Không hoành tráng như Frankfurt, mang tính cạnh cao kiểu Detroit hay toàn xe sản xuất hàng loạt như Geneva, Tokyo Motor Show nổi tiếng vì những mẫu xe ý tưởng (concept).
Kỳ triển lãm nào Toyota cũng phải cho ra lò một chiếc xe mà phải vài chục năm nữa mới có hy vọng trở thành hiện thực, nhằm chứng tỏ khả năng đi trước về công nghệ. Honda thì liên tục hướng tới các loại xe tiết kiệm nhiên liệu, mang tính nhân bản. Daihatsu nổi tiếng với những chiếc xe dành cho người tàn tật trong khi Mitsubishi thì trưng bày đủ mọi loại.
Như thường lệ tại triển lãm lần thứ 40, diễn ra từ 27/10 đến 11/11, Tokyo vẫn hội tụ đủ dàn concept lạ mắt và dưới đây là những đại diện tiêu biểu.
Xe "dẻo" của Honda
Chiếc concept Puyo của hãng xe lớn thứ hai Nhật Bản mang vóc dáng khó có thể định nghĩa đó xe hơi. Kiểu vòm cong tròn bụ bẫm khiến nó giống một viên kẹo hơn là chiếc xe 4 bánh. Tuy nhiên, Honda sáng tạo nên Puyo không phải vì coi đó là xe cho tương lai. Hãng này muốn chứng minh rằng ôtô có thể có cảm xúc, tùy thuộc vào môi trường và "tâm trạng" của xe.
Vỏ Puyo làm từ nhựa dẻo nên có thể bấu véo một cách bình thường, khác xa với chất liệu kim loại hiện tại. Các đèn màu chiếu sáng toàn bộ không gian bên trong và chúng biến đổi theo điều kiện thân xe. Hành khách có thể vào theo hai hướng khác nhau và tầm nhìn là 360 độ. Puyo không có vô-lăng và việc điều khiển thông qua tay nắm gắn trên cửa.
Toyota RiN - chiếc hộp di động
Triển lãm Tokyo lần thứ 40 chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt về thiết kế xe concept khi Honda, Toyota hay Nissan không tiếc tiền đổ vào các dự án nghiên cứu. Đối với các nhà sản xuất này, "đấu đá" ngay từ ý tưởng quan trọng không kém "cuộc chiến" sản phẩm trên thị trường.
Một cách trùng hợp, cả 3 hãng lớn nhất Nhật Bản đều có những chiếc concept theo kiểu hộp. Nếu Honda có Puyo thì Toyota có RiN và của Nissan là Round Box. Tất cả đều được thiết kế theo định hướng thân thiện với môi trường, dù cách thể hiện có đôi chút khác nhau, tùy theo triết lý của từng nhà sản xuất.
Nếu Puyo sở hữu những đường nét mềm mại, ngộ nghĩnh thì RiN chứa đầy những góc cạnh. Các ô cửa RiN được là từ vật liệu sinh học và sơn xanh nhằm tạo cho không gian nội thất thân thiện như màu của trái đất. Thậm chí, đến chân phanh, chân ga cũng mang màu xanh và kết cấu đậm chất giả tưởng.
Toyota trang bị cho RiN hệ thống tai nghe điện tử và chúng có thể lọc sạch trước khi đưa vào ca-bin. Nhìn phía trên, RiN như một thân cây Yakusugi ở Nhật, nhằm thể hiện sự gần gũi với thiên nhiên.
Xe mui mềm mini Nissan Round Box
Nissan là cái tên khá "trung tính" ở Nhật bởi hãng này nằm ngoài mâu thuẫn giữa Honda và Toyota. Triết lý thiết kế và xu hướng công nghệ của Nissan khá độc lập so với các hãng đồng hương khác, có thể do Giám đốc điều hành là Carlos Ghosn, một người Pháp. Trong mọi cuộc triển lãm, những chiếc concept của Nissan có tiêu chí thiết kế thực dụng hơn.
Vì lẽ đó mà Round Box không mang tính giả tưởng và mọi thứ trên đó đều hướng tới người tiêu dùng hiện tại. Nissan gọi đây là chiếc mui mềm hạng nhỏ mà cảm giác lái được chia sẻ tới cả hành khách, chứ không chỉ dành riêng cho tài xế như trước đây.
Cách tiếp cận với vấn đề môi trường của Round Box cũng rất thực tế. Nissan sử dụng công nghệ phun nhiên liệu trực tiếp, gắn với hộp số vô cấp tiên tiến nên khả năng tiết kiệm nhiên liệu cải thiện hơn.
Round Box còn được trang bị công nghệ mà Nissan gọi là "Play Catch", cho phép người lái và hành khách (kể cả hàng ghế sau) trao đổi các thông tin quá trình lái và phương tiện giải trí. Play Catch sử dụng màn hình cảm ứng rộng, đặt giữa xe và màn hình khác trên bảng điều khiển trung tâm.
Nhờ Play Catch, hành khách có thể tìm kiếm địa chỉ nhà hàng, khách sạn hoặc bất cứ thông tin nào. Sau đó, họ gửi cho tài xế sơ đồ đường phố mà không làm mất thời gian và khả năng tập trung của anh ta. Trong khi đó trên hầu hết các xe hiện tại, phần tìm thông tin chỉ được trang bị cho vị trí tài xế hoặc người ngồi hàng ghế trước.
Hai mẹ con Suzuki Pixy và SSC
Tuy không còn là ý tưởng mới bởi Toyota đã đi trước với chiếc I-swing, nhưng Pixy của Suzuki vẫn thu hút sự chú ý của khách tham quan. Nguyên nhân đơn giản là nó xuất hiện cạnh chiếc SSC một cách ngoan ngoãn theo đúng nghĩa "xe con". Khi cần thiết, SSC có thể mở hai cánh cửa trước sau, chứa gọn Pixy và mang đến nơi cần đến.
Riêng Pixy, do đi sau nên Suzuki cần tạo nên sự khác biệt. Khi ngồi vào trong, nó như một chiếc hộp kín và việc điều khiển rất dễ dàng nhờ sự hỗ trợ bằng giọng nói.
Bài và ảnh: Trọng Nghiệp