Sau khi Porsche có nhà phân phối chính thức, phân khúc xe nhập khẩu tại Việt Nam ngày càng sôi động với 7 thương hiệu gồm Nissan, Hyundai, Kia, Land Rover, Peugeot và BMW. Người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, ngoài các mẫu xe lắp ráp còn các liên doanh cũng phải dè chừng hơn khi lên kế hoạch sản phẩm
Tuy nhiên, hơn một năm kể từ ngày Nissan bắn phát súng lệnh, không phải đại lý và nhà phân phối nào cũng chiếm lĩnh được thị trường. Đi tiên phong nhưng hãng xe Nhật Bản không gây sự biến động lớn. Suốt một năm, mới có khoảng 100 chiếc, chủ yếu là X-Trail được bán ra tính cho cả 3 đại lý.
Nissan Tiida không mấy thành công tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngay sau khi ra mắt, chiếc hatchback 5 cửa Tiida "lặn mất tăm" và hiện tại, mỗi đại lý Nissan chỉ bán một, hai xe mỗi tháng. Nguyên nhân về sự yếu kém của Tiida có thể do nó xuất hiện vào đúng thời điểm phân khúc xe 5 chỗ bắt đầu xuống dốc. Bên cạnh đó, mức giá suýt soát 40.000 USD không phải là lựa chọn tốt bởi khách hàng có thể thay bằng Honda Civic, Toyota Altis hay thậm chí là chiếc Toyota Yaris nhập khẩu.
Dù Tiida đang "ế", nhưng Motorcare, nhà phân phối các sản phẩm Nissan tại Việt nam lại kiên quyết nhập khẩu Sunny. Kết quả là mẫu sedan hạng trung này có số phận không khác gì "đàn em" Tiida.
Trong khi đó, chiếc crossover Murano vốn được người Việt Nam ưa chuộng thì các đại lý Nissan không hề có, khiến khách hàng phải quay sang mua của đầu nậu. Đại diện của Motorcare cho biết Nissan không đưa Murano vào Việt Nam do e ngại giá quá cao (khoảng 100.000 USD) sẽ khó bán. Thế nhưng, thực tế đã chứng tỏ điều ngược lại khi một saloon xe nhập tại TP HCM cho biết, Murano về đến đâu hết đến đấy.
Land Rover nhập khẩu có giá quá cao. Ảnh: X.T. |
Cùng cảnh với Nissan, Land Rover vừa "tống" hết vài chiếc nhập từ tháng 10 năm ngoái. Giá đắt, thấp nhất 140.000 USD và đắt cỡ 200.000 USD, cộng với thương hiệu chưa nổi tiếng nên nhà phân phối New City không thể làm tốt hơn. Anh Thành, nhân viên của New City cho biết đây mới là giai đoạn thử nghiệm và Land Rover sẽ phát triển tiếp tùy thuộc vào thị trường trong thời gian tới.
Peugeot sau 7 tháng có mặt cũng gần như vắng bóng. Thành tích của nhà phân phối Thuận Lân là bán hết 15 chiếc nhập về đợt đầu. Ông Nguyễn Chí Cần, Giám đốc Thuận Lân cho biết do hải quan áp giá quá cao nên giá cuối bị đội lên, ảnh hưởng tới tốc độ tiêu thụ. Dự kiến tháng 9 tới, nhà nhập khẩu này sẽ thử sức dòng xe hạng nhỏ để duy trì hoạt động. Nếu tiếp tục gặp khó, rất có thể Peugeot sẽ phải ra đi như 30 năm trước.
Tạo được dấu ấn tốt trên thị trường hiện nay là các sản phẩm Hyundai do công ty cổ phần Hyundai Việt Nam (HMV) phân phối. Ra mắt từ đầu tháng 10/2006, chiếc crossover Santa Fe mang về cho Hyundai Việt Nam những thành công ban đầu. Nhờ kiểu dáng bắt mắt, động cơ diesel và tính năng phong phú, số lượng Santa Fe tiêu thụ vào khoảng vài chục xe mỗi tháng.
Tiếp sau Santa Fe, mẫu hãng nhỏ Getz cũng được thị trường chấp nhận nhanh chóng với tốc độ bán 30 xe mỗi tháng, dù giá không hề rẻ, khoảng 20.000 USD. HMV đã khôn khéo bỏ qua dòng xe 5 chỗ, tập trung vào xe crossover và hạng nhỏ để "đánh" đúng vào thị hiếu của khách hàng.
Đại điện của HMV cho biết trong hiện đã ngừng nhập Santa Fe và Getz để tập trung cho một sản phẩm được đánh giá là “xe hạng sang của Hyundai”, chiếc crossover Veracruz trang bị động cơ 3,5 lít và có thiết kế không mấy khác biệt với Lexus RX350.
Những tháng sắp tới, hai đại gia Porsche và BMW sẽ có cơ hội chứng minh khả năng kinh doanh của mình tại thị trường ôtô nhiều biến động như Việt Nam. Theo các chuyên gia, hiện tại các nhà phân phối có thể gặp khó khăn, nhưng xu thế sử dụng xe nhập sẽ trở thành chính yếu trong vài năm nữa.
Trọng Nghiệp