Inforgraphics được xác lập dựa trên mức giá hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit Default Swaps – CDS), một dạng thức tài chính phái sinh hỗ trợ các giao dịch liên quan đến mua bán nợ xấu cấp quốc gia, đóng vai trò như một hình thức bảo hiểm cho bên mua nợ một khi chính quyền không thể bồi hoàn các khoản vay của mình. Và cũng như các loại hình bảo hiểm khác, giá hợp đồng càng đắt đồng nghĩa với rủi ro xảy ra sự cố càng cao.
Ở đây, Bank of America xếp hạng 39 quốc gia dựa chênh lệch lãi suất tính theo điểm phần trăm (giữa giá mua và bán nợ). Và như thế, có thể thấy rằng ở đây, quốc gia có rủi ro nợ công cao nhất thế giới hiện nay chính là Venezuela, với mức chênh nhằm phòng vệ nợ xấu còn cao gấp đôi mức áp dụng cho Hy Lạp hay Ukraina. Lọt top 4 rủi ro cao nhất (với mức điểm cơ bản trên 500) còn có cả Pakistan.
Hạng rủi ro thứ 2 bao gồm 8 quốc gia có mức điểm rủi ro CDS trong khoảng 200 – 500, trong đó Kazakhstan và Việt Nam là hai đại diện châu Á. Dù độ vênh giữa hạng 1 và hạng 2 khá lớn, đồng thời rủi ro nợ công của Việt Nam tương đồng với Nam Phi và xếp sau 6 quốc gia còn lại trong nhóm, nhưng rõ ràng đây là “báo động màu da cam” cho các nhà quản lý cấp nhà nước tại Việt Nam.
Thực tế này càng đáng lo ngại khi nhìn vào 4 nền kinh tế khác của Đông Nam Á là Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines đều đối mặt với rủi ro nợ công thấp hơn so với Việt Nam và thuộc hạng 3. Ngay cả Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đứng trước những dấu hiệu kinh tế bất ổn cũng thuộc hạng này (điểm rủi ro chỉ bằng già nửa nước ta).
Hạng rủi ro thấp bao gồm 15 quốc gia, đa phần là các nền kinh tế lớn và ổn định hiện nay. Đáng chú ý là sự xuất hiện của Tây Ban Nha trong nhóm này, phản ánh phần nào sự phục hồi của nền kinh tế sau giai đoạn khủng hoảng nhà ở và thất nghiệp tăng cao.