Sau một vài năm dẫn đầu các hãng xe Mỹ về lợi nhuận, ford gặp phải bước sụt giảm lớn vào năm 2014. Theo thông cáo, lợi nhuận ròng của hãng giảm 56% so với cùng kỳ 2013, chủ yếu bởi chi phí gia tăng, sản lượng giảm và một loạt những thất bại đáng ngạc nhiên, NYtimes dẫn.
Không phải tất cả những cố gắng của Ford đều vô nghĩa trong một năm đầy biến động, ví như hãng có CEO mới, một chiếc pickup sửa đổi và đầu tư lớn để mở rộng hoạt động tại thị trường châu Á đồng thời tái cấu trúc chi nhánh tại châu Âu.
Tuy khoản chi phí lớn để phát triển sản phẩm mới cũng như mở rộng thị phần toàn cầu đã lường trước, nhưng loạt chi phí không mong đợi như chi phí bảo hành và triệu hồi tăng cao, các vấn đề gặp phải ở Nga và Venezuela kéo tổng chi phí vượt trội khiến sụt giảm mạnh lợi nhuận.
Ford F-150 Raptor, thế mạnh của hãng xe Mỹ. |
Ford đứng trước áp lực để chứng minh giai đoạn chuyển tiếp đã qua và lợi nhuận sẽ tăng trở lại trong năm mới 2015. Ford cho biết năm 2014 hãng kiếm được 3,19 tỷ USD lợi nhuận ròng, trong khi 2013 là 7,18 tỷ USD, đồng thời doanh số toàn cầu giảm 2% so với năm trước.
Quý 4 năm 2014 là một thử thách thực sự cho Ford, doanh số đứng thứ hai sau GM trong các hãng xe Mỹ. Lợi nhuận ròng là 52 triệu USD, giảm mạnh không tưởng so với con số 3,07 tỷ USD của quý 4 năm 2013.
Nguyên nhân của bước hụt này phần nhiều đến từ chi phí trước thuế là 1,2 tỷ USD trong suốt quý 4, bao gồm 800 triệu USD chi phí cho việc biến động tiền tệ tại Venezuela.
Mark Fields, CEO mới của Ford gọi năm 2014 là một năm đầy thử thách khó khăn, và cam kết tăng lợi nhuận trước thuế trong 2015.
"Đây sẽ là một năm đột phá cho Ford", Mark Fields cho biết, ông trở thành CEO trong 2014 sau khi Alan Mulally chính thức nghỉ hưu.
Các chuyên gia trong ngành cho biết kết quả kinh doanh 2014 của Ford sụt giảm chủ yếu bởi chi phí giới thiệu sản phẩm quan trọng như F-series và chiến lược ngốn tiền khác như xây dựng nhà máy mới ở Ấn Độ và Trung Quốc, trong khi đó cũng phải vật lộn với điều kiện kinh tế đi xuống ở Nam Mỹ và châu Âu.
Nhưng nhà đầu tư dường như không được thông báo về kết quả tài chính đi xuống này, và hy vọng khởi sắc trở lại trong năm tới. Minh chứng là giá cổ phiếu của Ford trên sàn chứng khoán New York vẫn tăng 3% lên mức 14,85 USD một cổ phiếu.
"Dường như Ford thấy hạnh phúc khi kết thúc 2014 và đang hướng tới 2015", Michelle Krebs, một chuyên gia trong ngành nhận định.
Ford cho biết dù lợi nhuận thấp hơn nhưng kết quả này không đi chệch so với kế hoạch sản phẩm và chiến lược mở rộng thị trường của hãng. Tuy nhiên, hãng xe Mỹ hy vọng những chi phí bảo hành cao và trở ngại quốc tế như 2014 sẽ không lặp lại.
"Chúng tôi có nhiều bước đi vào năm ngoái, nhưng không hy vọng thị trường Nam Mỹ hay Nga lại sụt giảm, cũng như mức chi phí bảo hành gia tăng", Robert Shanks, giám đốc tài chính của Ford cho biết.
Vị giám đốc này tiết lộ chi phí bảo hành và triệu hồi gia tăng 1,3 tỷ USD năm 2014, trong khi rất nhiều hãng xe khác, ví như GM phát sinh chi phí cao hơn đáng kể cho hoạt động an toàn của xe.
"Chúng tôi có triệu hồi không? Có, nhưng đó là một phần trong ngành kinh doanh này". Robert Shanks cho biết. "Nhưng hy vọng chi phí bảo hành sẽ quay về mức bình thường trong năm nay".
Xe nhỏ như Fiesta đang trở thành mẫu xe chiến lược của Ford tại châu Á. |
Việc điều chỉnh sản xuất xe tải làm giảm lợi nhuận và doanh số trong giai đoạn về cuối 2014. Nhưng ông Shanks cho biết sản xuất pickup sẽ tăng dần trong nửa đầu 2015, giúp cân bằng thị phần của Ford tại Mỹ.
Trong 2014, Ford cho biết hãng bán 6,32 triệu xe trên toàn cầu, giảm so với con số 6,33 triệu của 2013. Mặc dù gặp áp lực chi phí và giảm doanh số nhưng hoạt động của Ford ở Bắc Mỹ tiếp tục là điểm sáng trong tổng thể bức tranh kinh doanh của hãng.
Lợi nhuận trước thuế ở Bắc Mỹ là 1,55 tỷ USD trong quý 4, giảm xuống từ 1,8 tỷ USD cùng kỳ 2013. Trong cả năm 2014, Ford cho biết lợi nhuận trước thuế của hãng ở thị trường này là 6,9 tỷ USD, giảm so với 8,8 tỷ USD năm 2013.
Với mức lợi nhuận này, số tiền thưởng mà 50.000 công nhân của hãng ở Mỹ nhận được khoảng 6.900 USD mỗi người.
Hoạt động kinh doanh trên thế giới của Ford nhận những kết quả khác nhau. Ở Nam Mỹ, thua lỗ trước thuế vào khoảng 1,16 tỷ USD năm 2014, cao hơn nhiều so với mức lỗ 33 triệu USD năm 2013. Ở châu Âu, Ford cũng thua lỗ khoảng 1,06 tỷ USD, thấp hơn đôi chút so với 1,44 tỷ USD của 2013.
Kết quả khả quan hơn ở châu Á Thái Bình Dương, nơi Ford cũng như các hãng xe toàn cầu đang coi là thị trường tiềm năng số một. Năm 2014, hãng xe Mỹ có mức lợi nhuận trước thuế thu được tai đây là 589 triệu USD, tăng so với 327 triệu USD của 2013.
Đức Huy