Ở đây cần tách biệt hai nội dung: quyền sở hữu và quyền sử dụng.
Quyền sở hữu: để giúp nhà nước dễ quản lý. Nên là một cá thể duy nhất. Người sở hữu hiện tại phải là người đang đứng tên trong giấy đăng ký.
Quyền sử dụng: thì không thể yêu cầu chỉ duy nhất người sở hữu mới được phép sử dụng phương tiện, mà phải có cơ chế để nhiều người sử dụng vì thực tế xã hội đang diễn ra như vậy. Nếu duy y chí, áp dụng cứng nhắc sẽ làm dân đến bất an, phản ứng như nhiều phương tiện đăng tải trong 2 ngày qua.
Có thể nói Nghị định 71 là một qui định đúng đắn. Việc này tạo nhiều thuận lợi trong sinh hoạt, quản lý, góp phần thể hiện tinh thần sống và làm việc theo pháp luật:
Lợi cho dân
Quyền lợi được đảm bảo trong những trường hợp xe bị mất, thất lạc. Cơ quan quản lý sẽ dễ dàng nhận diện được chính chủ và trao trả sẽ lại cho người chủ. Còn gì sung sướng hơn nếu vào một ngày đẹp trời được bên công an thông báo đến nhận lại chiếc se mình bị mất những tháng trước!
Hoặc khi có những tranh chấp xảy ra như: bị mất hay bị lột đồ tại các điểm giữ xe khi ra tranh chấp mà xe của mình do người khác đứng tên, còn gì khổ hơn khi người đứng tên đó giờ không liên lạc được hay đã chết! Dĩ nhiên phần thiệt sẽ nghiên về người sở hữu vì không chứng minh được tài sản của mình.
Cần nói thêm, hiện nay có nhiều bãi giữ xe chui, tư nhân ở những địa điểm lớn như khách sạn, bệnh viện, người giữ xe chủ động lấy cắp những xe có giá trị cao khi cơ quan công an đến giải quyết họ sẵn sàng chấp nhận bồi thường nhưng với điều kiện là rủi ro chung hai bên cùng chịu thiệt, và thời gian trả nợ từng đợt, chưa kể họ lấy lý do xe cũ, phụ tùng cũ để mặc cả bồi thường sẽ là thiệt thòi nếu giấy tờ xe không do mình đứng tên.
Ảnh: Xuân Tùng |
Sẽ không còn chuyện bị giam giữ xe khi không thể xuất trình giấy tờ kịp thời. Bạn có thấy xót khi “con ngựa sắt” cưng của mình bị giam trong bãi, bị trầy sướt, nứt bể do không được bảo quản tốt, và giấy tờ xe cũng không cần bị tạm giữ rất phiền hà. Nếu là do xe chính chủ, chỉ cần ký vào biên bản xử phạt là được tiếp tục di chuyển, sau đó bạn nộp tiền phạt là xong chỉ bằng một cái “click chuột” thay vì phải đi “hầu” như hiện nay. Nếu bạn không nộp tiền đúng hạn, giấy báo thanh toán nhắc nhỡ chậm nộp sẽ được gửi về địa chỉ nhà bạn.
Giúp cho người chủ có lý do chính đáng để từ chối cho người khác mượn xe nếu không muốn, hay không tin đối tượng mượn… đặc biệt những đối tượng hay mượn và quên trả. Thêm nữa, bạn đi xe ngoài đường cũng cảm thấy thoải mái hơn, không còn phải ngó trước, ngó sau CSGT vì thường CSGT hay đứng ở những nơi khuất tầm nhìn “ngụy trang kiểu Úc” và đột xuất xuất hiện và thổi “te”.
Thuận lợi cho cơ quan quản lý
Khi kẻ xấu sử dụng phương tiện giao thông vào những mục đích vi phạm pháp luật như cướp giật, gây tai nạn giao thông. Nếu phương tiện chính chủ sẽ giúp người điều tra nhanh chóng xác minh được đối tượng nhờ thông tin cung cấp của người chủ phương tiện. Dễ dàng triển khai thu phí, lệ phí, thuế đối với phương tiện giao thông cá nhân góp phần tăng thu ngân sách. Giúp việc xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh camera được hiệu quả, tránh tình trạng CSGT thổi phạt vô tội vạ, và loại bỏ việc đưa đút lốt, hối lộ CSGT.
Lợi cho nhà nước
Thể hiện xã hội văn minh, thuận tiện trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong việc quản lý, giám sát giao thông. Giảm bớt nhân lực CSGT, giảm bớt bệnh nghề nghiệp cho CSGT, giảm bớt gánh nặng ngân sách chi trả lương cho nhân viên CSGT quá đông như hiện nay, mà việc quản lý thì quá thiếu hiệu quả, nhiều tiêu cực. Nhà nước có thể dịch chuyển một phần lực lượng CSGT vào những sứ mệnh công tác quản lý xã hội khác.
Chắc chắn giảm bớt tình trạng tham nhũng trong giới CSGT. Hãy hình dung, bạn vi phạm giao thông, giấy phạt và hình ảnh vi phạm được gửi cho bạn qua email hay gửi thẳng về nhà. Bạn sẽ đến kho bạc nộp phạt hoặc ngân hàng sẽ trích tiền tài khoản của bạn chuyển cho kho bạc như vậy CSGT đâu còn cơ hội để tiếp xúc trực tiếp với tiền, và dĩ nhiên tham nhũng cũng sẽ không bị xảy ra. Có thể nói không có nước phát triển nào có nhiều CSGT ở ngoài đường như ở VN hiện nay!
Nếu bạn để ý trên đường Võ Thị Sáu quận 3, TP HCM, vào mỗi sáng, từ ngã tư Võ Thị Sáu đến bùng binh Cộng hòa, quãng đường khoản 1,5 km có không dưới 5 điểm chốt di động CSGT (mỗi điểm 2 đến 4 CSGT) sẵn sàng tuýt còi bạn. Đây là đoạn đường rất dễ vi phạm lấn tuyến vì phần dành cho xe máy lưu thông thì rất hẹp, xe đông; làn xe hơi thì rất rộng nhưng ít xe.
Xây dựng hình ảnh nước Việt Nam văn minh, phát triển trong con mắt người nước ngoài đến du lịch, làm việc, ở nước ta. Nếu bạn có dịp đi du lịch ở Singapore, bạn sẽ thấy thoải mái dường nào khi đi bộ hay điều khiển phương tiện giao thông trên những con đường của họ, và bạn sẽ không thấy bất kỳ một cảnh sát giao thông nào ở dọc các tuyến đường mà chỉ có bản hướng dẫn giao thông, cảnh báo sắp tới địa điểm có gắng camera và camera quan sát thôi.
Giải pháp thực hiện quản lý phương tiện
Thiết nghĩ hiện nay, điều kiện kinh tế các gia đình cũng đã khá giả, những người đủ tuổi, đủ điều kiện cho phép sử dụng phương tiện giao thông có thể trực tiếp đứng tên phương tiện giao thông của mình. Người dân cũng nên thay đổi thói quen sở hữu phương tiện giao thông. Không nhất thiết phải do cha mẹ đứng tên.
Cấp thêm giấy đăng ký xe phụ
Thực tế, nhiều gia đình khi cho con cái xe gắn máy đều cho con cái đứng tên. Đối với trường hợp cả nhà dùng chung xe, cơ quan quản lý nên cấp thẻ phụ Chứng nhận đăng ký xe (đối với xe 2 bánh, nếu được cho cả xe bánh) cho các thành viên gia đình (đủ điều kiện cung cấp ví dụ đã có GPLX, đủ tuổi, chưa từng gây tai nạn giao thông nghiệm trọng) để thuận tiện trong việc xuất trình cho CSGT, (giống như thẻ ngân hàng) theo yêu cầu của người chủ chính của chiếc xe như vậy không cần phải chạy về nhà lấy thẻ đăng ký gốc nếu vô tình vi phạm CSGT hay được yêu cầu xuất trình vì lý do khác. Và thẻ này chỉ có giá trị xuất trình khi lưu thông, không có giá trị trong mua bán, chuyển nhượng cầm cố.
Những thẻ phụ này tự động sẽ mất hiệu lực khi xe được bán và chuyển nhượng cho chủ khác đứng tên mới. Nếu không cấp được thẻ phụ, thì ít nhất cấp giấy được phép sử dụng chung Phương tiện có nêu tên những người cùng sử dụng phương tiện giao thông này.
Việc cần làm hiện nay, tránh cho người dân hoang mang lo lắng. Cơ quan quản lý cần tạo điều kiện tối đa để người dân tự tin đi chuyển đổi tên, giảm tối đa hay không thu phí thây đổi tên trong trường hợp này trong thời hạn qui định để khuyến khích người dân thực hiện việc chuyển đổi tên. Cần tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân biết những giải pháp xử lý nếu người sử dụng hiện nay không thể liên hệ trực tiếp người sở hữu cũ để đổi tên. Có như vậy, người dân sẽ yên tâm đưa phương tiện đi đăng ký lại.
Thực hiện theo lộ trình
Nên có lộ trình để người dân sắp xếp thời gian và công việc để tiến hành thay đổi tên, nên lùi đến hết năm 2013 hoặc sớm nhất tháng 6 - 2013 mới bắt đầu xử phạt. Nếu không người dân sẽ không phục. Đừng tạo điều kiện để CSGT có cớ tham nhũng, nhũng nhiễu người dân hơn nữa.
Vì ngay cả chính tôi, người làm công việc văn phòng, có điều kiện đọc thông tin trên nhiều báo đài, như đâu có biết về qui định này?! Và đâu biết ngày 10/11 bắt đầu xử phạt?! Ước tính có đến 20% đến 40 % phương tiện giao thông xe gắn máy chưa đổi tên chính chủ. Một con số rất lớn nên cần lộ trình để thực hiện.
Còn nhớ, năm 2004, 2005 TP Hà Nội, một số quận huyện đã ngưng không cấp đăng ký mới xe gắn máy, người dân có thể đã lách bằng cách nhờ người thân ở địa Phương khác đứng tên hộ, nay Nghị định 71 CP qui định xử phạt sử dụng xe không chính chủ chẳng khác nào dồn dân vào chân tường, chắn chắn sẽ không nhận được sự đồng tình.
Đối với dân cũng không nên quá lo lắng. Hiện nay có nhiều phản ứng như: làm gia tăng số lượng xe đăng ký, cả gia đình chỉ có một chiếc xe, nhiều người dùng chung phượng tiện. Việc này có thể giải quyết một cách đơn giản nếu có chính sách cấp thẻ phụ như đã đề cập ở trên. Việc thuê mướn xe để đi lại thì xử lý cũng dễ nên có qui định phải có hợp đồng thuê mướn giữa chính chủ và người sử dụng phương tiện là được.
Đối với những xe buýt, xe taxi thì nên có qui định riêng như giấy chứng nhận, ủy quyền người điều khiển, sử dụng phương tiện của tổ chức sở hữu xe là được. Còn đối với các nhân thì có hợp đồng thuê, mướn, hay giấy đồng ý cho sử dụng Phương tiện giữa hai các nhân là được. Không nhất thiết phải chính chủ.
Và nhân đây cũng đề nghị nên thay đổi mẫu giấy cấp giấy chứng nhận đăng ký xe bằng thẻ nhựa + mã số, có gắn vi chíp định vị, (giống bằng lái xe kiểu mới) thay vì bằng giấy bọc nhựa như hiện nay tuổi thọ rất ngắn và công dụng hạn chế.
Lê Vĩnh Thịnh