Lưu ý, đánh giá dưới đây dựa trên mức lương cơ bản (lương cứng) trả cho các kỹ sư và chuyên viên trong một năm, không tính thưởng và các khoản giải ngân bất thường.
Dữ liệu được thu thập bởi Glassdoor, mạng xã hội tuyển dụng và nghiên cứu môi trường nhân sự lớn mạng lưới đa quốc gia.
Mới đọc qua thì có thể thấy Google (hay Alphabet) có xu hướng “cưng chiều” các kỹ sư, lập trình viên máy tính. Cũng dễ hiểu bởi với tư cách tập đoàn công nghệ lớn với nền tảng công cụ tìm kiếm và điện toán đám mây, các kỹ thuật viên đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống doanh nghiệp. Dẫu vậy, những vị trí chuyên viên trong các mảng hoạt động khác cũng rất được ưu đãi, và chắc chắn, bạn sẽ bất ngờ với vị trí đắt giá số 1 tại Google.
#20: Kỹ sư phần cứng
Mức lương trung bình: 183.948 USD (4,14 tỷ VNĐ)
Với tham vọng phát triển các sản phẩm như OnHub router, smartphone và tablet Nexus cùng vô số sản phẩm phần cứng chất lượng khác, rõ ràng google phải “chi đậm” để thu hút những kỹ sư tay nghề cao nhất.
#19: Trưởng bộ phận chương trình kỹ thuật IV
Mức lương trung bình: 188.229 USD
Vai trò của các Giám đốc chương trình kỹ thuật nằm ở việc giám sát xuyên suốt vòng đời dự án, bao gồm quản lý lộ trình công việc, xác định các rủi ro tiềm ẩn và truyền đạt mục tiêu dự án tới các bên liên quan.
#18: Cố vấn pháp lý
Mức lương trung bình: 189.262 USD
Cố phấn pháp lý, về bản chất, là các luật sư tư vấn cho doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến pháp lý, pháp chế trong quá trình vận hành và giải quyết mâu thuẫn nếu phát sinh.
#17: Trưởng bộ phận chiến lược kinh doanh cấp cao
Mức lương trung bình: 190.727 USD
Có mũi nhọn trong mảng quảng cáo, vai trò của các chuyên gia trong lĩnh vực bán hàng có ý nghĩa to lớn với Google chả kém các chuyên viên kỹ thuật. Đó là lý do vì sao Trưởng bộ phận chiến lược kinh doanh có thể nhận được mức lương khủng hơn 190.000 USD/ năm.
#16: Trưởng phòng truyền thông
Mức lương trung bình: 190.846 USD
Với các doanh nghiệp có cơ cấu càng lớn thì trách nhiệm của người làm truyền thông càng thêm nặng nề, bất kể là nội bộ hay ngoại bộ. Việc truyền đạt các thông tin, tuyên bố cũng như sứ mệnh và định hướng doanh nghiệp một cách rõ ràng, dễ hiểu tới các cấp bậc thành viên là điều vô cùng có ý nghĩa. Điều đó lí giải cho “quyền lực” của Trưởng phòng Truyền thông tại Google.
#15: Trưởng phòng kỹ thuật bậc II
Bậc lương trung bình: 191.552 USD
Các kỹ sư máy tính là người tạo lập nền tảng cho mọi sản phẩm của Google, và trên cương vị quản lý, Giám đốc kỹ thuật bậc II có nhiệm vụ giám sát các nhóm kỹ thuật viên trong suốt quá trình phát triển, thử nghiệm và đưa ra các sản phẩm mới có giá trị.
#14: Chuyên viên thiết kế trải nghiệm người dùng (UX Designer)
Bậc lương trung bình: 191.881 USD
Một công việc có thể xa lạ với nhiều người, song trong thế giới của các sản phẩm công nghệ ứng dụng, công việc này mang ý nghĩa sống còn đối với khả năng tiếp cận và chiếm trọn tình cảm của người dùng dành cho các sản phẩm, dịch vụ hiện đại. Nếu như các kỹ thuật viên lo chuyện xây dựng nền tảng, nhân viên kinh doanh lo tìm đầu ra thì chuyên viên thiết kế sẽ quyết định việc khách hàng có đồng ý thử nghiệm và sử dụng sản phẩm lâu dài hay không.
#13: Trưởng bộ phận vận hành và kinh doanh trực tuyến cấp cao
Bậc lương trung bình: 192.915 USD
Đóng vai trò giám sát các chiến lược kinh doanh trực tuyến cũng như tăng trưởng doanh thu bộ phận, có thể thấy vị trí này có tầm quan trọng như thế nào, nhất là với một doanh nghiệp sở hữu hệ thống dịch vụ “online” toàn diện như Google.
#12: Kỹ sư đảm bảo độ tin cậy của website
Bậc lương trung bình: 193.424 USD
Đích thực là các “troubleshooters”, kỹ thuật viên chuyên về lĩnh vực này phải là những bộ óc điện tử chân chính, với kỹ năng thiết kế web và xử lý lỗi bậc thầy.
#11: Trưởng phòng kinh doanh cấp cao
Bậc lương trung bình: 193.680 USD
Vị trí này có gì khác #17 mà mức lương lại cao hơn đôi chút? Nếu như Trưởng bộ phận chiến lược kinh doanh đề ra phương hướng và cách thức bán hàng đem về nhiều doanh thu lợi nhuận nhất, thì trưởng phòng kinh doanh cùng nhóm của mình là những người thực thi chiến lược một cách nghiêm túc, tổng lực. Có dấn thân vào thế giới công nghệ thì mới rõ cuộc chiến giành khách hàng, giành thị phần khốc liệt, nhiều “mặt trái” và áp lực thế nào. Lương của họ cao cũng là điều dễ hiểu.
#10: Quản lý Sản phẩm cấp cao
Mức lương trung bình: 197.252 USD
Mở đầu top 10 đắt giá tại Google là vị Giám đốc Sản phẩm cấp cao, một tài sản quý giá đối với bất cứ doanh nghiệp công nghệ nào. Đóng vai trò dẫn dắt các nhóm kỹ thuật viên cùng làm việc vì những mục tiêu chung, Quản lý Sản phẩm là người tạo lập bản sắc và diện mạo doanh nghiệp với từng nhóm sản phẩm/ dịch vụ riêng biệt, đặc thù, chất lượng.
#9: Kỹ sư phần mềm
Mức lương trung bình: 201.565 USD
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy một kỹ sư phần mềm “cấp thấp” lại có thể hưởng lương cao hơn Quản lý sản phẩm hay chuyên viên kỹ thuật “cấp cao”. Kỳ thực, trở thành kỹ sư phần mềm tại Google không phải điều đơn giản. Ứng viên phải thể hiện được trí tuệ siêu việt cùng khả năng giải quyết các vấn đề lập trình phức hợp và hóc búa. Thống kê của Glassdoor cho thấy nhân viên làm phần mềm tại Google không chỉ được hưởng những ưu đãi vượt trội trong nội bộ công ty, mà còn được hưởng phúc lợi cao hơn 60% so với mức trung bình của toàn nước Mỹ.
#8: Trưởng nhóm kỹ thuật phần mềm
Mức lương trung bình: 207.211 USD
Hưởng lương cao hơn các kỹ sư phần mềm đương nhiên là các… trưởng nhóm quản lý họ, chịu trách nhiệm đối với kiến trúc nền tảng của một chương trình, sản phẩm.
#7: Kỹ sư phần mềm cấp cao
Mức lương trung bình: 210.462 USD
“Trên cơ” các trưởng nhóm kỹ sư phần mềm (thiên về quản lý, giám sát) là các kỹ sư phần mềm cấp cao, đảm nhận vị trí dẫn dắt các dự án kỹ thuật lớn tại các đơn vị, bộ phận riêng biệt như YouTube, AdWords, v.v.
#6: Trưởng bộ phận kỹ thuật phần mềm cấp cao
Mức lương trung bình: 235.772 USD
Là những chuyên gia đẳng cấp trong lĩnh vực lập trình và quản lý lập trình, vị trí này luôn trong tình trạng “khát nhân tài” tại Google.
#5: Quản lý nhóm sản phẩm
Mức lương trung bình: 243.299 USD
Như đã nói ở trên, Quản lý sản phẩm là tài sản vô giá với Google, là điểm nút quan trọng trong từng dự án giúp kết nối các kỹ thuật viên, chuyên viên kinh doanh, chuyên viên truyền thông tiếp thị nhằm đưa được sản phẩm hoàn thiện ra thị trường và đảm bảo sự thành công của chúng.
Với các Quản lý nhóm sản phẩm, công việc của họ càng gian nan thách thức hơn, khi số dự án họ phải điều phối, quản lý và vận hành nhiều hơn một.
#4: Trưởng nhóm vận hành kinh doanh
Mức lương trung bình: 252.423 USD
Đóng vai trò quản lý các dự án ủy nhiệm bởi ban lãnh đạo công ty, trưởng nhóm vận hành kinh doanh sẽ làm việc trực tiếp dưới trướng các lãnh đạo cao nhất với nhiệm vụ đề xuất và thực thi các sáng kiến vận hành, đảm bảo các quy trình được tối ưu hóa. Vị trí khá đặc biệt này yêu cầu ứng viên có trên 6 năm kinh nghiệm với các công tác tương đương.
#3: Giám đốc Marketing
Mức lương trung bình: 268.936 USD
Một trong hai vị trí quyền lực bậc nhất tại Google (dựa trên số tiền mà công ty sẵn sàng chi trả cho họ mỗi năm) là Giám đốc Marketing. Cũng dễ hiểu thôi, bởi dù Google có chi bao nhiêu cho đội ngũ kỹ thuật thì mắt xích tiếp thị - truyền thông lỏng lẻo có thể khiến mọi công sức phát triển đổ xuống sông xuống bể.
#2: Giám đốc khối kỹ thuật
Mức lương trung bình: 272.370 USD
Có thể xem đây là nhân vật quyền bính nhất trong khối kỹ thuật tại Google, Giám đốc Kỹ thuật giám sát toàn bộ các phương diện chuyên môn và phát triển của công ty. Với vị trí này, Google đòi hỏi ứng viên ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật và quản lý.
#1: Giám đốc tài chính
Mức lương trung bình: 339.825 USD (tương đương 7,64 tỷ VNĐ/năm)
Có thể thấy từ vị trí hưởng lương cao thứ nhì cho tới vị trí cao nhất là một khoảng cách không hề ngắn, và đây đích thực là công việc “đắt giá” nhất tại Google. Nói là vậy chứ để “leo” lên vị trí này đâu phải điều đơn giản, và nhận được mức lương nói trên thì người Giám đốc cũng phải “đồ mồ hôi, sôi nước mắt”. Với các công ty công nghệ lớn như Apple và Google, làm vui lòng giới đầu tư với những báo cáo tài chính triển vọng là điều vô cùng quan trọng song hết sức gian nan. Những chồng tài liệu cao ngất, những con số dài dằng dặc hoàn toàn có thể làm hoảng hồn bất cứ ai, vậy nên, không nên tỵ nạnh với dân tài chính – nhất là Giám đốc tài chính của Google làm gì!