Giám đốc phát triển sản phẩm của Google - ông sundar pichai - khẳng định rằng I/O 2015 là sự kiện dành cho các nhà lập trình chứ không phải cho đám đông quần chúng. Điều này, dù vậy, không thể ngăn được sự háo hức của giới đam mê công nghệ trên toàn thế giới đối với "show trình diễn" thường niên hoành tráng, nơi những phát kiến vĩ đại, viển vông, hay thậm chí là điên rồ sẽ lần đầu ra mắt.
Bên cạnh đó, lịch sử qua các kỳ I/O cũng cho thấy, không phải thứ gì Google đem "khoe" với thế giới cũng có kết cục thành công – trong đó bao gồm cả những ý tưởng công nghệ mới chỉ đang trong giai đoạn phôi thai mà đã nhanh chóng "chìm nghỉm" và biến mất không tăm tích. Dưới đây là 6 cú "lặn" ngoạn mục nhất trong lịch sử I/O, với cả những sản phẩm đã bị lãng quên vĩnh viễn:
"GoogleKO" của mùa thứ nhất
Phần mềm mã nguồn mở Google Gears đã khai màn mùa I/O đầu tiên vào năm 2008, với lời hứa hẹn sẽ hỗ trợ cho các ứng dụng Web hoạt động được mạnh mẽ hơn, nhanh hơn, ổn định hơn. Và trên thực tế, lời hứa hẹn này đã được thực hiện …trong một thời gian ngắn, cho đến khi bị rút khỏi thị trường vào năm 2011.
Người làm trong ngành công nghệ cũng nhớ đến Google I/O 08 với câu chuyện dở khóc dở cười, khi những chiếc áo thun miễn phí mà Google phát tặng những người tham dự sự kiện với các dòng mã nhị phân thể hiện chữ "GOOGLEIO" (Google I/O) bị "mã hóa" nhầm thành "GOOGLEKO".
Chiếc áo với những dòng mã nhị phân ngớ ngẩn! |
Mặc dù vậy, các nhà điều hành Google vẫn coi I/O 2008 và sản phẩm "chào sân" Google Gears như là một thành công bước đầu, tạo điều kiện cho Google phát triển và chăm chút cho "siêu phẩm" Android, mà chỉ 7 năm sau, đã trở thành hệ điều hành di động phổ biến nhất trên thế giới.
Vĩnh biệt Google Wave!
Bạn có còn nhớ gì về Google Wave không? Nhiều khả năng là không, vì nếu không thực sự làm tại Google, bạn sẽ không có dịp sử dụng mạng xã hội "hỗn hợp" này.
Google Wave đã biến mất |
Mặc dù dịch vụ này không được chính thức giới thiệu trong khuôn khổ I/O 2009, nhưng nó lại xuất hiện trong nhiều tin truyền thông trước thềm sự kiện. Là đứa con tinh thần của các kỹ sư Google Maps, Google Wave mang tham vọng "nhào nặn" các hình thức tin nhắn, mạng xã hội và email vào một công cụ chung hiệu quả và vui nhộn.
Lúc mới "ra lò", Google Wave nhanh chóng trở thành một mạng lưới mới khá "đắt hàng", song sau khi Google mở dịch vụ này cho đông đảo người dùng sau I/O 2010 thì chẳng còn ai có nhu cầu với nó nữa. Google Wave "chìm nghỉm" chỉ vài tháng sau.
Android@Home
Android@Home có thể được xem là một phát kiến đi trước thời đại, khi mà vào năm 2011, Google tự tin dấn bước vào thị trường nhà ở thông minh, với mục tiêu kết hợp các tiện ích giải trí tại nhà với mô hình mạng liên kết các đồ vật gia dụng (The Internet of Things). Đầu tiên là các sản phẩm bóng đèn của hãng LightingScience điều hành bởi nền tảng Android.
Nhưng cuối cùng, dự án này bị treo vô thời hạn, và các bóng đèn thông minh này cũng chưa bao giờ ra mắt.
Tuy thế, giới công nghệ đang chờ đợi sự hồi sinh của Android@Home trong mùa I/O 2015, với cái tên mới Brillo, và một phần cứng thiết kế cho việc vận hành nhà thông minh. Nghe chừng cũng đáng để chờ đợi.
|
Nâng cấp nền tảng Android, 4 năm rồi chưa thấy!
Năm 2011, Google tuyên bố rằng hãng đang hợp tác với các nhà sản xuất điện thoại thông minh nhằm đảm bảo các điện thoại chạy trên nền tảng Android sẽ được nâng cấp trong quá trình diễn ra I/O năm đó.
Bốn năm sau đó, khả năng nâng cấp Android vẫn là vấn đề với Google. Theo thống kê thì chỉ có khoảng 9,7% điện thoại Android hiện nay được chạy phiên bản 5.0 hoặc cao hơn thế, và phiên bản này cũng đã ra mắt từ mùa I/O 2014 rồi.
I/O 2012 và chuyện chiếc kính mờ
Hẳn nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ chiếc kính thông minh google glass đã khuấy động giới công nghệ hồi năm 2012.
Rất tiếc, sau màn "trống dong cờ mở", kính Google không gặt hái được nhiều thành công. Sản phẩm này bị chỉ trích vì mức giá đắt đỏ (lên tới 1.500 USD), lỗi phần mềm và hiệu quả thời trang kém (thực tế là bạn sẽ trông khá lố bịch khi đeo chiếc kính này).
Trong những năm vừa qua, người ta đã thôi phát triển kính Google, và hãng cũng đã dừng bán sản phẩm này từ tháng 01 năm 2015. Nhưng điều đó không có nghĩa là kính Google "chết hẳn". Theo Chủ tịch Google là Eric Schmidth, sản phẩm này đang được sửa đổi để "phù hợp hơn với người dùng".
Dù sao thì, một phiên bản kính Google cải tiến cũng là điều đáng chờ đợi trong I/O 2015.
Dấu hỏi lớn cho Nexus Q
Quả cầu giải trí Nexus Q và Google Glass cùng được giới thiệu trong một năm, song điểm khác biệt giữa hai sản phẩm đều thất bại này, đó là: trong khi kính Google vẫn bán được vài chiếc, thì Nexus Q không bao giờ ra đến thị trường.
|
Có hình dạng khối cầu màu đen, Nexus Q được phát triển để chạy các video từ Google Play và YouTube. Tự tin vào mức độ hấp dẫn của sản phẩm, Google thậm chí còn hào phóng "tặng chơi" vài quả cầu cho khách tham gia I/O 2012.
Nhưng cuối cùng, sản này không bao giờ được bán, và Google dằn lòng tặng không những trái cầu này cho những người (đã trót) đặt hàng. Nói đi thì cũng phải nói lại, sản phẩm "mất hút" này đã tạo tiền đề để Google phát triển Android TV, thứ mà dân công nghệ đang tò mò ngóng đợi trong mùa I/O lần này.
- 02/06/15 22:15 Windows 10 chính thức ra mắt vào 29/7 tới
- 02/06/15 22:13 Microsoft sẽ mua lại ứng dụng hỗ trợ công việc hàng đầu thế giới
- 02/06/15 14:08 Google chính thức xác nhận đặt nút "Mua" lên trang tìm kiếm
- 02/06/15 14:06 Tại sao Microsoft mạnh tay chi 55 tỉ USD để mua lại Salesforce