Mặc cho những quan ngại nổi lên xung quanh vấn nạn tin tặc Trung Quốc và các tranh chấp trên biển Đông, một khảo sát quy mô lớn được thực hiện gần đây cho thấy ngày càng có nhiều người dành “cảm tình” cho Trung Quốc và cho rằng nước này sẽ sớm vượt mặt Hoa Kỳ, trở thành cường quốc số 1 thế giới. Khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew xây dựng và thực hiện trên phạm vi 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với đa số “phiếu thuận” đến từ 27 nước dành cho con rồng Châu Á.
Báo cáo cũng cho thấy Trung Quốc đã tiếp tục cải thiện vị thế của mình trong lòng bạn bè năm châu chỉ sau một năm. Cụ thể năm 2014, giá trị trung vị (median) ở mức 49% phản ánh niềm tin vào triển vọng tươi sáng của Trung Quốc, nhưng sang đến năm nay, con số này đã tăng lên 54%. Các nhìn nhận tiêu cực cũng giảm từ 38 xuống còn 34% (Theo Pew).
Câu hỏi khảo sát đánh giá mức độ thiện cảm của người dân quốc tế dành cho Trung Quốc.
Với sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, Trung Quốc đang thể hiện quyết tâm vươn tầm bá chủ, dù cho nền tảng quân sự nước này vẫn bị xem là còn thua xa Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Bởi thế, quốc gia đông dân nhất thế giới càng ra sức đẩy mạnh các phương diện thương mại, viện trợ, đầu tư và củng cố quyền lực mềm để khuếch trương thanh thế - mặc cho những người láng giềng Đông Nam Á có hoan nghênh điều này hay không.
Theo đó, Trung Quốc hăng hái đứng ra thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) nhằm mục đích thúc đẩy những dòng vốn quốc tế chảy về các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở tại châu lục này – cạnh tranh trực tiếp với các thể chế tài chính hùng mạnh như Quỹ tiền tệ Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới.
Tháng tư, quân đội Trung Quốc đóng vai trò tích cực và chủ động trong việc sơ tán người nước ngoài ra khỏi vùng chiến sự Yemen, và mục đích của động thái này quá rõ ràng: một, là thể hiện tính nhân đạo của một quốc gia lớn có trách nhiệm và hai, là khẳng định tiềm lực của một nền quân sự đang lên.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng một mực khẳng định “tính nhân văn” và mục tiêu bình ổn khu vực trong nỗ lực tranh giành biển đảo của mình, mặc cho các quốc gia láng giềng như Philipines và Việt Nam kiên quyết phản đối – gọi đây là hành vi vi phạm chủ quyền một cách trắng trợn.
Thế nhưng, không thể phủ nhận là dưới sự “trị vì” của ngài Tập, hình ảnh và vị thế nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã được nâng tầm đáng kể trong mắt bạn bè quốc tế. Pew cho thấy là nhìn chung, khoảng 55% người dân tại các quốc gia khảo sát có nhìn nhận tích cực về Trung Quốc, đặc biệt là tại châu Phi và châu Mỹ Latin – nơi chính quyền Tập Cận Bình đang triển khai những chương trình hợp tác kinh tế và đầu tư mạnh tay vào hạ tầng cơ sở cũng như sản xuất nhu yếu phẩm (như dầu mỏ).
Tuy nhiên, khi cân nhắc về yếu tố tôn trọng quyền con người thì số người ủng hộ tại 39 quốc gia giảm xuống còn 45%, với những chỉ trích cho rằng nước này không tôn trọng quyền tự do cơ bản của chính người dân nước mình (trong khi số người có quan điểm ngược lại chỉ chiếm 34%).