Hai tháng trước, trên website Autoblog đưa ra lời cảnh báo về việc những tên trộm có thể mở khóa chiếc Mazda3 chỉ bằng một cú vỗ vào cánh cửa. Sau đó vài ngày, trang này tiếp tục công bố đoạn video hướng dẫn cách mở cửa chỉ bằng quả bóng tennis. Ngay sau đó, khách hàng và các hãng xe đã phản ứng một cách gay gắt trước những gì mà Autoblog đưa ra. Họ lý luận, một trang tin ôtô vào loại lớn nhất thế giới không thể đưa những thông tin hết sức nguy hiểm như vậy. Nó sẽ giúp dân "xoáy xe" làm ăn hiệu quả hơn.
Cửa Mazda3 có thể mở một cách dễ dàng. Ảnh: Akamai. |
Tuy nhiên, trên thực tế, những bài đó trên Autoblog đã phơi trần khả năng thực sự của các hệ thống anh ninh ôtô mà các hãng vẫn quảng cáo là cực kỳ an toàn và hiệu quả.
Mỗi năm, hàng tỷ USD được đổ vào lĩnh vực phần mềm để sản xuất những chương trình bảo vệ mạnh nhất. Tuy nhiên, bản thân các nhà phát triển thường ít quan tâm tới việc hệ thống của họ có thể bị tấn công ra sao. Hiện tại, giới ăn cắp xe công nghệ cao đang là mối đe dọa lớn và với những người sở hữu, đảm bảo an toàn cho chiếc xe còn khó hơn việc đưa nó vào đâu để khuất tầm nhìn.
Không chỉ có lỗi của Mazda3, theo đánh giá của chuyên gia anh ninh nổi tiếng Bruce Schneier, hệ thống cảnh báo trộm cũng chẳng có tác dụng lớn nào. Bằng cách kêu bíp bíp và nháy đèn pha khi có kẻ lại gần, thiết bị này chỉ làm chủ nhân của chiếc xe cảm thấy yên tâm hơn chứ không hề giảm nguy cơ đột nhập.
Các hệ thống bảo vệ thông qua khóa sử dụng mật khẩu, vân tay trên ôtô vẫn đang ở thời kỳ sơ khai. Các tay hacker không mấy khó khăn nếu muốn phá mã chúng. Điển hình nhất là vụ chiếc BMW X5 của danh thủ David Beckham bị "thổi bay" chỉ sau một bữa cơm trưa.
Hãng chuyên sản xuất thiết bị an ninh cho ôtô, Crutchfield, cam đoan một khi kẻ xấu nhận ra hệ thống an ninh mà chiếc xe sử dụng, chúng sẽ tìm mọi cách để đột nhập. Trong khi đó, có rất ít công nghệ hoàn hảo để ngăn chặn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các hãng xe biết rõ khách hàng thường yên tâm về mặt tâm lý hơn là khả năng bảo vệ thực tế của hệ thống an ninh. Vì vậy, họ chỉ quảng cáo tính năng cảnh báo này hay khác mà không tích hợp những công nghệ an toàn thực sự. Nguyên do bởi các thiết bị có độ an toàn cao thường yêu cầu nhiều kỹ thuật hỗ trợ và làm tăng giá thành. Trong lúc các thiết bị báo động đơn thuần lại rất phổ biến, giá phải chăng và không tốn nhiều công sức nghiên cứu.
Cách duy nhất mà chủ nhân những chiếc xe cần làm vào thời điểm này là cẩn trọng hơn, như không để chìa khóa trong xe khi đỗ ở siêu thị, sân bay hay nhà tập thể. Thay đổi thói quen như không đậu xe ở chỗ cũ, trang bị thêm những công nghệ khác. Đặc biệt, những ai đang đi Mazda3 không nên để túi xách, tiền hay bất cứ thứ gì có giá trị trên xe, đề phòng sáng ngủ dậy không còn xe nữa.
Nguyễn Nghĩa (theo TTAC)