Trong nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng, nhà sản xuất ôtô lớn thứ ba Nhật Bản cho biết sẽ mua thiết bị sản xuất tại Trung Quốc và Ấn Độ nhằm giảm chi phí. Thời gian gần đây, khả năng bán hàng kém khiến lợi nhuận của Nissan lần đầu tiên sụt giảm kể từ 2000. Carlos Ghosn, Giám đốc điều hành Nissan cho biết, trên quy mô toàn cầu, hãng sẽ nâng tỷ lệ thiết bị giá rẻ từ 14% hiện tại lên mức 24%.
Công nghiệp phụ trợ Trung Quốc đang phát triển vượt bậc. |
"Một cách chân thực, chúng tôi không có lựa chọn nào. Nếu bạn không chuyển nguồn cung cấp thiết bị sang các nước có khả năng cạnh tranh cao, sản phẩm của bạn sẽ không thể sống được trên thương trường", Ghosn nói.
*Một nửa phụ tùng ôtô xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ |
Mua thiết bị từ các nước mà lương trung bình chỉ bằng 5% ở Nhật có thể giúp Nissan đạt lợi nhuận như mong muốn và vượt qua hai kình địch Toyota và Honda. Tuy nhiên, Nissan không phải là hãng duy nhất đi theo xu hướng này. Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu phụ tùng ôtô Ấn Độ có thể đạt 40 tỷ USD vào 2015, tăng 6 lần so với mức 6,7 tỷ USD năm 2003, chủ yếu do nhu cầu cao của các ông lớn như General Motors.
"Phụ tùng giá rẻ đóng vai trò quyết định giúp các hãng giảm chi phí tổng thể", Yoshihiro Okumura, Tổng Giám đốc hãng Chiba-gin Asset Management nói.
Sự canh tranh giữa các hãng xe hàng đầu là cơ hội để những quốc gia có nền công nghiệp phụ trợ tốt như Trung Quốc phát triển. Theo thống kê tại thị trường Mỹ quý I/2007, các hãng phụ tùng Trung Quốc đạt doanh số 1,936 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn các công ty Đức 2 triệu USD. Doanh thu kỷ lục này gấp 6 lần mức của 5 năm trước và có thể sẽ cao hơn nữa trong vài năm tới.
Trọng Nghiệp (theo AFP, Bloomberg)