Twitter đã chốt lại kỳ hoạt động quý II năm 2015 với nhiều bộn bề. Mặc dù đạt được hơn 500 triệu USD doanh thu (vượt mức dự đoán của các nhà phân tích và cũng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái), song tính ra Twitter vẫn lỗ gần 140 triệu đô quý này (khi áp chuẩn kế toán GAAP). Đặc biệt, cách mà Twitter chia sẻ về triển vọng doanh nghiệp trong tương lai cũng khiến các nhà đầu tư… phát hoảng: “Chúng tôi không thấy triển vọng tăng trưởng bền vững đối với lượng người dùng hoạt động hàng tháng, cho đến khi thực sự tiếp cận thị trường rộng lớn. Chúng tôi cho rằng quá trình này sẽ mất khá nhiều thời gian.”(!)
Sau khi cổ phiếu Twitter liên tục giảm sâu, hiện giữ ở mức 29,25 đôla Mỹ, giới đầu tư đã bắt đầu bàn tán về một kịch bản thâu tóm mới trong làng công nghệ. Nhiều người vẫn tin rằng Twitter về tay Google là hợp lý nhất, mặc dù các ông lớn khác như Apple, Facebook, Amazon không phải không nhăm nhe.
Vậy, điều gì sẽ khiến Google muốn mua, hoặc không muốn mua Twitter. Cùng phân tích một vài điểm dưới đây:
Google sẽ lắc đầu, vì Twitter “giá chát”?
Giá cổ phiếu đang sụt giảm kỷ lục, vượt cả mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm ngoái là 30,5 USD. Kể từ lần đầu chào bán ra công chúng với mức giá 26 USD cách đây 2 năm, giá trị cổ phiếu của mạng xã hội tăng lên nhanh chóng, trải qua biến động cũng chưa từng tụt xuống dưới con số 30. Với mức giao dịch khoảng 29 USD hiện nay, giá trị vốn hóa thị trường của Twitter cũng khoảng 20 tỷ đôla Mỹ. Nếu bị thâu tóm, mức giá chào bán của Twitter cũng không thể dưới 30 tỷ đô.
Ba mươi tỷ đô thì vẫn chưa thể là một mục tiêu thâu tóm tiềm năng. Nên biết là việc Facebook chi tới gần 20 tỷ để mua lại ứng dụng nhắn tin WhatsApp đã bị coi là “điên rồ”, bỏ xa các thương vụ tỷ đô khác (tỷ đô, chứ không phải chục tỷ đô). Đây cũng là một trong những vụ mua lại tốn kém nhất từng ghi nhận trong làng công nghệ, chẳng lẽ Google lại muốn… vượt.
Nhưng các nhà phân tích bảo “nên”, không phải chỉ lần này
Thế nhưng, đây không phải là lần đầu tiên Google được đưa vào tầm ngắm. Chỉ cách hai, ba tháng, rộ lên những phân tích cho thấy Google nên mua đứt Twitter. Một chuyên gia công nghệ khẳng định: “Google nên mua lại Twitter, bởi nó sẽ đem lại một trải nghiệm tìm kiếm với thời gian thực cho hệ thống. Lịch sử và dòng thời gian ghi nhận trên mạng xã hội sẽ là một tài nguyên quý giá...” Thêm vào đó, dù có những hạn chế về tính năng song mạng xã hội này cũng có những lợi thế nhất định trong việc cập nhật thông tin nhanh chóng, tiện lợi trên nhiều lĩnh vực thời sự nóng hổi. Điều này chắc chắn sẽ gia tăng hiệu quả cho các hoạt động tìm kiếm trên Google, một khi hai công ty quy về một mối.
Ngoài ra, giá trị vốn hóa của Google hiện ngấp nghé 440 tỷ đô, gấp rưỡi mức của Facebook. Kể cả Twitter không "giảm giá” thì Google cũng chẳng lý gì phải tiếc “con lợn con”.
Google sẽ không mua, vì đã đủ mệt với Google+
Nếu có một lý do rõ ràng khiến Google e dè không muốn tiến tới với Twitter, thì chắc chắn là bởi quá khứ bi thương với Google+. Từng được ông trùm công nghệ kỳ vọng sẽ “thay đổi hoàn toàn cách thức con người giao tiếp với nhau”, song mạng xã hội này lại trở thành một thất bại tràn trề.
Bị coi là một phiên bản hao hao Facebook song phức tạp và kém tiện dụng hơn, những chính sách “cưỡng chế” sử dụng càng khiến Google+ mất điểm trong mắt người dùng. Hiện Google+ ghi nhận hơn 2 tỷ tài khoản thiết lập, song số người dùng thực sự sử dụng mạng xã hội này chỉ vào khoảng 4-6 triệu mà thôi. Không những thế, Google+ còn bị mang tiếng là công cụ được Google dùng để khai thác thông tin người dùng một cách trắng trợn phục vụ quảng cáo. Gần đây, Google đành phải tuyên bố: người dùng không cần tài khoản Google+ để comment hay chia sẻ video trên YouTube. Rõ ràng, hãng đang tìm cách “thanh lý” sản phẩm kém hiệu quả của mình.
Không thê thảm như Google+ nhưng Twitter cũng đang gặp khó. Các vị lãnh đạo “hồn nhiên” thừa nhận: “Chúng tôi cũng chưa tìm được cách thuyết phục người dùng sử dụng Twitter nhiều hơn hay là làm thế nào để việc sử dụng Twitter được dễ dàng hơn.” Thật thà như vậy thì cũng đáng ái ngại!
Nhưng Google cũng cần cạnh tranh với Facebook
Như đã nói ở trên, thiết kế mạng xã hội Twitter vẫn tạo ra cho hãng một lợi thế nhất định, dù tăng trưởng người dùng giảm sút. Với quy ước các nội dung tweet ngắn gọn dưới 140 ký tự, mạng chim xanh đã vô tình trở thành sàn thông tin thời sự cập nhật, và được ưa dùng bởi cả các chính trị gia, những nhân vật đình đám. Dù có thế nào thì Twitter vẫn có chỗ đứng nhất định, với thị trường trung thành của riêng mình. Các nhà phát triển của Twitter cần sự kiên trì, cần biết cách lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, và có lẽ, là cần một chỗ dựa vững chắc để đương đầu với khó khăn sắp tới.
Trong khi đó, Google cũng đang bước vào cuộc chiến gian nan với Facebook, “ông vua mới” của làng công nghệ. Để củng cố thành quả của mình cũng như đối phó với sự tấn công trực diện của mạng xã hội lớn nhất thế giới, nhiều khả năng Google cũng phải dấn thân vào địa hạt này. Mà như vậy, cách tốt nhất là thâu tóm một đối thủ của Facebook, với kinh nghiệm và tầm ảnh hưởng nhất định. Twitter sẽ là một lựa chọn không tồi.
Đã có quan hệ hợp tác, liệu có nên mua
Một vấn đề khác khiến Google ngại thâu tóm Twitter (nếu kịch bản này xảy ra), đó là bởi hai bên đã thiết lập quan hệ đối tác – đôi bên cùng có lợi. Theo đó, Google đồng ý cho ra kết quả tìm kiếm bao gồm các nội dung tweet, còn khách hàng sử dụng Doubleclick có thể mua ads trực tiếp trên trang Twitter.
Một số cho rằng, nếu tính các chi phí và rủi ro đi kèm với một thương vụ M&A, thì trong bối cảnh thị trường nhiều biến động như hiện nay, chiến lược đối tác làm ăn sẽ là quyết định thông minh hơn cả. Google cũng đang có một giai đoạn không ổn định, giá trị cổ phiếu vẫn suy giảm sau báo cáo hoạt động quý II. Như vậy, hãng này nên tìm cách hợp tác thay vì nắm trọn.
Những cũng chính bởi đã hợp tác, nên thâu tóm càng tiện đủ đường
Nếu từ giờ đến cuối năm mà cổ phiếu của Twitter tiếp tục tuột dốc không phanh, trong khi bộ máy lãnh đạo cấp cao vẫn không ổn định và không có cách nào để cứu vãn tình hình thì chuyện hãng chấp nhận “bán mình” là điều dễ xảy ra. Trong trường hợp đó, Twitter sẽ ưng nhất nếu về tay ai? Chắc chắn là Google.
Bởi thay vì chịu sự phục tùng của một đối thủ khó chịu (như Facebook) thì chấp nhận đứng dưới hàng ngũ của một “người bạn lớn” (như Google) hẳn vẫn hơn. Twitter sẽ giúp Google thực hiện một bước tiến mang tính cách mạng vào địa hạt truyền thông xã hội, trong khi Google đem lại cho Twitter nguồn lực tài chính và công nghệ để tái thiết nền tảng của mình. Chưa kể vì đã có quan hệ đối tác nên việc thương lượng và ngã giá giữa hai bên cũng có khả năng nhẹ nhàng, êm xuôi và nhanh chóng hơn. Thương vụ Google – Twitter quả là đáng kỳ vọng.