Đã bao lâu rồi bạn chưa “sang sửa” lại hồ sơ xin việc của mình? Bạn có ý định “nhảy việc” trong thời gian tới? Hoặc đang chập chững trong giai đoạn đầu tìm việc?
Dù thế nào, một cấu trúc CV phù hợp mang ý nghĩa rất quan trọng trong việc tiếp cận và giành cảm tình của các thành viên ban tuyển dụng.
Đôi khi, thông tin tốt là chưa đủ. Nhiều người ngẩn ngơ không hiểu vì sao hồ sơ của mình không thể vượt qua "vòng loại", dù cảm thấy trình độ năng lực và kinh nghiệm của bản thân hoàn toàn phù hợp với vị trí ứng tuyển. Trong trường hợp này, có 3 khả năng xảy ra: 1) Bạn kém hơn hẳn so với các ứng viên còn lại; 2) Bạn quá… vượt trội so với nhu cầu của công ty và 3) CV của bạn không hấp dẫn, bố cục không hợp lý, khiến những thông tin “chủ chốt” vô tình bị bỏ qua.
Nếu bạn không biết làm thế nào để giải quyết hai khả năng đầu tiên, hãy tìm cách loại bỏ khả năng cuối cùng với những lời khuyên dưới đây.
1. Cấu trúc CV chung nhất
Thông thường, bố cục CV bao gồm các nội dung và trật tự sắp xếp nội dung như sau:
- Giới thiệu chung về người ứng tuyển (không bắt buộc)
- Kinh nghiệm của bản thân
- Là thành viên của tổ chức/ doanh nghiệp/ cộng đồng nào (không bắt buộc)
- Trình độ học vấn
- Bằng cấp, chứng chỉ, kỹ năng
Đây có thể xem là mô hình tổ chức CV phổ biến nhất, bởi phần nội dung quan trọng nhất là Kinh nghiệm được đặt ngay đầu CV, tiện cho việc quan sát, xem xét và đối chiếu. Bố cục này cũng thuận theo trình tự khai thác thông tin của phần đông doanh nghiệp và chuyên viên tuyển dụng.
Tuy nhiên, vấn đề gặp phải với những bạn sinh viên mới ra trường đó là kinh nghiệm còn ít ỏi, trong khi đối với các nhân viên kỳ cựu, nội dung trình bày kinh nghiệm có thể quá dài.
Hãy tiếp tục tham khảo các format dưới đây.
2. Cấu trúc CV cho sinh viên mới ra trường
Với sinh viên tốt nghiệp, thế mạnh lớn nhất nằm ở trình độ học vấn và các kinh nghiệm hoạt động ngoại khóa, các cơ hội rèn luyện kỹ năng thay vì đào sâu chuyên môn. Format phù hợp sẽ như sau:
- Trình độ học vấn
- Kinh nghiệm (part-time, thời vụ cho doanh nghiệp/ tổ chức phi lợi nhuận)
- Kỹ năng (chú ý tới kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm)
- Các phần thưởng, danh hiệu (không bắt buộc)
Nếu từng apply cho các vị trí tuyển dụng của các công ty nước ngoài, có thể bạn sẽ thấy nhiều vị trí dù xếp vào hạng "Entry level" song vẫn đòi kinh nghiệm tới… vài năm. Đó là bởi cách tính kinh nghiệm của “tây”khác “ta”. Trong khi phần đông sinh viên Việt Nam chỉ chú tâm học hành (và vui chơi) suốt 4 năm Đại học, sinh viên nước ngoài coi khoảng thời gian này là cơ hội quý báu để có thể tập áp dụng những kiến thức được học vào trong thực tế, thực hiện những bài nghiên cứu độc lập, tham gia các tổ chức xã hội phi lợi nhuận, hoặc đi làm thêm để tự kiếm tiền chi trả học phí - phí sinh hoạt, đồng thời trau dồi những kỹ năng xã hội và xây dựng mạng lưới quan hệ cần thiết.
Đặc biệt, các hoạt động cộng đồng, xã hội nơi sinh viên nuôi dưỡng và phát triển năng lực lãnh đạo chính là cánh cửa mở ra cơ hội làm việc và thăng tiến nhanh chóng tại các môi trường lớn, chuyên nghiệp và đãi ngộ cao.
3. Cấu trúc CV cho người đang có ý định chuyển việc
Chuyển việc, hoặc ở tầm cao hơn, là thay đổi hướng đi sự nghiệp, không có gì bất thường hay khó hiểu. Đặc biệt trong một xã hội còn nhiều bất cập về định hướng ngành nghề cũng như hiệu quả giáo dục chưa cao thì việc con người loay hoay giữa những lựa chọn “nghề” và “nghiệp” có thể xảy ra vào bất kỳ lứa tuổi nào, giai đoạn nào và cần sự thấu hiểu cũng như hỗ trợ của cộng đồng, xã hội.
Khi gửi hồ sơ xin việc tới một tổ chức mới, nhất là với một ví trí có vẻ “không liên quan” tới công việc mà bạn đang đảm nhận, hãy cân nhắc cấu trúc CV dưới đây:
- Mục tiêu, định hướng của bản thân
- Kinh nghiệm liên quan
- Kinh nghiệm khác
- Là thành viên của Tổ chức/ Doanh nghiệp/ Cộng đồng nào (không bắt buộc)
- Trình độ học vấn
- Bằng cấp, chứng chỉ, kỹ năng
Rõ ràng trong tình huống này, thể hiện rõ nguyện vọng chính đáng của bản thân và nguyên nhân đưa đến các quyết định thay đổi (Mục tiêu, định hướng) là điều rất cần thiết, bên cạnh những “lý lẽ” thuyết phục thông thường (thể hiện qua phần Kinh nghiệm liên quan).
Một gợi ý nhỏ khác là thay vì đặt một mục “Kinh nghiệm liên quan”, hãy thay bằng tên kinh nghiệm cụ thể và phù hợp nhất với mục tiêu ứng tuyển của bạn, ví dụ: “Kinh nghiệm dịch thuật”, “Kinh nghiệm Tổ chức sự kiện”, “Kinh nghiệm thiết kế đồ họa”, sau đó diễn giải mục này với các đầu việc hoặc dự án chi tiết.
4. Cấu trúc CV cho bậc chuyên viên cao cấp
Khi làm việc đến “tầm cao” thì ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề mới là yếu tố quyết định hiệu quả và thành công của một hồ sơ xin việc. Thậm chí, với các chuyên viên dạn dày kinh nghiệm, hồ sơ ứng tuyển của họ không còn là những CV chi tiết dài dằng dặc, mà chỉ cần là những Resumé vắn tắt, giản lược cùng các gạch đầu dòng. Format phù hợp có thể tuân theo quy tắc sau:
- Mục đích, nguyện vọng ứng tuyển
- Kinh nghiệm (ngắn gọn)
- Là thành viên của Tổ chức/ Doanh nghiệp/ Hiệp hội/ Cộng đồng nào
- Bằng cấp, chứng chỉ, kỹ năng
- Trình độ học vấn
- Các dự án/ công trình nghiên cứu/ bài báo đã đăng (không bắt buộc)
Bố cục thông tin trong Resumé của dân “chuyên nghiệp” gần nhất với format CV chung và tuân thủ nguyên tắc “tinh gọn, đơn giản”. Ngoài nội dung thông tin ứng tuyển gói gọn trong 1-1,5 trang giấy, ứng viên có thể "đánh bóng" bản thân bằng việc gửi thêm các nội dung chi tiết liên quan đến dự án/ chương trình/ sự kiện mình từng tham gia tổ chức v.v.
Trên đây là một số nguyên tắc chung dành cho những ai đang bước dầu soạn CV cá nhân, hoặc cần một sự thay đổi để cải thiện mức độ phản hồi từ phía nhà tuyển dụng.
Hiện nay, các CV sáng tạo, CV thể hiện bằng powerpoint hoặc các phương tiện media/ trình chiếu linh hoạt cũng là những lựa chọn hết sức hiệu quả để thể hiện trọn vẹn bản sắc cá nhân, năng lực và mức độ nhiệt thành của người ứng tuyển.