Cụ thể, sau báo cáo tài chính kém cỏi cùng các triển vọng mờ nhạt trong tương lai, cổ phiếu của mạng xã hội tụt đến 15% giá trị, chốt ở mức chỉ bằng một nửa giá trị ghi nhận trong tháng 10 năm ngoái.
Rõ ràng Twitter đang bước vào một cơn khủng hoảng mới. Triển vọng tăng trưởng người dùng không có và cổ phiếu mất điểm mỗi ngày. Phải chăng chim xanh đang chấp chới giữa viễn cảnh tăm tối của một vụ mua lại không mong đợi.
Giá giảm đến bao nhiêu là “báo động đỏ”?
Thứ sáu tuần trước, giá cổ phiếu Twitter chốt ở mức 31,01 USD, nhưng đến hôm nay đã tiếp tục sụt giá xuống còn 29,25 USD. Nên biết là tháng 11/2013, mạng xã hội IPO với mức giá 26 USD/ cổ phiếu, nhưng con số này nhanh chóng chốt phiên giao dịch hôm đó với giá 45 USD. Mặc dù sau gần 2 năm niêm yết với giá thị trường lên xuống trập trùng song chưa bao giờ cổ phiếu Twitter rơi xuống dưới ngưỡng 30 USD.
Bởi vậy, với các nhà phân tích, con số 30 trở thành một giá trị mang tính nền tảng với mạng xã hội chim xanh trong thời điểm hiện tại. Trong khi một số tin rằng “rơi xuống dưới 30 là chết”, số khác vẫn tin cổ phiếu phải giảm sâu hơn nữa thì một thương vụ thâu tóm Twitter mới “đáng”.
Cụ thể, với 30 USD/cổ phiếu, giá trị vốn hóa thị trường của Twitter sẽ rơi vào quãng 20 tỷ đô, cộng thêm các khoản phí chuyển nhượng thì “chi phí” mua lại mạng xã hội này có thể lên tới 30 tỷ đô. Vẫn là một cái giá khá chát cho bất cứ “kẻ đi săn” nào, kể cả Google.
Theo một nhà đầu tư, triển vọng mua bán sẽ xảy ra nếu vốn hóa thị trường của Twitter giảm 20%, xuống khoảng 15 tỷ đô tương đương với 24 USD/cổ phiếu. Tức là một khi Twitter ngang giá với Snapchat, một startup mới đang lên, thì “hiểm họa” bị mua lại mới trở nên thật sự rõ nét.
Nếu Twitter phải “bán mình”, ai sẽ là kẻ mua?
Hiện những quan ngại về việc Twitter phải bán mình vẫn đang dừng ở mức …dư luận, song một số viễn cảnh khá khả thi cũng đã được thảo ra. Câu hỏi thú vị đặt ra, là ai sẽ có tiềm năng tiếp nhận mạng xã hội này.
Ứng viên đầu tiên và sáng giá nhất là Google. Hồi đầu năm nay, cũng đã có những đồn đoán về việc trang tìm kiếm lớn nhất thế giới định “giăng bẫy” chim xanh, nhưng cuối cùng thì đó chỉ là những lời đồn, và quan hệ của Google với Twitter hiện dừng ở mức đối tác.
Apple, Microsoft hay Facebook cũng có thể là những kẻ thâu tóm quyền năng, đặc biệt là Facebook, mạng xã hội lớn nhất toàn cầu – ngày càng quyền lực – và luôn coi Twitter như cái gai trong mắt. Nên nhớ là Facebook cũng đã từng muốn mua lại Snapchat với giá 3 tỷ đô nhưng không được. Hẳn với Facebook, Twitter là một con mồi “đáng giá”?
Cũng chưa chắc bởi thế đứng của Twitter và Snapchat hiện đang rất khác nhau. Twitter, với phong độ bất ổn và mức giá thâu tóm dự kiến lên tới vài chục tỷ đô, hoàn toàn không phải một món hàng hợp lý tính theo quan điểm của thị trường M&A. Trong khi đó, Snapchat lại đang mở rộng vùng phủ sóng một cách nhanh chóng, bởi nó phù hợp với nhiều đối tượng người dùng và có sự khác biệt độc đáo.
Kết.
Nói gì thì nói, Twitter hiện vẫn là một mục tiêu di động, tức là khả năng công ty này bị thâu tóm, và bị thâu tóm với mức giá bao nhiêu, vẫn là điều gây tranh cãi. Nhiều nhà phân tích cũng lên tiếng cho rằng, đừng vội tin bất cứ con số nào, cũng đừng vội cho rằng Twitter sẽ thất thủ trong nay mai. Công nghệ luôn biến động, và thị trường người dùng cũng hết sức nhạy cảm. Với tư cách một mạng xã hội, biết đâu đấy Twitter sẽ sớm bắt lại nhịp cũ và phục hồi uy tín trong tương lai. Hãy cho chim xanh một cơ hội để cất cánh!