Khi tre đã vươn đủ cao…
Có thể nói, Olympic là đỉnh cao danh vọng và sự nghiệp đối với tất cả các vận động viên trên toàn thế giới. Một lần được chinh phục đỉnh Olympic cao vời vợi, dù ra về tay trắng hay lấp lánh huy chương, cũng đều là giấc mơ trọn vẹn đối với bất kì vận động viên nào.
Và một khi đã đứng trên đỉnh cao Olympic nhiều hơn một lần, có những “vị thần” tuyên bố giải nghệ để trở về sống một cuộc sống như một người bình thường, dành thời gian cho gia đình và các sở thích khác sau biết bao năm miệt mài khổ luyện.
Michael Phelps
Huyền thoại Michael Phelps trên đường đua xanh. (Ảnh: Internet)
Huyền thoại người Mỹ đã khiến cả thế giới luyến tiếc trước quyết định giải nghệ khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp với 27 huy chương Olympic trong suốt 24 năm thi đấu.
24 năm thi đấu - 27 huy chương. (Ảnh: Internet)
Michael Phelps từng tuyên bố giải nghệ sau Olympic 2012, nhưng sau đó trở lại vào năm 2014. Bốn năm trước, các đồng đội ở tuyển Mỹ thách anh thi đấu tại Rio 2016. Phelps đã làm điều đó, nhưng quả quyết sẽ không có lần thứ hai. Tại Olympic 2016, Phelps đoạt thêm năm huy chương, trong đó có bốn HC vàng, ở các nội dung 4x100 tự do tiếp sức, 4x200m tự do tiếp sức, 100m bướm và 200m hỗn hợp cá nhân. Tổng số huy chương Olympic mà anh sở hữu lúc này là 27 chiếc, trong đó có 22 vàng, 3 bạc và 2 đồng.
Nhưng đây là lúc anh dừng lại và dành thời gian cho gia đình nhỏ. (Ảnh: Internet)
Usain Bolt
Sau Michael Phelps, một huyền thoại của làng thể thao thế giới tuyên bố giải nghệ - “tia chớp đen” Usain Bolt.
"Tia chớp đen" Usain Bolt. (Ảnh: Internet)
Tính đến Olympic Rio 2016, Usain Bolt đã mang về cho bộ sưu tập huy chương của mình chiếc huy chương thứ 7 – nhiều hơn bất kì vận động viên chạy nước rút nào khác trong lịch sử thể thao thế giới. Usain Bolt đã hoàn tất sự nghiệp điền kinh của mình trong chiến thắng, giúp Jamaica đoạt HCV ở nội dung 4x100m tiếp sức nam và qua đó có 3 HCV cho mình ở kì Thế vận hội 2016. Anh trở thành VĐV duy nhất trong lịch sử đoạt HCV ở nội dung 100m, 200m và 4x100m tiếp sức ở 3 kì Olympic liên tiếp, hoàn tất một cú “triple-triple” (ăn ba 3 lần) chưa từng có trong lịch sử.
Người đàn ông nhanh nhất hành tinh quyết định dừng cuộc chơi ở huy chương thứ 7. (Ảnh: Internet)
Trước đó, anh từng chia sẻ: "Nhiều người nói rằng tôi có thể trở thành một tượng đài bất tử trong làng thể thao thế giới. Với tôi, nếu giành thêm 2 HCV ở đấu trường này, tôi mới có thể kết thúc sự nghiệp với tư cách là một huyền thoại". Tuy kết thúc duyên nợ với đường đua nhưng dường như đã có một cánh cửa, một thử thách mới đang chờ đợi “tia chớp đen” phía trước khi Thủ tướng Jamaica là ông Andrew Holness mới đây cho biết ông sẵn sàng để dành một vị trí trong nội các của mình để mời huyền thoại điền kinh người Jamaica: “Tôi đã dành sẵn một ghế trong nội các của mình để Usain lựa chọn. Anh ấy có thể làm bộ trưởng của bất cứ bộ nào mình muốn”.
Lâm Đan (Lin Dan)
Để lại nhiều nuối tiếc cho người hâm mộ sau khi thua tay vợt người Malaysia, tay vợt số 1 Trung Quốc – Lâm Đan đã không may mắn mang về huy chương vàng trong lần thi đấu có thể là cuối cùng của mình tại đấu trường Olympic.
Tay vợt số 1 Trung Quốc - Lâm Đan. (Ảnh: Internet)
Lâm Đan – tay vợt từng 5 lần vô địch thế giới, từng mang về cho Trung Quốc hai huy chương vàng tại Olympic 2008 và 2012 nhờ đánh bại “đối thủ truyền kiếp” Lý Tông Vỹ (Lee Chong Wei) tại trận chung kết. Nhưng đến Olympic 2016, may mắn đã không mỉm cười với tay vợt người Trung Quốc.
Olympic 2016 không phải là đấu trường may mắn của anh khi thất bại trước tay vợt Malaysia. (Ảnh: Internet)
Rio là kì Olympic thứ 4 trong sự nghiệp thi đấu của Lâm Đan và anh được cho là giải nghệ vào Olympic Tokyo 2020 bởi lúc ấy, anh đã 36 tuổi. Nhưng “Super Dan” – biệt danh của Lâm Đan, khẳng định rằng anh vẫn chưa nghĩ nhiều đến quyết định giải nghệ. Anh chỉ cho biết rằng hiện nay anh cần nghỉ ngơi để lấy lại sức sau Olympic trước khi đưa ra bất kì quyết định nào. “Tôi không nghĩ về chuyện đó nhiều lắm. Tôi chỉ tập trung toàn lực tại Olympic kì này và sau đó, tôi sẽ nghỉ ngơi rồi mới đưa ra quyết định” – tay vợt họ Lâm chia sẻ.
Đến nay, Lâm Đan vẫn chưa đưa ra quyết định giải nghệ hay không. (Ảnh: Internet)
Manu Ginobili
Manu Ginobili giành huy chương vàng cùng đội tuyển bóng rổ Argentina tại Athens 2004. (Ảnh: Internet)
Manu Ginobili giành huy chương vàng cùng đội tuyển bóng rổ Argentina tại Athens 2004. Đây cũng là lần duy nhất mà đoàn bóng rổ Mỹ cay đắng nhìn huy chương vàng vuột khỏi tay họ trong kỉ nguyên NBA. Manu Ginobili chính là người trưởng thành và tỏa sáng ở NBA với 4 chức vô địch.
Manu thi đấu hết mình tại Olympic Rio. (Ảnh: Internet)
Tại thủ đô Buenos Aires, Argentia, Manu Ginobili đã được dựng tượng để tôn vinh những cống hiến của anh, bên cạnh bức tượng Messi mới được dựng sau Copa America 2016.
Manu Ginobili tại Olympic Athens 2004. (Ảnh: Internet)
Serena Williams
Trước khi Olypmic 2016 diễn ra, tay vợt số 1 làng banh nỉ đã úp mở về dự định giải nghệ theo chân người chị Venus của mình sau khi vừa chinh phục ngôi vị quán quân tại Wimbledon.
Serena Williams - tay vợt số 1 làng banh nỉ thế giới. (Ảnh: Internet)
Có lẽ như Serena không đạt được những thành tựu để đời ở kì Olympic cuối cùng trong sự nghiệp khi bị tay vợt người Ukraine – Elina Svitolina đánh bại ở vòng ba nội dung đơn nữ. Thất bại này khiến tay vợt 34 tuổi lần đầu tiên trắng tay rời Olympic sau bốn lần tham dự ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.
Serena vào giây phút thất bại tại Olympic Rio. (Ảnh: Internet)
Ở tuổi 34, nữ tay vợt số 1 thế giới đã chia sẻ: “Thật khó để tiếp tục nếu như Venus bước ra khỏi thế giới quần vợt. Chị ấy là chỗ dựa vững chắc của tôi trong mỗi hành trình. Và sẽ rất lạ lẫm đối với tôi khi mà tham dự một giải Grand Slam nào đó mà vắng bóng chị ấy”.
… Và những mầm măng triển vọng bắt đầu vươn mình
Tre già măng mọc – câu thành ngữ đơn giản nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa, chí ít là trước sự chia tay đầy luyến tiếc của các huyền thoại và sự tỏa sáng của các hạt giống mới. Ở kì Olympic 2016 này, có nhiều cái tên, tuy chỉ xuất hiện lần đầu ở Olympic và tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đã khiến cả thế giới không khỏi kinh ngạc.
Joseph Schooling
Không thể không nhắc đến một trong những hiện tượng của Olympic Rio 2016 – Joseph Schooling – người hùng mới của đảo quốc Singapore khi xuất sắc đánh bại huyền thoại Michael Phelps ở trận chung kết bơi bướm 100m nam.
Joseph Schooling - cái tên được cả thế giới nhắc đến ở kì Olympic 2016. (Ảnh: Internet)
Với chiến thắng này, Joseph Schooling đã lập kỉ lục Olympic với thời gian 50 giây 39, vượt qua chính kỉ lục 50 giây 58 của Michael Phelps. Trong khi đó, Michael Phelps - thần tượng lớn của cậu bé Joseph Schooling năm nào, lại về đích thứ hai với 51 giây 14 cùng hai tay bơi khác là Chad le Clos (Nam Phi) và Laszlo Cseh (Hungary).
Câu chuyện của Joseph Schooling là một bài học lớn về đam mê, ước mơ và sự kiên trì. (Ảnh: Internet)
Câu chuyện và hình ảnh của Joseph đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới rằng nếu đủ đam mê, đủ kiên trì với ước mơ, một ngày nào đó, bạn có thể đánh bại ngay cả thần tượng của mình – tượng đài vững chắc tưởng chừng bất khả chiến bại.
Katie Ledecky
Kình ngư 18 tuổi người Mỹ - Katie Ledecky – người đã từng khiến hồ bơi tại giải vô địch thế giới diễn ra ở Kazan (Nga) phải dậy sóng, nay lại tiếp tục làm đường đua xanh tại Olympic Rio một lần nữa xôn xao khi thi đấu vô cùng ấn tượng.
Kình ngư 18 tuổi của Mỹ khiến đường đua xanh dậy sóng. (Ảnh: Internet)
Nếu ở đường đua xanh của nam không một ai có thể qua được Michael Phelps thì ở đường đua xanh của nữ, Katie Ledecky chính là nữ hoàng mà mọi đối thủ đều phải dè chừng. Thật vậy, trong chặng đua chung kết, Katie Ledecky tạo ra cách biệt rất lớn so với các vận động viên còn lại khi về trước người giành huy chương bạc tận… 12 giây – một con số không tưởng!
Được biết, Michael Phelps cũng là thần tượng lớn của cô gái này. (Ảnh: Internet)
Nhìn lại chặng đường đã qua của Ledecky từ Olympic London 2012 khi cô mới 15 tuổi và từ chiếc huy chương vàng đầu tiên ở nội dung 800m tự do, rồi 400m tự do, đến nay cô đã có thêm 3 huy chương vàng khác tại Rio (200m, 800m và 4x200m tự do sau khi giành huy chương bạc 4x100m tự do).
Katie Ledecky tạo ra cách biệt rất lớn so với các vận động viên còn lại khi về trước người giành huy chương bạc tận… 12 giây. (Ảnh: Internet)
Simone Manuel
Cô gái 20 tuổi Simone Manuel làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên giành huy chương vàng trên đường bơi cá nhân ở một kì Olympic. Càng đặc biệt hơn khi cùng với Manuel, vận động viên Canada - Penny Oleksiak cũng về đích với thành tích 52,70 giây để cùng thiết lập kỉ lục Olympic trên đường bơi 100m tự do. Ban tổ chức olympic rio 2016 phải trao cho Simone Manuel và Penny Oleksiak mỗi người 1 tấm HCV.
Simone Manuel là người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên giành huy chương vàng trên đường bơi cá nhân tại Olympic. (Ảnh: Internet)
Đó chưa phải là tất cả về Simone Manuel trong mùa Olympic 2016 này khi cô gái trẻ còn xuất sắc mang về 4 huy chương, trong đó có 2 huy chương vàng và 2 huy chương bạc về cho bơi lội nước Mỹ.
Cô còn mang về 4 huy chương cho nước Mỹ. (Ảnh: Internet)
Simone Biles
Chỉ mới 19 tuổi và cao 1,47m nhưng Simone Biles đã làm cho cả thế giới phải ngước nhìn mình với thành tích “khủng” tại Olympic 2016: 4 huy chương vàng và 1 huy chương đồng!
Simone Biles - tài không đợi tuổi. (Ảnh: Internet)
Simone Biles là nữ vận động viên thể dục dụng cụ Mỹ thứ 5 giành 5 huy chương trong một kì Olympic, trước đó là Mary Lou Retton (1984), Shannon Miller (1992) và Nastia Liukin (2008). Trong nội dung thi cuối cùng để giành huy chương vàng thứ tư, Simone Biles đã có một phần thi thăng hoa, hoàn hảo nhất từ trước đến giờ, cô cũng đạt số điểm cao nhất, phá kỉ lục của chính mình. Số điểm này bỏ xa tất cả các đối thủ của cô.
Cô gái nhỏ bé đã khiến cả thế giới phải ngước nhìn. (Ảnh: Internet)