chim xanh. Có hai lý do khẳng định điểm này.
Thứ nhất, giá thị trường và niềm tin người dùng chỉ là bề nổi. Trên thực tế, Twitter đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin thực sự ngay trong nội bộ doanh nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, Jack Dorsey vẫn chưa bỏ đi cái mác CEO “tạm thời”, đồng nghĩa với một bộ máy lãnh đạo vẫn chưa hề ổn định. Một số nguồn tin cho biết tinh thần làm việc của các nhân viên cũng đã xuống mức rất thấp, và việc nhiều người tìm nước thoái lui khỏi Twitter đang làm dấy lên những làn sóng hoang mang, lo lắng trong đội ngũ nhân sự.
Điểm thứ hai, cũng hết sức đang lưu tâm, đó là việc Jack Dorsey mua cổ phiếu “ủng hộ” doanh nghiệp cũng chẳng phải hành động nghĩa hiệp to tát, đặc biệt khi xem xét lại lịch sử mua – bán cổ phiếu của anh này. Cụ thể:
- Ngày 17/11/2014: Bán ra 50.417 cổ phiếu với giá trung bình 40,78 USD (thu về khoảng 2,056 triệu USD)
- Ngày 9/1/2015: Bán ra 151.251 cổ phiếu, giá trung bình 39,91 USD (lãi to với khoảng 6,036 triệu USD)
- Ngày 23/1/2015: Tiếp tục bán 51.417 cổ phiếu với giá trung bình 39,1 USD (kiếm về khoảng 2,01 triệu USD)
- Ngày 3/2/2015: Bán tiếp 50.417 cổ phiếu với giá trung bình 39,87 USD (thu về khoảng 2,01 triệu)
- Ngày 6/2/2015: Bán 75.630 cổ phiếu, giá trung bình đạt đỉnh khoảng 48,45 USD (thu về khoảng 3,66 triệu USD).
- Ngày 10/8/2015: Mua vào 31.627 cổ phiếu, giá 26,67 USD (chỉ tốn 843.492 USD).
Nên nhớ Jack Dorsey là một tỉ phú, 843.492 USD là một khoản lớn nhưng có thấm vào đâu với khối tài sản kếch sù mà anh này đang sở hữu. Đặc biệt, các số liệu ghi nhận đây là lần mua vào hiếm hoi của vị CEO, sau nhiều đợt bán ra khi “được giá” và thu về tiền triệu cho mỗi lần. Lẽ dĩ nhiên, cũng chẳng thể trách Jack Dorsey bởi với tư cách là dân kinh doanh và sở hữu một lượng lớn chứng khoán, việc mua vào – bán ra cho hợp xu thế thị trường là điều hoàn toàn hợp lý. Nên biết rằng Tim Armstrong từng chi mạnh tay tới 10 triệu đô để mua cổ phiếu của chính doanh nghiệp mình – AOL – khi nó đang chao đảo chốn thương trường, song khi bán lại cho Verizon, vị CEO kiêm Chủ tịch đã kiếm được gấp đôi mức đó. Xem ra cũng là một khoản đầu tư không tồi.
Nhưng nói như vậy để thấy, việc các lãnh đạo bỏ một số tiền nho nhỏ để mua cổ phiếu doanh nghiệp khi nó đang rớt giá cũng chỉ là một động thái hô hào nhằm “kích thích” giới đầu tư bỏ tiền vào cổ phiếu. Cũng có thể xem đây như một kế hoãn binh, bởi dù sao giá trị cổ phiếu cũng cần dao động trong mức “đủ an toàn” để ban lãnh đạo tiếp tục bàn mưu tính kế. Nhiều nhà phân tích đã thảo ra kịch bản, rằng nếu như cổ phiếu Twitter rớt giá xuống dưới 24 USD (tương đương với giá trị vốn hóa thị trường vào khoảng 15 tỷ đôla), chuyện bị thâu tóm chớp nhoáng là điều khó tránh khỏi.