Chỉ vài ba ngày nữa là Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu của Apple – WWDC 2015 – sẽ được khai mạc.
Đa phần mọi người đều tin rằng iOS 9, Mac OS X 10.11 và nhiều ứng dụng thông minh khác sẽ được xướng tên tại tòa Moscone West vào thứ hai tuần sau, bởi đó luôn là những chủ lực mang ý nghĩa "sống còn" với Apple. Bên cạnh đó, các sản phẩm hoàn thiện, có doanh thu tốt như MacBook Pro hay iMac cũng được kỳ vọng "chào hàng" với các phiên bản mới, thiết kế mới.
|
Thế nhưng, người ta không còn nhắc nhiều đến triển vọng Smart TV hay chiếc xe hơi Apple xuất hiện trong kỳ sự kiện lần này nữa. Các nguồn tin uy tín khẳng định Apple chưa sẵn sàng ra mắt TV trong năm nay. Còn thông tin về chiếc xe hơi cũng vô cùng im ắng.
Trong khi các khâu chuẩn bị cuối cùng đang được gấp rút và các tin đồn liên tục bủa vây wwdc 2015 , giới chuyên môn và các nhà đầu tư bắt đầu nghĩ xa hơn về tương lai của Apple.
Đột phá vào địa hạt mới, con đường chẳng trải hoa hồng
Trong một vài năm trở lại đây, cuộc chiến trên thị trường Smart TV quy tụ các “ông lớn” Samsung, LG, Sony, Panasonic và gần đây là Sharp hay Toshiba – tất cả đều có gốc gác châu Á (mà cụ thể, là Nhật Bản và Hàn Quốc). Đồ điện tử gia dụng của Nhật, Hàn nổi danh toàn cầu đã rõ, không chỉ trong các hộ gia đình châu Á, mà còn phủ sóng Mỹ và châu Âu. Kinh nghiệm lâu năm (tất cả đều có số năm hoạt động dài bằng cả đời người), quy mô vốn và nhân sự lớn, mạng lưới phủ sóng toàn cầu và khả năng nắm bắt nhanh nhạy cơ hội với thị trường lao động châu Á càng giúp các thương hiệu nói trên củng cố được hiệu suất và chất lượng. Thế nhưng, các hãng này cũng đang đau đầu với bài toán vốn lớn, bao gồm chi phí R&D và marketing khổng lồ trên thị trường Smart TV đang ngày càng cạnh tranh.
Sau "lồi" và "phẳng", LG trình làng chiếc smart TV màn hình OLED "lõm" đầu tiên trên thế giới - Nguồn: Mashable.com. |
Không chỉ là sự cạnh tranh giữa các siêu phẩm cùng loại, doanh số Smart TV cũng bị ảnh hưởng bởi các sản phẩm thay thế ngày càng thông minh và tiện ích như tablets, PC hay laptop. Xu thế hiện đại biến chiếc TV thông minh trở thành món hàng xa xỉ chỉ phù hợp với những người có túi tiền rủng rẻng và dư thời gian để thong thả tận hưởng những tiện ích của đời sống. Chắc chắn, một chiếc TV thông minh đáng đồng tiền bát gạo chưa phải quan tâm trọng yếu của những người dùng trẻ hiện nay.
Trong khi đó, đối tượng người dùng trẻ, với cường độ học tập – làm việc – di chuyển lớn mới chính là thị trường tiềm năng đem về lợi nhuận khủng cho Apple bao năm qua. Chẳng phải vô cớ mà vị CEO quá cố của hãng này đã từng rành rọt nói "Không" ngay trên giường bệnh, khi có người hỏi ông rằng liệu Apple có sản xuất TV (chi tiết trong cuốn sách "Haunted Empire: Apple After Steve Jobs"). Theo Steve, “TV sẽ là sản phẩm thảm bại, với khả năng hoàn vốn kém và tỷ suất lợi nhuận chán òm.”
Smart TV, thú vui của người có tiền bạc và thời gian? - Nguồn: Internet. |
Kể cả với Apple Car cũng thế. Hãy xem Tesla Motors đang bươn bải ra sao với những mẫu ô tô thân thiện với môi trường của mình. Trước vô số đối thủ cạnh tranh và cả những nhà làm luật không chịu thích ứng với xu thế mới, Telon Musk không khỏi đau đầu, nhất là khi doanh số càng cao thì phí tổn cũng càng lớn. Quý trước, Tesla có doanh thu dưới 1 tỷ đô, tức là chỉ bằng mức Apple kiếm được trong hai ngày. Nếu Apple cũng dấn thân vào địa hạt này, thì khả năng cân bằng doanh thu và lợi nhuận liệu có thực sự khả quan?
Một showroom của Tesla tại Mỹ bị "chính quyền" chỉ trích - Nguồn: Internet. |
Nhưng con người thì vẫn cứ tham lam
Những khả năng bất lợi, dẫu vậy, cũng khó có thể làm chùn bước những nhà phát triển công nghệ hàng đầu thế giới, càng không thể đập vỡ giấc mơ của các tín đồ công nghệ về một chiếc Smart TV, hay chiếc xe hơi, mang nhãn hiệu Táo khuyết.
Có lẽ, lợi nhuận đạt 13,6 tỷ USD trong quý trước vẫn là chưa đủ với Tim Cook và các các cộng sự. Trên thực tế, Apple hiện có tốc độ tăng trưởng chóng mặt, và theo giới phân tích, Apple đang băng băng hướng đến cái đích "công ty nghìn tỷ" đầu tiên của nước Mỹ với giá trị vốn hóa thị trường ngấp nghé 750 tỷ USD. Cũng ngay trong ngày đầu tháng 6, WPP và Millward Brown đã lên tiếng khẳng định, Apple hiện là thương hiệu đắt giá nhất thế giới (với giá trị gần 250 tỷ đô, tăng 67% so với năm ngoái).
Với sức mạnh của một công ty công nghệ hàng đầu thế giới, mang khao khát sáng tạo và đổi thay cùng định hướng sản phẩm toàn diện, hẳn Apple sẽ không từ bỏ giấc mơ Apple TV hay Apple Car trong một sớm một chiều. Biết đâu đấy, WWDC 2016 sẽ chứng kiến những siêu phẩm của Apple "lên sóng".
CEO Tim Cook trên con đường đưa Apple chạm mốc "nghìn tỷ" - Nguồn: 9to5Mac. |
Còn với giới chuyên môn và những nhà đầu tư, máy tính hay điện thoại đang trở thành "quá cũ". Thay vì "sáng tạo lại" trên các khuôn mẫu cơ bản đã có, họ muốn nhìn thấy Apple chen chân vào những thị trường hoàn toàn mới, đem tới những đột phá mới và đẩy cao hơn nữa giá trị của Apple trên thị trường (lẽ dĩ nhiên, đây là thứ họ muốn thấy nhất).
Tất cả tùy thuộc vào quyết định của Apple. Từ từ nới rộng "vùng an toàn" hay nhanh chóng mở ra một chân trời mới. Đó mới chính là câu hỏi quan trọng nhất trước kỳ WWDC năm nay, và có lẽ, là các năm sau nữa.
- 08/06/15 08:47 iPhone 6s có thể sẽ ra mắt ngày 25/9
- 05/06/15 20:27 Yahoo đóng cửa Maps, Pipes và nhiều dịch vụ khác
- 05/06/15 20:26 Samsung chính tay làm lộ sản phẩm tiếp theo của hãng
- 05/06/15 20:24 Facebook ra mắt ứng dụng Facebook Lite tinh gọn cho Android