Gần đây nhất là vụ việc một du khách Nhật Bản 66 tuổi trượt chân ngã và tử vong, trong khi người bạn đồng hành của ông bị thương nặng, khi hai người đang chuẩn bị chụp một bức hình “tự sướng” trước cung điện Taj Mahal ở Ấn Độ.
Cái chết của người đàn ông Nhật Bản đã chính thức nâng tổng số người chết trong lúc tìm cách tự chụp ảnh mình và bạn bè người thân lên 12 (và không rõ ngoài 12 vụ này thì thế giới có “bỏ sót” trường hợp nào khác). Quả là những cái chết thương tâm và hy hữu.
Lẽ dĩ nhiên, số ca tử vong do mải chụp ảnh tự sướng mà dẫn đến tai nạn chết người chẳng thấm vào đâu so với lượng người chết do bệnh tật hay tai nạn giao thông, song rõ ràng đây là một con số đáng báo động, nhất là khi cân nhắc thương vong do cá mập tấn công chỉ dừng ở con số 8 người.
Đáng báo động, bởi nó phản ánh một cách trần trụi thói quen tập trung quá đà vào chiếc smartphone cũng như bản tính thích khoe khoang trên mạng xã hội của đa phần con người hiện đại. Thay vì cân nhắc không gian xung quanh xem có đủ an toàn hay không, chúng ta bất chấp rủi ro, cố chụp cho được một bức hình thật ấn tượng. Rất có thể chúng ta vẫn sẽ đạt được mục đích của mình, song đó cũng chính là những bức hình cuối cùng chúng ta chụp trong đời. Một cái giá quá đắt cho thói quen selfie vô tội vạ và thiếu cẩn trọng.
Rõ ràng trong thời gian gần đây, số vụ việc du khách tự đẩy mình vào tình cảnh “nghìn cân treo sợi tóc” do mải chụp ảnh tự sướng đã tăng đáng kể và xuất hiện tràn lan trên các mặt báo. Cụ thể, một số ca tử vong xảy ra do bị đâm bởi tàu hỏa khi du khách cố tình vi phạm an toàn giao thông đường sắt hoặc sử dụng các công cụ hỗ trợ gây vướng víu, trở ngại tầm nhìn. Một số công viên còn buộc phải đóng cửa, khi quá nhiều vị khách “máu anh hùng” tìm cách tự sướng ngay khi đang bị gấu hay bò tót đuổi. Thậm chí, một số tay đua xe đạp Tour de France cũng đã bị ban tổ chức cảnh cáo do hành vi tự sướng dọc hành trình, vô tình đặt tính mạng bản thân và các tay đua khác vào vòng nguy hiểm.
Trào lưu tự sướng theo kiểu “tự sát” cũng đã trở thành vấn đề bàn thảo trong nhiều cuộc họp chính quyền cấp quốc gia. Tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ nội vụ Nga đã cho phát hành một cuốn sách hướng dẫn, trong đó cảnh báo người dân và du khách về vấn nạn tự sướng sao cho độc đáo, ấn tượng có thể buộc họ đánh đổi cả cuộc đời. Cuốn sách nhỏ chứa các hình ảnh mô phỏng biển cấm giao thông, cho thấy những hình thức tự chụp ảnh đang phổ biến thịnh hành song tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm.
“Trước khi selfie, mọi người nên nghĩ về chuyện đua nhau ‘câu like’ có thể đẩy mình vào một hành trình chết chóc như thế nào, biến bức hình ‘độc’ sau cùng trở thành một… di cảo”, dẫn lời trợ lý Bộ trưởng Nội vụ Nga.