Điều này áp dụng tuyệt đối chính xác với Diane Bryant, Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách Đơn vị Trung tâm dữ liệu (Data Center Group – DCG) của công ty công nghệ Intel.
Hiện là mảng kinh doanh có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc và đem về nhiều lợi nhuận nhất cho tập đoàn sản xuất chip điện tử có giá trị thị trường lên đến 150 tỷ đô, chỉ tính riêng trong quý vừa qua, DCG đã mang về doanh thu 4,1 tỷ. Giữa bối cảnh thị trường máy tính cá nhân tiếp tục sa sút, intel giờ đặt nhiều niềm tin vào các mảng sản phẩm và dịch vụ khác, đặc biệt là trung tâm dữ liệu.
Cũng vì thế mà địa vị của Diane Bryant càng được củng cố, biến người phụ nữ này trở thành một trong những nhân vật quyền lực nhất tại Intel và làng công nghệ Mỹ.
Thế nhưng, ít ai biết về xuất phát điểm đầy gian khó của Diane Bryant. Bị cha ruột đuổi khỏi nhà từ năm 18 tuổi, bà đã có những năm tháng lang thang không nhà cửa trước khi tìm đường tới với ngành công nghệ thông tin.
Trở thành kẻ vô gia cư khi còn đang học Trung học
Sinh ra trong một gia đình lao động không mấy khá giả và chẳng có ai từng theo học Đại học, Bryant - dù là một học sinh thông minh sáng láng – chưa bao giờ nhận được sự tán thưởng hay động viên nào từ cha mẹ mình. Mong ước của họ là cô con gái sẽ sớm hoàn thành 3 năm trung học để… mở cửa tiệm làm tóc, phụ giúp kinh tế gia đình. Lẽ dĩ nhiên, ước mơ của Bryant khác hẳn. Từ khi còn trẻ, Diane Bryant đã mơ về một cơ ngơi khang trang và sự tự chủ hoàn toàn về mặt tài chính. Với cô gái, tiền thực sự là thứ quan trọng nhất trên đời.
Cha của Diane Bryant là một người đàn ông cứng nhắc đến mức khắc nghiệt. Ông đề ra một luật lệ với tất cả các con của mình, rằng khi chúng tròn 18 tuổi, chúng phải dọn ra khỏi nhà và tự lo cho cuộc sống của bản thân. Vậy là, “tôi trở thành kẻ vô gia cư vào tháng 2, năm cuối đời học sinh. Tôi lang thang vạ vật, ở nhờ nhà rất nhiều người để có thể vượt qua Trung học”, bà kể lại.
Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, Diane Bryant xin vào học tại một trường Cao đẳng cộng đồng (vốn không thu học phí ở thời điểm đó). Một ngày, khi đang ngồi học trong lớp Toán cao cấp, cô gái trẻ nghe thấy một số người bạn xì xào với nhau: “Thời này, làm kỹ thuật là kiếm tiền ác nhất đấy, nhất là nếu mình chỉ có mỗi tấm bằng cử nhân thôi.”
Câu nói đó đã thực sự thay đổi quỹ đạo cuộc đời Bryant.
“Từ bé đến lớn, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm trong ngành kỹ thuật. Nhưng trong thời khắc đó, tôi đã nghĩ: mình phải trở thành kỹ sư! Tôi đâu có muốn học thêm 4 năm lý thuyết suông, nó quá đắt đỏ và tôi lại chẳng có ai giúp đỡ”, Phó Chủ tịch Intel kể lại.
Chặt chẽ với đồng tiền
Sau sự kiện nói trên, Bryant đã ngay lập tức chuyển sang học tại ĐH California-Davis chuyên ngành kỹ thuật điện tử.
“Tôi đã đến với cái ngành này hoàn toàn chỉ vì giấc mơ tiền bạc. Tôi đành phải thừa nhận vậy thôi, kể ra cũng hơi xấu hổ đấy”, Bryant cười lớn.
Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn như Bryant, bởi từ một lựa chọn đầy toan tính, kỹ thuật – công nghệ đã thực sự trở thành niềm đam mê, động lực phấn đấu cho người phụ nữ này. Thông minh, cẩn trọng, hứng thú với những thử thách và phản ứng rất nhạy trước những thay đổi hay yêu cầu mới, Diane Bryant như được sinh ra để làm kỹ thuật viên. Năm 1985, bà chính thức bắt đầu sự nghiệp của mình tại Intel.
“Giờ thì tôi bám trụ với Intel không phải vì tiền nữa, mà chỉ đơn thuần vì tôi yêu cái nghề này, cái môi trường này.”
Tuy nhiên, Bryant cũng không phủ nhận rằng công việc yêu thích đã đem về cho bà khoản đãi ngộ không nhỏ.
“Những điều mà các bạn tôi nói ngày xưa quả nhiên đúng, rằng nếu bạn học kỹ thuật và học thật giỏi, bạn có cơ hội kiếm được rất nhiều tiền. Có rất nhiều bạn gái rất khá với các môn khoa học và toán học, nhưng đa phần các em lại không dám đi theo hướng đi này.”
Học cách thích ứng
Lẽ dĩ nhiên, trong suốt quá trình làm việc và thăng tiến, Diane Bryant luôn ý thức rằng mình là thiểu số trong một thế giới dường như chỉ thuộc về những gã đàn ông. Đặc biệt, thời điểm giữa thập niên 80 khi bà gia nhập Intel, “môi trường của các công ty công nghệ thung lũng Silicon đầy bấp bênh và cạnh tranh gay gắt.”
Để không bị tụt hậu và đào thải, Bryant đã phải nỗ lực gấp đôi để có thể đạt được hiệu quả “như những chuyên viên nam giới khác”. Với bà, đó không chỉ là việc đào sâu chuyên môn, không ngừng học hỏi, tìm tòi, thử nghiệm và khám phá, mà còn là những “tiểu xảo” giúp củng cố độ “cứng” cho một người phụ nữ dấn thân làm kỹ sư: “tôi phải học chửi bậy như mấy tên du côn, uống rượu mạnh và đầu tư cho một chiếc BMW hộp số điều khiển bằng tay”.
“Là thiểu số, bạn cần phải tìm ra cách hòa nhập, cách vận hành sao cho thuận lợi nhất với số đông. Bởi vậy, tôi đã từ bỏ tất cả vẻ e ấp, ngại ngùng và học cách trở nên quyết liệt.”
Và những nỗ lực mà Bryant bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng. Sau 30 năm lăn lộn trong nghề, Diane Bryant giờ trở thành người phụ nữ quyền lực nhất tại Intel, đồng thời cũng là một trong những người phụ nữ “máu mặt” của thung lũng Silicon.
“Một trong những khách hàng của chúng tôi từng nói, làm việc với tôi không giống với trải nghiệm hợp tác với những phụ nữ khác. Có gì đâu nhỉ, tôi cũng chỉ là một chuyên viên trong ngành công nghệ mà thôi.”
Tuy nhiên, bà cũng cho rằng nữ giới cần nhận được nhiều nguồn động viên, hỗ trợ hơn nữa để theo đuổi sự nghiệp trong ngành điện tử - viễn thông - công nghệ. Riêng Intel cũng đã cam kết đầu tư 300 triệu USD để khuyến khích các tài năng nữ và các nhóm thiểu số từ nay cho tới năm 2020. Nhiều công ty công nghệ khác cũng đã bước đầu nhận thức được vấn đề này và ngày càng quyết tâm với những mục tiêu đa dạng hóa đội ngũ nhân sự của mình.
“Tôi tự thấy đây là trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy các thế hệ phụ nữ mới vươn lên và khẳng định mình trong ngành, để họ không còn phải ép mình chửi bậy như tôi ngày trước”, Diane chia sẻ.