Ngày làm việc của tuần thứ 2 tháng 8 bắt đầu, không chỉ cổ đông của google mà cả thế giới đều dõi theo từng bước đi của gã khổng lồ này khi Larry Page tuyên bố mình và cộng sự Sergey Bin sẽ rời công ty để thành lập alphabet - pháp nhân sẽ quản lý Google và các dự án hiện nay Google đang triển khai.
Thực chất của sự dịch chuyển này là gì?
Tạm bỏ qua những thứ về hình thức, báo cáo mà Google nộp lên SEC và nhìn vào hiện trạng của Google hiện nay để tìm ra nguyên nhân tại sao hãng phải thực hiện bước chuyển đổi này.
Về quyền lực đối với các hoạt động của Google của Larry ở vị trí mới thực chất vẫn không có gì thay đổi. Với quyền lực từ CEO và chủ tịch công ty mẹ, bộ đôi sáng lập Google vẫn có quyền quyết định tối hậu với các quyết định cao nhất cho hoạt động của Google. Có thể họ sẽ giao nhiều quyền hơn cho các EVP hiện tại (sẽ là CEO các công ty con trong tương lai) nhưng quyền can thiệp khi cần thiết cũng chẳng khác gì bây giờ.
Nhưng đó là một sự thay đổi cần thiết
Sự thay đổi này, có ý nghĩa ở góc độ tài chính nhiều hơn. Như đã bàn trước đây, Google vừa công bố một báo cáo tài chính hoàn hảo và khiến họ tăng thêm gần trăm tỷ USD giá trị nhưng tương lai của họ, ít nhất về mặt vị trí thị trường vẫn bị đặt dấu hỏi lớn khi sự tăng này đến từ các biện pháp tài chính và tối ưu hóa sản phẩm hơn là Google trước đây.
Ngoài ra, về góc độ quản lý và văn hóa, sự chia tác cũng có ý nghĩa với người khổng lồ. Rõ ràng, một môi trường các yếu tố tài chính, lợi nhuận rất quan trọng không phải môi trường tốt cho các dự án "điên rồ" mà Google đang thực hiện. Phong cách làm việc, cách thức quản lý giữa các dự án này và phần còn lại của Google quá khác biệt và sẽ là thảm họa nếu cứ cố gắng xây một thứ hoàn hảo.Thậm chí, các nhà đầu tư chính cũng đang tỏ ra rất rõ ràng tham vọng "vắt sữa" Google trong thời gian ngắn khi các câu hỏi lớn nhất lại là: "Có phải Google đang lãng phí tiền cho các dự án viển vông?". Những dự án "viển vông" đó, theo Larry lại là những thứ đang là tương lai của Google. CFO của họ thì cho hay: "Còn lâu Google mới dành đến 10% nguồn lực cho nó". Rõ ràng, có một sự khác biệt lớn về tầm nhìn và mục đích của Google của các ông chủ và các nhà sáng lập. Một điều rõ ràng hơn nữa, nếu Google theo con đường của bộ đôi sáng lập, các thông số về tài chính sẽ yếu đi và với một kẻ khổng lồ trị giá hàng trăm tỷ USD đó sẽ là một thảm họa thực sự.
Tách ra, tức là mỗi dự án sẽ hoạt động với một tư cách pháp nhân riêng, một hệ thống quản lý riêng. Điều này sẽ tạo ra sự linh động hơn cho các dự án, đặc biệt các dự án "điên rồ" mà hai nhà sáng lập đang đặt rất nhiều hi vọng. Nó còn bị trói buộc bởi các giới hạn của Google-cũ, nơi bị can thiệp quá nhiều bởi các nhà đầu tư. Về mặt tài chính, việc chia tách ra đảm bảo những con số của Google luôn đẹp, luôn là khoản đầu tư tốt còn các dự án của tương lai, thất bại của chúng, nếu có sẽ chỉ đơn thuần là thất bại về tiền bạc.
Và câu chuyện tạo khoảng trống
Google có quá nhiều nhân tài, sự thật là vậy. Tuy nhiên, sự tồn tại của 2 đồng sáng lập khiến khả năng ngồi vào vị trí CEO của những nhân tài đó là con số 0. Điều này tạo ra một làn sóng rời Google đi làm CEO nơi khác như trường hợp của Marissa Mayer. Sundar Pichai có thể là một trường hợp như vậy khi mà Twitter đang trải thảm đỏ mời ông về làm CEO. Việc tác ra nhiều công ty nhỏ sẽ tạo cơ hội cho rất nhiều nhân tài đang lãnh đạo những bộ phận nhỏ có cơ hội thăng tiến và cho họ nhiều thử thách hơn để phát triển ở vị trí CEO thay vì chỉ là những trưởng bộ phận "quèn" trong công ty.
Quyết định tái cấu trúc là một quyết định dễ hiểu nhưng đầy dũng cảm của Google nói chung và Larry nói riêng. Việc thay đổi mình nhanh chóng ngay khi nhận ra các nguy cơ đe dọa sự phát triển không phải ai cũng làm được nhất là khi họ đang trên đỉnh cao.