Đặc biệt, ở thủ đô Jakarta, những người đi nhờ xe còn được gọi là "dân chuyên nghiệp" khi kiếm được tiền từ việc này. Khi lên xe của một người hoàn toàn xa lạ, họ được trả tiền bởi giúp các tài xế đến đích nhanh hơn.
Hiện tượng này xuất phát từ thực tế giao thông ở Jakarta, khi thành phố này có dân số hơn 30 triệu người với khoảng 20 triệu xe đăng ký. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng ở đây lại kém xa so với những thành phố lớn khác trên thế giới như New York, Tokyo hay Singapore. Nhằm giảm tắc nghẽn, chính quyền thành phố tạo ra các khu vực "3 trong 1" chỉ cho phép các xe chở ít nhất 3 người được lưu thông.
Trong số những người chuyên đi nhờ xe, rất nhiều bà mẹ bế theo con nhỏ. Ảnh: Kaskus. |
Đó chính là nguồn gốc của lực lượng đi nhờ xe chuyên nghiệp. Lúc đầu, họ là những người dân nghèo, hoạt động tự phát, cứ mỗi sáng đứng bên hè và giơ tay báo hiệu mình muốn đi nhờ. Giơ một ngón là đi một người, 2 ngón có nghĩa 2 người, thường là mẹ bế theo con nhỏ. "Việc làm" này giúp họ có thể kiếm được khoảng 7,5 USD trong vài tiếng.
Sau đó, những người đi nhờ xe có cả tổ chức và website riêng. Những người cần đi tới chỗ làm hoặc từ chỗ làm về nhà có thể "gặp" những người đi nhờ thông qua các website để chia sẻ thông tin.
Hàng dài người xếp hàng bên đường xin đi nhờ xe . Ảnh: gaedegambarist. |
Tuy nhiên, đi nhờ xe cũng ẩn chứa những nguy cơ riêng. Phụ nữ đi nhờ có thể bị xâm hại, hay tài xế cho đi nhờ có thể bị cướp. Nếu bị cảnh sát dừng xe, không chứng minh được hai bên là người quen, tài xế có thể bị phạt hơn 100 USD, còn người đi nhờ có thể bị phạt 12 tháng tù.
Trên thế giới, có không ít các tổ chức của những người đi nhờ xe. Dấu hiệu của người muốn đi nhờ xe là bàn tay nắm chặt với ngón cái giơ cao. Ở Cuba, thậm chí chính phủ còn bắt buộc những chiếc xe công phải mở cửa đón người đi nhờ cùng tuyến đường. Chuyện đi nhờ luôn được khuyến khích khi chuyện sở hữu xe hơi không hề dễ dàng.
Tại Hà Lan, việc đi nhờ xe hoàn toàn hợp pháp và có cả những biển báo chỉ địa điểm dành cho người đi nhờ xe. Ở Ba Lan, từ năm 1957, những người đi nhờ xe có thể mua những cuốn sách nhỏ gồm các coupon từ các hãng lữ hành. Coupon sẽ đưa lại cho các tài xế cho đi nhờ. Cuối mỗi mùa, tài xế tập hợp coupon và nếu có số lượng lớn có thể giành giải thưởng hoặc có thể quay số trúng thưởng. Kiểu này rất thịnh hành vào những năm 1970 và kết thúc vào năm 1995.
Mỹ Anh