Mặc cho việc các khóa học dạy “ kiếm tiền trên YouTube” mọc ra nhan nhản khắp thế giới và cả ở Việt Nam, việc bạn sẽ trở thành triệu phú trên mạng xã hội video không hề đơn giản và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Trăm người thì mới có một pew die pie – “game thủ” kỳ cựu trên YouTube – người được cho là kiếm tới 7,4 triệu đô trong năm ngoái nhờ hoạt động quay clip kiếm tiền của mình. Khi một bộ phận cư dân mạng “dậy sóng” vì con số nói trên, anh này làm hẳn một video để đốp chát lại. Kể cũng đúng thôi, vì dù sao công sức anh này bỏ ra cho một video thú vị, thu hút tới trăm triệu lượt xem cũng đâu phải “dạng vừa”.
Thế nhưng, các ngôi sao YouTube có thực sự ghi nhận nhiều tiền đến vậy trong tài khoản của mình. Nên biết là chính sách của mạng video chỉ cho phép các nhà sản xuất nội dung giữ 55% doanh thu từ quảng cáo đính kèm, không kể đây là doanh thu trước thuế, chưa trừ chi phí dựng – biên tập video.
Vậy là Statsheep, trang web chuyên thực hiện các thống kê cho YouTube đã làm một vài phép tính nho nhỏ. Cụ thể, từ việc xem xét lưu lượng hoạt động đối với các nội dung đăng tải của PewDiePie trong thời gian gần đây, có thể ước tính anh này đang “thu hoạch” khoảng 3,5 triệu đô mỗi 4 tháng (tương ứng 10,5 triệu một năm). Như vậy:
- Tổng doanh thu: 10,5 triệu
- Doanh thu thực (trừ 45% trả lại cho YouTube): 5,775 triệu
- Doanh thu sau thuế (thuế suất 30%): 4,0425 triệu
- Lợi nhuận ước đạt (trừ chi phí sản xuất): khoảng 4 triệu đô
Ok, 4 triệu đô không phải con số tồi chút nào. Nhưng rõ ràng từ số tiền tạo ra lên đến hơn 10 triệu trong khi chi phí tiêu tốn gần như rất ít (bạn chẳng tốn nhiều ngoài công sức bỏ ra) thì mức lợi nhuận thu về đã ghi nhận một lượng hao không hề nhỏ.
Cũng xin nhắc lại lần nữa, rằng trăm người mới có một PewDiePie, anh chàng Thụy Điển đẹp trai quay clip chơi game và “nói nhảm” để kiếm tiền tiêu xài xả láng!
Lấy một ví dụ khác là michelle phan , cô gái gốc Việt chuyên đăng tải các clip dạy làm đẹp khá kỳ công và chất lượng. Theo Statsheep dự đoán, Phan sẽ kiếm được 126.000 USD trong vòng 4 tháng tới dựa trên các số liệu từng ghi nhận, tương ứng 378.000 USD. Một con số cũng khá ra trò, nhưng hãy xem cô gái thực sự nhận được bao nhiêu:
- Tổng doanh thu: 378.000 USD
- Doanh thu thực (55% tổng doanh thu): 207.900 USD
- Doanh thu sau thuế (thuế suất 30%): 145.530 USD
- Thu nhập thực lĩnh: khoảng 145.530 USD
Hai ví dụ trên đây, dẫu vậy, vẫn là điển hình thành công của những ngôi sao YouTube khôn ngoan nhất. Kiếm tiền từ YouTube, họ hiểu và biết cách tận dụng lợi thế “giảm thiểu chi phí” của mình, nhờ đó, họ tối ưu hóa doanh thu và lợi nhuận – trở thành những ngôi sao có cả triệu người hâm mộ và tiền rủng rẻng trong túi. Có thể nói kiếm tiền theo cách này còn nhàn nhã hơn các ngôi sao truyền hình hay ca nhạc. Bạn đã thử nghĩ Taylor Swift phải tốn calo và tiền bạc như thế nào để có những MV đình đám thu hút hơn tỷ lượt view?
Dưới đây là một câu chuyện khác để ta thấy làm giàu với YouTube không hoàn toàn dễ như ta tưởng.
Olga Kay có thể được liệt vào hàng ngũ “sao nhỏ” trên YouTube, chuyên thực hiện các video độc thoại kể về đời sống của phụ nữ Mỹ. Nhờ nội dung khá chất mà cô này thu hút 1 triệu subscriber, tạo ra doanh thu khoảng 100.000 - 300.000 USD/năm trong vòng 3 năm trở lại đây. Ghi chú đây mới chỉ là doanh thu tổng.
Tiếp tục với một số dữ kiện khác. Olga Kay thực hiện 20 video mỗi tuần, tất cả đều được đính kèm nội dung quảng cáo. Chi phí biên tập video hàng tuần của cô ngốn khoảng 500 - 700 USD.
Như vậy, nếu mức doanh thu hàng năm của cô này vào khoảng 100.000 USD, hạch toán sẽ như sau:
- Doanh thu tổng: 100.000 USD
- Doanh thu thực: 55.000 USD
- Doanh thu sau thuế: 38.500 USD
- Chi phí biên tập (500 USD/tuần x 50 tuần): 25.000 USD
- Thu nhập: 13.500 USD
Lợi nhuận 13.500 USD/năm cho 25.000 USD chi phí biên tập và mồ hôi công sức (nhất là chất xám bỏ ra cho mỗi một nội dung). Thật đúng là của một đồng, công một nén!
Tất nhiên, con số trên đây dựa trên ước đoán tổng doanh thu thấp nhất mà cô gái này có thể kiếm được từ YouTube. Song qua đây cũng thấy kiếm tiền từ mạng xã hội này cũng đâu phải "ngon ăn" như ta tưởng.
YouTube là một mỏ vàng, nhưng chỉ khi ta biết cách tính toán hợp lý chi phí và các nguồn lực bỏ ra, ta mới có thể tối ưu hóa doanh thu, lợi nhuận và khai thác tốt nhất nền tảng video này.
Để xây dựng thương hiệu cá nhân với YouTube thì không khó. Nhưng để xây dựng cả một đế chế ăn nên làm ra thì cũng …còn tùy.