Phanh tay từ kiểu truyền thống đổi thành loại kéo và ấn một nút trên mẫu BMW serie 7 ra mắt 2001. Nút điều khiển này nằm giữa hai ghế trước. Phanh tay điện tử cũng từng bị cả giới truyền thông và các chủ xe chế nhạo, nhưng giờ đã được chấp nhận. |
Sự xuất hiện của những chiếc hộc để cốc gần như xuất phát từ ngành kinh doanh đồ ăn nhanh của Mỹ, và có trên mẫu Dodge Caravan 1984. Kể từ đó, hộc để cốc là trang bị tiêu chuẩn trên hầu hết các mẫu xe, hoặc tùy chọn, và nằm từ chỗ kê tay, hộc đựng găng hoặc lưng hàng ghế trước. |
Nhiều mẫu xe hiện nay trang bị ghế xe điều khiển điện, nhưng công nghệ khởi đầu vào những năm 1940 và lúc đầu chỉ ghế tài xế có thể dịch về trước hoặc ra sau. Chỉnh điện 6 hướng xuất hiện vào những năm 1950. Hãng Ford phát triển tiếp ghế ghi nhớ vị trí nhờ công nghệ vào năm 1957 có tên Dial-a-Matic và xuất hiện trên mẫu Mercury Turnpike Cruiser. Ghế xe sẽ dịch về sau khi tắt động cơ để tài xế xuống xe dễ hơn, và khi động cơ được khởi động lại, ghế sẽ dịch về vị trí được cài đặt. Nhưng khách hàng lại ghét tính năng này nên bị bỏ đi vào năm 1958. |
Bên cạnh dây đai an toàn, túi khí đã cứu sống số người nhiều hơn bất cứ sáng chế nào của ngành công nghiệp ôtô. Thiết bị này xuất phát từ những chiếc túi bơm khí vào đầu những năm 1940, nhưng công nghệ từng được thiết kế lại bởi kỹ sư người Đức Walter Linderer hay kỹ sư người Mỹ John Hetrick. Cả hai đều được cấp bằng sáng chế vào cuối năm 1953. Ford và General Motors thử nghiệm túi khí vào những năm 1970 và vào năm 1974 GM đưa ra hệ thống Air Cushion Restraint như một tùy chọn trên xe Cadillac, Buick và Oldsmobile. |
Những chiếc xe đầu tiên được điều khiển bằng bánh lái. Nhưng những năm cuối cùng của thế kỷ 19, bánh lái được thay bằng vô-lăng. Mẫu xe 4 mã lực từ Panhard, một hãng xe Pháp thành lập năm 1890, gần như là chiếc xe đầu tiên sử dụng công nghệ này. Charles Rolls - một phần của huyền thoại Rolls-Royce - đã nhập một chiếc Panhard vào Anh năm 1898 và được cho là lần đầu tiên vô-lăng được dùng để điều khiển xe trên đường phố nước Anh. |
Không ít người cảm thấy các thiết bị trên xe được kích hoạt không đủ sớm, nhưng ngày càng có những công nghệ giúp xe hơi "tự biết" trợ giúp tài xế trước khi được "chỉ bảo", ví dụ cần gạt nước cảm biến mưa. Công nghệ này sử dụng chùm tia hồng ngoại chĩa ra phía ngoài kính chắn gió. Nếu nước trên kính nảy vào cảm biến, cần gạt nước sẽ được kích hoạt. Thiết bị này xuất hiện đầu tiên trên xe Citroen SM ra mắt năm 1970 dù trước đó 20 năm Cadillac đã thử nghiệm công nghệ tự động đóng mui xe trên mẫu Eldorado mui trần khi trời mưa. |
Gương chiếu hậu không phải một phần trong thiết kế xe hơi lúc đầu. Dù sao vào thời kỳ đó, quá ít xe trên đường khiến việc có một chiếc xe khác xuất hiện phía sau là điều khó xảy ra. Vì thế không mấy ngạc nhiên khi công nghệ này lại xuất phát từ đường đua, người các tay lái cần biết về các đối thủ. Tay đua Mỹ Ray Harroun sử dụng gương chiếu hậu lần đầu vào năm 1911 trong lần chiến thắng đầu tiên của anh ở giải Indianapolis 500, và thiết bị này có trên các mẫu xe dân dụng không lâu sau đó. |
Công nghệ khác xuất hiện trên những mẫu xe cao cấp ngày nay, nhưng thực ra đã có tuổi đời hơn một thế kỷ, là điều khiển hành trình. Thương hiệu xe sang Mỹ Peerless quảng bá trên những mẫu xe đời 1910 của họ rằng chúng có thể duy trì cùng tốc độ "dù lên hay xuống dốc". Hệ thống hiện đại ngày nay do nhà sáng chế người Mỹ Ralph Teetor nghĩ ra vào năm 1948. Ông gọi đó là "Controlmatic", nhưng rồi đặt tên lại là "Autopilot" khi công nghệ này xuất hiện trên mẫu Chrysler Imperial 1958. Điều đặc biệt là Teetor bị mù từ năm 5 tuổi. Hệ thống kiểm soát hành trình chủ động xuất hiện trên mẫu Lexus LS 1997. |
Cửa sổ điều khiển điện vốn là công nghệ được phát triển để đóng mở mui của xe mui trần. Thương hiệu Mỹ Plumouth là tiên phong trong lĩnh vực này trước Thế chiến II. Công nghệ được sử dụng cho cửa kính lần đầu tiên trên mẫu Packard 180 đời 1940. Các hệ thống trước đó sử dụng chân không, sau đó là thủy lực trước khi hoàn toàn dùng điện. |
Công nghệ xuất phát từ không quân chính là tính năng hiển thị thông tin lên kính chắn gió (HUD). General Motors được coi như nhà tiên phong với hệ thống xuất hiện trên mẫu Pontiac Grand Prix và Oldsmobile Cutlass Supreme vào cuối những năm 1980. Toyota và Nissan đưa ra thị trường Nhật không lâu sau đó. Nhưng hiển thị đa màu sắc chỉ xuất hiện khoảng một thập kỷ sau, trên mẫu Corvette C5. |