Tháng 12/2009, ban lãnh đạo của Honda Indonesia, Việt Nam, Thái Lan hội ý nhanh bên mô hình đất sét của một mẫu xe nhỏ, phiên bản mới nhất của dòng xe từng làm nên câu chuyện thành công nhất của Nhật Bản: Super Cub với doanh số cộng dồn tới 72 triệu chiếc, phân phối trên 15 quốc gia, tính đến cuối 2010.
Nhóm các nhà lãnh đạo có mặt tại Honda R&D ở Asaka để tranh luận về tính năng của Honda Super Cub 50 có đáp ứng hầu hết các nhu cầu hay không. Theo Norihiro Imada, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, không mất nhiều thời gian để nắm được xu hướng xem khách hàng có thực sự ưa thích thiết kế cổ điển bên cạnh những công nghệ hiện đại. Tất cả nhờ sự lan truyền mạnh mẽ của Internet.
Honda Super Cub 110 "hoài cổ" tại Việt Nam. |
Đó là câu chuyện về tương lai. Quay trở lại quá khứ, chào đời vào tháng 8/1958, Super Cub đầu tiên rất đơn giản, mang động cơ 50 phân khối 4 thì đầu tiên trên thế giới. Cách đó 4 năm, Honda lâm vào khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi thành lập 1948. Một sự cố động cơ làm giảm mạnh doanh số. Người sáng lập Soichiro Honda đưa ra định hướng phát triển một sản phẩm cơ bản, dễ sử dụng.
Honda bắt đầu phát triển động cơ 4 thì, dung tích 50 phân khối êm hơn, hiệu suất cao hơn so với loại động cơ 2 kỳ tiêu chuẩn áp dụng trên phương tiện giao thông cỡ nhỏ. Trong thời kỳ đường sá ít, động cơ phải đảm bảo đủ công suất, tạo ra lực kéo lớn nhằm cạnh tranh với động cơ 90 phân khối.
Ngoài ra, xe phải cho phép phụ nữ mặc váy cũng dễ dàng lên xuống. Soichiro Honda quan tâm tới từng chi tiết nhỏ nhất. Có lần ông lái kiểm tra một mẫu xe gắn hộp đựng thực phẩm ở phía sau để xem nó có thực sự phù hợp với người giao hàng. Tiếp sau là sự biến mất của tay côn ở bên trái, thay bằng bàn đạp chuyển số. Công nghệ này gợi lên ý tưởng phát triển hộp số tự động trên xe hơi vào những năm sau đó.
"Mẫu xe này là phát minh kiêu hãnh nhất của tôi" là câu trích của Soichiro Honda trong mục quảng cáo tại The Asahi Shimbun's Osaka, một tháng trước khi Super Cub được bán. Jozaburo Kimura, 81 tuổi, thiết kế chính khi đó nói: "Cảm giác chiến thắng khó khăn để tạo ra một thứ hữu ích".
Linh hồn của Super Cub là tiện dụng, hiệu suất cao, bền. Ngay khi ra đời, nó trở thành phương tiện ưa thích của nhân viên đưa thư, điện báo.
Cuối thập kỷ 50, Nhật Bản có hơn 100 công ty sản xuất xe gắn máy, công suất đạt 40.000 chiếc mỗi tháng, thu nhập bình quân của công nhân 16.000 yên. Honda tung ra 47.000 chiếc Super Cub với giá 55.000 yên để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn vào năm 1960. Ngay lập tức, họ thống lĩnh thị trường.
Năm 1959, Honda Mỹ giới thiệu Super Cub trên đất của Harley-Davidson với doanh số cao và 750.00 xe bán tại miền nam Việt Nam vào 1960. Cảnh tượng một gia đình với 4 thành viên hoặc nhiều hơn bám vào khung, ghi đông và giá sau của một chiếc Super Cub khi thu hoạch vụ mùa là hình ảnh quen thuộc ở những quốc gia đang phát triển.
Super Cub là dòng xe bán chạy nhất của Honda và giúp hãng này gắn liền với khái niệm "xe máy" ở rất nhiều quốc gia. Để đáp ứng nhu cầu khác nhau của thị trường hải ngoại, mẫu xe cũng có những thay đổi khi đi qua các quốc gia. Trong khi tại Nhật có hai phiên bản động cơ 50 hoặc 110 phân khối, thì ở các quốc gia khác dung tích động cơ từ 100 - 125 phân khối.
Ở một vài nơi, sự duyên dáng, mảnh mai của Super Cub hợp với việc dạo phố hơn là phương tiện chở hàng như ở Nhật.
Thế Hoàng