"Tôi cho rằng câu nói đó đúng. Thậm chí quá đúng so với nhận thức của nhiều người. GM là hình ảnh thể hiện cho nền kinh tế bởi cả hai cùng có quy mô quá lớn, phức tạp và vô cùng khó sửa chữa", Mark Vitner, chuyên gia kinh kế cấp cao tại Wachovia Corp nhận định.
Nhà kinh tế này đánh giá GM nộp đơn xin phá sản hôm thứ hai là cú đánh chí mạng vào nền kinh tế. Nó diễn ra đúng vào thời điểm những tia sáng hồi phục bắt đầu lóe lên. Người ta chuẩn bị kỳ vọng tốc độ sụt giảm sẽ chậm lại và người dân bắt đầu có niềm tin trở lại.
Công nhân trong một đại lý của GM. Phá sản được coi là niềm hy vọng cuối cùng để GM có thể thoát khỏi khủng hoảng. Ảnh: AFP. |
Ban cố vấn của Tổng thống Obama cam kết sẽ giữ GM trong vòng bảo vệ của luật phá sản một vài tháng, đến khi nào kinh tế tốt lên thì trả lại. Thế nhưng thực tế thì tình hình vẫn ngày một xấu đi.
Delaware là nơi mà những ảnh hưởng có thể thấy rõ nhất, dù chính quyền bang đã bỏ ra 182 triệu USD cho guồng máy kinh tế. Dù chịu ít ảnh hưởng hơn các đàn anh Michigan, Ohio hay Indiana (những bang trụ cột công nghiệp xe hơi) nhưng mảng sản xuất ôtô ở Delaware đã gần như bốc hơi khi nhà máy Boxwood Road của GM và Newak của Chrysler đóng cửa từ tháng 12/2008. Điều này đưa kinh tế bang rơi vào suy thoái trầm trọng.
550 nhân công trực tiếp mất việc cùng 515 người làm việc tạm thời khác đang chờ được gọi lại. Con số này chưa kể những người nghỉ hưu, nhân sự làm việc tại nhà cung cấp phụ kiện và đại lý. Số lượng người mất việc có thể lên tới 11.000. Con số còn cao hơn khi ảnh hưởng còn tiếp diễn sau vụ GM phá sản. Vì các thương hiệu như Hummer, Saturn sẽ ra đi theo.
Trong quý I, ngành ôtô chỉ tạo ra 600 việc làm cho Delaware, chiếm 0,2% số công nhân bang này. Tổng mức lương chỉ chiếm 0,5% lương của toàn bộ bang. So với năm 1985, các hãng xe tạo ra khoảng 5.200 công nhân, chiếm 2%. Đến 1988, GM và Chrysler là hai hãng chỉ đứng sau DuPont trong bảng xếp hạng những nhà sản xuất tạo nhiều việc làm nhất.
Hummer sẽ là thương hiệu có khả năng bị bán hoặc khai tử nhiều nhất. Ảnh: Reuters. |
Theo các chuyên gia, vấn đề của các nhà sản xuất và chính quyền Delaware là làm thế nào để tìm được việc tốt, phù hợp với kỹ năng của công nhân.
Đây là những người không có nhiều năng lực. Phần lớn được hưởng lợi trong các gói hỗ trợ ngắn hạn. GM là một ví dụ. Nhưng ảnh hưởng lớn nhất là họ vẫn còn hợp đồng làm việc trong nhiều năm. Vì thế xã hội phải nuôi trong khi Delaware không chắc chắn sẽ dùng năng lực của họ để thu hút đầu tư.
Với 3.000 người nghỉ hưu từ nhà máy Boxwood Road của GM, việc giảm phụ cấp chăm sóc sức khỏe có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của họ. Mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn.
Ngoài Delaware, GM còn dự định đóng cửa hàng tá nhà máy và 2.100 đại lý trên toàn nước Mỹ. Như vậy sẽ có không ít lao động trực tiếp và không trực tiếp bị ảnh hưởng.
Một tác động khác nặng nề hơn là tâm lý. Sự sụp đổ của hình tượng công nghiệp suốt 100 năm khiến những công nhân làm việc trong ngành ôtô khó lòng yên tâm về vị trí của mình.
"Bạn không khánh kiệt vì phá sản. Mà bạn phá sản vì khánh kiệt", Giáo sư về luật phá sản tại đại học Widener University School of Law nhận định.
Trọng Nghiệp (theo USA Today)