Người ta hẳn sẽ thốt lên như vậy khi đọc tin tức về vụ kiện tụng mới nhất của Xiaomi, khi một anh chàng người Quảng Châu kiện hãng này “treo đầu dê bán thịt chó” và… thua thẳng cẳng.
Trước đó, vào tháng 1/2013, anh Liang sống tại Quảng Châu đọc được nội dung quảng cáo cho hệ điều hành di động của Xiaomi: “MIUI là hệ thống tùy biến trên nền tảng Android tốt nhất thị trường hiện nay.” Hào hứng trước thông tin này, anh Liang vui vẻ chi ra 2.329 Nhân dân tệ (tương ứng khoảng 365 đôla Mỹ) để mua về chiếc smartphone Xiaomi Mi 2 cùng miếng dán bảo vệ màn hình chính hãng.
Thế nhưng, trải nghiệm của anh với chiếc điện thoại “quốc nội” trở thành cơn ác mộng. Máy phải reset liên tục, và thỉnh thoảng tất cả mọi ứng dụng đột nhiên biến mất. Lên mạng tìm kiếm thêm thông tin, anh Liang phát hiện ra chiếc điện thoại của mình không phải thiết bị Xiaomi duy nhất gặp phải tình trạng này. Sang đến năm 2015, anh chàng đã quyết định đâm đơn kiện dân sự với hãng Xiaomi, với cáo buộc lừa dối người tiêu dùng hòng bán sản phẩm. Bên cạnh yêu cầu bồi hoàn toàn bộ số tiền bỏ ra cho chiếc điện thoại, anh Liang cũng đòi hỏi các khoản bồi thường cho thời gian nghỉ việc, chi phí đi lại và pháp lý phát sinh, cùng một số khoản khác.
Thế nhưng, anh Liang đã phải tốn công vô ích. Đầu tuần này, Tòa án Quảng Châu đưa ra phán quyết rằng mặc dù nội dung quảng cáo của Xiaomi “có vấn đề” – do phần nào liên đới tới luật cấm sử dụng các từ so sánh ở mức cao nhất trong các hình thức quảng cáo, ví dụ như “tốt nhất”, mới được thông qua hồi đầu tháng 9 – thì đây cũng không bị khép vào tội lừa dối khách hàng. Thêm vào đó, anh Liang chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng về lỗi kỹ thuật của sản phẩm hoặc chứng nhận các chi phí anh phải bỏ ra để làm căn cứ cho giá trị bồi hoàn, cũng như không thể giải thích được vì sao mình vẫn tiếp tục dùng sản phẩm này thêm hai năm rồi mới đâm đơn kiện.
Có thể nói Xiaomi đã “ăn may” trong vụ lùm xùm này, song rõ ràng, đây là một bài học kinh nghiệm cho tất cả các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc về thói quảng cáo bừa bãi, tràn lan và thiếu cân nhắc. Nếu cứ tiếp tục “tô hồng” sản phẩm hay dịch vụ của mình một cách quá đà, rất có thể một ngày nào đó các công ty sẽ phải “lãnh đủ” với Luật quảng cáo mới tại Trung Quốc.