Có lẽ, với những ai yêu quý và tìm hiểu sâu về văn hóa cũng như tôn chỉ làm việc của Google, khái niệm – hay giấc mơ “Moonshots” cùng triết lý “Gấp 10 lần” không phải điều gì quá xa lạ.
Thay vì lựa chọn đổi thay “chậm mà chắc”, Google hướng tới những dự án phi thường có khả năng tạo ra giá trị cao gấp 10 lần so với các công nghệ hay sản phẩm có chức năng tương đương trên thị trường. Chính bởi “tôn chỉ” này mà thế giới được biết tới một Google của đột phá và sáng tạo, của những ước mơ không tưởng và siêu dự án mang tiềm năng biến đổi thế giới: như xe tự hành và khí cầu kết nối Internet.
Thế nhưng, mục tiêu phi thường có đồng nghĩa với sự hoàn hảo trong mọi mặt vận hành, thực thi? Google luôn mang giấc mộng bắn hạ cung trăng, nhưng thực tế, hãng đã có được bao nhiêu phát bắn trúng đích?
Trong một cuộc nói chuyện gần đây giữa Business Insider và một chuyên viên của đơn vị nghiên cứu phát triển robot (vốn nằm trong nhóm các công ty được Google thâu tóm trong vài năm trở lại đây), anh này tiết lộ rằng Amazon cũng đã nhăm nhe thôn tính doanh nghiệp này, tuy nhiên Google đã nhanh chân hơn và “nẫng tay trên” sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, chuyên viên này còn ước: giá như Google đừng qua mặt Amazon.
“Google dường như luôn hướng tới việc nhắm bắn mặt trăng, song chính Amazon mới là kẻ đang cần mẫn xây thang để lên đó!” chàng nhân viên bất mãn cho hay. Theo anh, nếu như Amazon thâu tóm công ty cũ của mình, những dự án có thể đã được hiện thực hóa và có mặt trong những kho hàng hoàn thiện (fulfillment center) của Amazon, thay vì mãi quẩn quanh trong các phòng thí nghiệm R&D của Google.
Sự bế tắc của Replicant
Được thành lập hai năm về trước, đơn vị chế tạo robot của Google (Robotics division) – hay còn được gọi với cái tên nội bộ là Replicant – hướng tới việc “thiết kế và chế tạo một loạt các sản phẩm mang tính nền tảng cho hoạt động tiêu dùng kiểu mới của con người trong tương lai và có khả năng tương tác với thế giới thực” trước năm 2020.
Thế nhưng, tính tới thời điểm hiện tại, nhà sáng lập Replicant là Andy Rubin đã rút chân khỏi Google, và các nguồn tin khẳng định với Business Insider: Đơn vị Robot đang mất đi trọng tâm phấn đấu.
Trong khi Replicant vẫn đang tiếp tục nỗ lực để cho ra đời những cỗ máy thông minh “phi thường” có khả năng học hỏi, tương tác và đáp ứng các nhu cầu đời sống của con người, Amazon lại đang tiến hành thiết đặt những robot “đa năng” phục vụ hiệu quả cho hoạt động vận hành công nghiệp của hãng và hàng loạt phiên bản robot đã tiến vào các trung tâm hoàn thiện của Amazon.
Sự nhanh nhẹn của Amazon Robotics
Hiện sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới đã “cắt cử” 30.000 robot làm việc thường xuyên tại 13 trung tâm hoàn thiện, phục vụ hoạt động phân loại, lưu kho và vận chuyển hàng hóa. Gần nhất, phòng phát triển máy robot của Amazon cũng đã cho thử nghiệm một thiết bị không dây mới giúp đảm bảo an toàn trong hoạt động vận hành robot tại các trung tâm hoàn thiện.
Trong video quảng cáo đăng tải trên website của đơn vị, tính khả thi và khả năng áp dụng tức thời của những robot mang thương hiệu Amazon được đề cao, nêu bật: “Điều đáng kinh ngạc nhất khi làm việc tại Amazon Robotics, đó là viết nên những mã lập trình mà bạn có thể thấy nó thành hình nhanh chóng bên trong một trung tâm hoàn thiện của Amazon.”
“Chúng tôi sử dụng công nghệ robot để giải quyết những thách thức phức tạp phát sinh từ nhu cầu thực tế đời sống, thể hiện trong những giải pháp hiệu năng cao mà lại cực kỳ đơn giản.”
Lựa chọn giữa "nhanh-mạnh" và "chậm-chắc": Thực tiễn sẽ trả lời
Đến đây, có thể bạn sẽ tự đặt ra câu hỏi: vậy thì giữa việc tạo ra những chú robots giúp con người tiếp nhận hàng hóa mua online được dễ dàng và việc nghiên cứu những sản phẩm “đồ chơi” có khả năng tương tác tối ưu với con người, đâu là điều hay ho hơn, đáng làm hơn?
Câu trả lời xem ra không hề đơn giản. Những rõ ràng trong hai kịch bản mà chúng ta xét tới trên đây, một bên đã có được lời giải đáp hiệu quả, còn một bên vẫn đang mơ hồ, dậm chân tại chỗ. Sự tương quan này càng được đẩy lên cao trào, khi xét về cách thức tiếp cận vấn đề của hai bên: Amazon làm việc trong âm thầm lặng lẽ, Google lại chẳng ngừng khoa trương về những bước đi “thế kỷ” của mình.
Thêm nữa, hãy nhớ lại những dự án moonshots “thử thì kêu – đốt lại tịt” trước đây của Google: kính Google và Google Plus. Trong khi Amazon vẫn hì hụi xây từng nấc thang, bao giờ Google mới thực sự bắn trúng đích?