Được hiểu là nhóm công dân sinh ra trong khoảng đầu thập niên 80 cho tới cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, millennial – những đứa con “thế kỷ” – vẫn đang tiếp tục lớn khôn, trưởng thành và đóng góp một phần không nhỏ vào những phát triển mới trong tiến trình lịch sử.
Đặc biệt, họ cùng “lớn lên”, tương tác với những tiến bộ khoa học, công nghệ diễn ra trên toàn cầu và cũng bởi vậy mà vai trò của người trẻ trong độ tuổi này ngày càng bộc lộ rõ nét trong mọi mặt kinh tế - văn hóa – xã hội.
1. Thế hệ “hùng mạnh nhất” trong lịch sử và lại còn mê mẩn… smartphone
Hiện các thống kê ghi nhận số dân thuộc thế hệ millennial hiện đạt 1,8 tỷ người, tức là chiếm hơn 1/4 tổng số dân trên toàn thế giới và chính thức “ghi tên mình” như là nhóm tuổi (hay thế hệ) đông đảo nhất từ trước đến nay.
Số lượng hùng hậu nên không có gì khó hiểu khi họ có sức ảnh hưởng lớn tới những đổi thay và xu thế mới, đặc biệt trong các phương diện kinh tế - tài chính. Xét về mức thu nhập và sức mua thì tính tới 2018, nhiều khả năng các 8x, 9x sẽ qua mặt thế hệ cha chú mình (sinh trong khoảng năm 1946 – 1964).
Đặc biệt, trong tổng số 1,8 tỷ người nói trên thì lượng phân bổ tại khu vực đông nam á lại càng “dày đặc”. Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng đang được nhìn nhận như điểm hội tụ của những đổi thay, phát triển và bùng nổ, nơi những lớp người mới được sinh ra và lớn lên giữa bầu không khí công nghệ hóa, toàn cầu hóa và một nền kinh tế biến động không ngừng.
Các quốc gia như Indonesia hay Việt Nam đang chứng kiến sự ra đời của thế hệ số hóa, coi Internet và smartphones như một nhu yếu phẩm tự nhiên hiện hữu trên đời. Đặc biệt, một khảo sát cho thấy 24% người trẻ khẳng định công nghệ chính là điểm mấu chốt khiến họ khác biệt với các thế hệ đi trước.
2. Cơn cuồng mạng xã hội và sự lên ngôi của giá trị thương hiệu
Giờ đây, hiếm có ai lại hoàn toàn xa lạ với Facebook, Twitter, Tumbler hay Pinterest. Mạng xã hội đã trở thành một điều gì đó quá phổ thông trong “xã hội” của chúng ta.
Các nghiên cứu cho thấy 41% tổng người trong độ tuổi 15-35 trên thế giới có ít nhất một tài khoản mạng xã hội và dùng “danh tính ảo” để cất lên những tiếng nói nêu quan điểm rõ ràng về các thương hiệu và doanh nghiệp.
Theo Wired, hiện có một xu hướng người trẻ “lên mạng” chỉ để đánh giá, và phần nhiều, là chê bai những sản phẩm hay công nghệ khiến họ thất vọng. Đây có thể là một con dao hai lưỡi: vừa giúp doanh nghiệp hiểu hơn về khách hàng của mình, song cũng có thể khiến họ đánh mất doanh thu và uy tín.
Đặc biệt tại Đông Nam Á, khi các hình thức kinh doanh hàng hóa và dịch vụ mới liên tục phát sinh đáp ứng nhu cầu tiện ích ngày càng nâng cao của thế hệ công dân “số”, một làn sóng startup mới với mũi nhọn marketing đặt vào các phương tiện tương tác xã hội trực tuyến cũng đang nở rộ.
Doanh nghiệp cần ý thức rõ việc tạo lập các hình thức định danh trực tuyến phục vụ truyền thông xã hội hóa, tương tác tích cực và thường xuyên với khách hàng để đảm bảo hình ảnh thương hiệu của mình luôn là “đẹp nhất”.
3. Nhu cầu dịch chuyển và làm việc tự do
Chưa bao giờ, con người mở rộng phạm vi di chuyển, khám phá của mình ở cường độ lớn và quy mô rộng như thế. Điều này đặc biệt đúng với người trẻ, khi họ ý thức rõ hơn việc mình đang sống trong một “thế giới phẳng”, rằng họ là một công dân toàn cầu, một phần quan trọng của thế giới. Những sự bó buộc, tư duy ổn định và an bài còn rơi rớt lại rất ít trong họ, nhường chỗ cho chủ nghĩa tự do, linh hoạt, thích ứng lên ngôi.
Đơn cử như Philippines, quốc gia Đông Nam Á chịu nhiều biến động do thiên tai, giờ chứng kiến xu hướng người trẻ “xuất ngoại” hoặc chọn làm việc tại nhà thay vì tới công sở. Ghi nhận từ tháng 1/2010 – 4/2014, tổng thu nhập của nhóm lao động tự do (freelancers) tại nước này ước đạt 207 triệu đôla Mỹ. Xu hướng tương tự cũng có thể thấy tại một số quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Indonesia.
4. Quyền năng tối thượng của “Di động”
Nhắc đến millennial và công nghệ, không thể gạt sang bên yếu tố di động thông minh. Song hành với smartphone, hình thức truy cập internet qua các công cụ di động trở thành loại hình kết nối chính. Một điều tra gần đây của comScore cho thấy 18% số dân trong độ tuổi 18-34 thuần túy tu sử dụng di động trong các hoạt động Internet, tỉ lệ này giảm xuống còn 5% trong độ tuổi 35 – 54.
Dễ dàng suy ra rằng, quyền năng của “di động” càng nhân lên bội phần ở Đông Nam Á, nơi nhiều startup công nghệ thậm chí còn bỏ qua luôn yếu tố website để hướng tới các loại hình tương tác mới trên smartphone hay tablet – một bước “nhảy cóc”, theo cách gọi của nhiều chuyên gia.
5. Và cuối cùng: giấc mơ khởi nghiệp của những cái đầu tham vọng
Tuổi trẻ luôn căng tràn những hy vọng và ước mơ, đặc biệt tuổi trẻ sinh ra và lớn lên trong bối cảnh xã hội biến động và không ngừng cạnh tranh sẽ càng dễ hun đúc những cái đầu lạnh, những trái tim nóng chứa đầy tham vọng.
Theo Khảo sát công dân thế hệ Millennial năm 2015 của Deloitte (2015 Millennial Survey), người trẻ trong độ tuổi 20-35 sinh sống tại các quốc gia đang phát triển (đặc biệt trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương) ngày càng có hoài bão và tham vọng lớn lao (hơn hẳn những người bạn đồng trang lứa tại các quốc gia phát triển khác) trong việc trở thành “người dẫn đầu, người làm chủ”.
Cụ thể, hơn 65% công dân “thế kỷ” tại các nền kinh tế mới nổi khao khát thăng tiến lên “các vị trí lãnh đạo hoặc chuyên viên cấp cao trong nội bộ công ty mình”, so với mức 38% ghi nhận tại các nước như Pháp, Đức. Nhu cầu “đứng mũi chịu sào” dẫn tới việc một bộ phận không nhỏ quyết tâm thử thách bản thân với hoạt động khởi nghiệp, để tự mình chịu trách nhiệm, tự mình vạch ra đường lối và tự mình “làm thuê cho chính mình”.