Chuyện Siri của Apple tụt hậu về mặt tính năng hay khả năng nhận biết giọng nói so với Google Assitant hay Alexa đã không còn là bí mật. Sau rất nhiều cải tiến và nâng cấp kể từ khi Apple mua lại Siri, trợ lý ảo này vẫn còn rất nhiều nhược điểm bị bóc trần khi Apple tung ra HomePod, sản phẩm đầu tiên được thiết kế để người dùng có thể điều khiển hoàn toàn bằng giọng nói thông qua Siri.
Apple đã làm gì để Siri tệ hại đến vậy, dù được tung ra nhiều năm trước khi đối thủ đầu tiên xuất hiện? Một số thông tin mới được tiết lộ cho thấy những sai lầm đã đẩy Siri từ một sản phẩm tiềm năng thành một gánh nặng của Apple như ngày nay.
Sau khi mua lại Siri vào năm 2010 với giá 200 triệu USD, Apple nhanh chóng tích hợp Siri vào iPhone 4S. Họ hứa sẽ đưa những tính năng điều khiển bằng giọng nói đến với đông đảo người dùng, hệt như khi họ tung ra điều khiển cảm ứng đa điểm trên chiếc iPhone đầu tiên.
Nhưng cho đến nay, ngay cả sau khi Apple đã tung SiriKit đến với các nhà phát triển bên ngoài vào nằm 2016, Siri vẫn chưa thể đa năng như Google Assistant hay Alexa. Lý do của điều này là các nhóm của Siri liên tục tranh cãi về tính năng của cô nàng: một cỗ máy tìm kiếm nhanh chóng và chính xác, hay một trợ lý ảo có khả năng thực hiện các tác vụ phức tạp.
Theo tờ The Information, Siri bắt đầu xuống dốc vào năm 2011 ngay sau cái chết của Steve Jobs. Đội ngũ phát triển Siri lúc đó được dẫn đầu bởi Scott Forstall, nhưng ông Forstall bổ nhiệm Richard Williamson, người đang quản lý dự án Apple Maps lãnh đạo nhóm phát triển Siri.
Richard Williamson.Thay vì liên tục cập nhật Siri, Richard Williamson chỉ muốn cập nhật Siri hàng năm cùng lúc với việc tung ra một phiên bản iOS mới. Rõ ràng đây không phải là cách làm đúng bởi nếu nhìn vào Google hay Amazon, bạn sẽ thấy các trợ lý ảo của họ liên tục được cập nhật nền để bắt kịp nhu cầu của người dùng.
Trong khi đó, Williamson chối bay trách nhiệm của mình, và đổ lỗi cho nhóm phát triển Siri ban đầu – những người đã không còn liên quan kể từ năm 2010 khi Apple mua lại Siri. “Phần mềm này (Siri) toàn bug nghiêm trọng. Vấn đề nằm ở đội ngũ phát triển ban đầu, không phải tôi.”
Sau khi iOS 6 ra mắt với phiên bản Apple Maps có nhiều lỗi ngớ ngẩn khi chỉ đường, Forstall và Williamson đã bị Apple sa thải vào năm 2012. CEO Tim Cook nói rằng Forstall bị sa thải vì "không có tinh thần hợp tác", còn Williamson là do "làm hỏng Apple Maps"
Một vài vấn đề khác bao gồm việc liên tục bổ sung những tính năng mới vào Siri bằng những kỹ thuật mà Apple mua được. Khi mua Topsy vào năm 2013, Apple đã cố gắng bổ sung thêm tính năng tìm kiếm, rồi sang năm 2015, Apple mua lại VocalIQ và tìm cách cập nhật những tính năng ngôn ngữ mới vào Siri.
Theo những thông tin được tiết lộ, các thành viên của Topsy không muốn làm việc với đội ngũ Siri bởi họ xem đội ngũ mới là chậm chạp và lề mề. Các kỹ sư của Apple cũng mệt mỏi với việc phải không ngừng vá lỗi cho Siri, và muốn làm mọi thứ từ đầu thay vì cứ dựa trên nền tảng hiện có.
Ban đầu, Apple dự định ra mắt HomePod không có Siri.Nhưng điều kỳ lạ nhất là việc Apple thậm chí còn không dự định đưa Siri vào HomePod cho đến khi Amazon tung ra Echo. Hai thành viên của nhóm phát triển Siri tiết lộ rằng họ còn chẳng biết gì về HomePod cho đến năm 2015, sau khi Amazon công bố Echo vào cuối năm 2014.
Ban đầu, Apple chỉ định tung ra HomePod không có Siri, nhưng trước ý tưởng đột phá của đối thủ, Apple quyết định tích hợp Siri vào chiếc loa thông minh và đội ngũ phát triển phải “vắt chân lên cổ” để đáp ứng đòi hỏi mới. Khả năng giữ bí mật "kín như bưng" của Apple đã làm hại họ trong tình huống này.
Hiện tại, Siri đang khá tụt hậu so với Alexa và Google Assistant. Nếu Apple thực sự muốn biến Siri thành một trợ thủ đắc lực cho người dùng, họ sẽ cần phải vuốt lại cấu trúc nội bộ của mình và quyết định phương hướng phát triển cho Siri, để cô nàng trợ lý này thực sự trở thành trợ lý ảo tốt nhất thế giới theo lời tuyên bố của Apple thay vì liên tục bổ sung những tính năng mới và chạy theo đối thủ như hiện tại.
Cobalt khan hiếm, Samsung và Apple phải xuống tận mỏ khai thác để đàm phán mua