Nằm tại số 62 đường Tôn Thất Thiệp, bên cạnh chùa Chà Và quận 1, hủ tiếu Mỹ Tho Thanh Xuân không gây chú ý người đi đường bởi sự hoành tráng của bảng hiệu, đèn đóm.
Quán khá nhỏ và trông cũ kĩ tuy nhiên điều làm thực khách chú ý chính là sự giản dị của cô chủ quán với chiếc áo ba bà, cũng như là hương thơm của nồi nước lèo đã làm nên thương hiệu của quán.
Thanh xuân của món hủ tiếu trải qua 4 thế hệChú Thanh, 61 tuổi, cho biết: “Quán được ông Đỗ Văn Khuê thiết lập vào năm 1946 sau khi từ Mỹ Tho lên Sài Gòn. Vì tôi là con út, được ông nội yêu thương nhất nên đặt tên vào cái tên của cửa hiệu luôn. Tôi tên là Xuân Thanh, cửa hiệu thì được đặt tên là Thanh Xuân".
Chú Thanh và cô Tươi – Chủ quán hủ tiếu Thanh Xuân.Rồi đến khi tuổi già sức yếu, nhưng thấy nghề mình có thể đủ nuôi sống gia đình, ông Khuê truyền nghề lại cho con gái. Cô con gái sau đó tiếp tục truyền lại cho chú Thanh. Tính đến nay, hủ tiếu Thanh Xuân đã có đến 4 thế hệ đứng bán.
Khách đến ăn hủ tiếu thế hệ đầu giờ có người đã gần 90 tuổi, nhiều người qua đời, nhiều gia đình ăn hủ tiếu Mỹ Tho từ đời ông đến đời cháu và hầu hết đều khen ngon.
Quán được đặt ở đầu con hẻm nhỏGần 70 năm đã trôi qua mà quán hủ tiếu này vẫn không thay đổi quá nhiều như những ngày đầu mới mở - năm 1946. Nhiều quán hủ tiếu Mỹ Tho cũng được mở ra ở Sài Gòn nhưng "linh hồn" nước lèo lại theo kiểu hủ tiếu Nam Vang. Bí quyết cho ra hương vị hủ tiếu Mỹ Tho chính hiệu mà ít người làm được, theo chú Thanh, nằm ở định lượng của khô mực trong nồi nước lèo.
Không giống hủ tiếu Sài Gòn chỉ có thịt heo, xương heo, hủ tiếu Mỹ Tho gần giống với hủ tiếu Nam Vang nhưng khác vị. Riêng hủ tiếu khô, nước lèo được để riêng, phần hủ tiếu trong tô sẽ được chế loại sốt “gia truyền” rồi trộn đều lên.
Nhiều khách hàng sau khi ăn xong nhận xét rằng: "Không có nơi nào bán hủ tiếu nhiều sốt như tiệm Thanh Xuân, nhờ vậy mà hương vị lẫn độ thơm không nơi nào giống được".
Thanh xuân còn lại ở chiếc áo bà ba Cô Tươi giản dị trong chiếc áo bà ba.Ngày nay khi nhịp sống ngày càng vội vàng, tấp nập hơn thì những giá trị xưa cũ càng ngày càng bị lãng quên đi một cách dễ dàng. Ấy vậy mà ở tiệm hủ tiếu Thanh Xuân, người ta ngày ngày vẫn còn thấy đâu đó hình ảnh chiếc áo bà ba giản dị cùng cô Tươi- vợ chú Thanh cần mẫn phục vụ bữa ăn cho khách hàng.
Cô bảo bận bà ba quen rồi bận quần áo tây phương không quen, dẫu cho thời buổi này tìm được một tiệm may bà ba đúng kiểu ở đất Sài Gòn đâu có dễ gì. Chao ôi! Người Sài Gòn mà nghe được những lời này thì nhớ hình ảnh con gái Sài Gòn xưa thanh tao, giản dị biết bao!
Thanh xuân cho những người nhớ và yêu Sài GònCó người đã nói rằng: Mùi Sài Gòn không đến từ những nhà hàng sang trọng, những quán cà phê đẹp lộng lẫy mà lại đến từ những chiếc xe đẩy, gánh hàng nhỏ chứa đầy đồ ăn, thức uống, ngày cuối năm theo từng cơn gió đưa đến tận mũi người qua.
Và cho những ai đi xa nhưng vẫn nhớ mãi cái mùi Sài Gòn ấy, nếu có dịp môt lần quay trở lại nơi đây. Xin một lần ghé thăm lại “Thanh xuân” của mình bên tô hủ tiếu Mỹ Tho năm xưa để cùng nếm lại cái vị không bao giờ quên của những ngày xưa ấy.