Danh sách đầy đủ của Motor Trend có 50 nhân vật, là những người có ảnh hưởng sâu rộng tới ngành công nghiệp ôtô suốt 12 tháng qua. Ngoài giới làm trong ngành xe hơi, một số đến từ các lĩnh vực khác nhưng có đóng góp to lớn cũng được các biên tập viên của tạp chí gần 60 năm tuổi lựa chọn.
50 cái tên trong top của Motor Trend có khả năng ra những quyết định về xu hướng sản xuất, khả năng tạo thị trường và những giá trị khổng lồ cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, không phải tất cả đều gặt hái thành công trong 2006. Nếu Toyota đang hừng hực khí thế đi lên thì General Motors lại đang trong cơn khủng hoảng. Và những người nắm vận mệnh của các tập đoàn khổng lồ này sẽ tiếp tục thể hiện sức mạnh của mình trong 2007 đầy ắp sự kiện.
Fujio Cho - Chủ tịch Toyota
Sinh ngày 2/2/1937, Fujio Cho trở thành Chủ tịch của Toyota năm 1999. Trong suốt lịch sử của hãng xe số một Nhật Bản, ông mới là người thứ hai nắm quyền điều hành Toyota mà không thuộc dòng dõi Toyoda. Vị Chủ tịch 67 tuổi này đã cống hiến cho Toyota 45 năm và nổi tiếng với triết lý "không có phát triển nếu không có chất lượng". Sau khi Fujio Cho nhậm chức, hãng xe Nhật Bản có những bước tiến vượt bậc: chiếm vị trí thứ hai thế giới của Ford năm 2003 và sắp tới là ngôi quán quân của đại kình địch General Motors. Ông cũng là người ủng hộ mạnh mẽ công nghệ tiết kiệm nhiên liệu mà mẫu hybrid Prius là minh chứng rõ nhất.
Tạp chí Time của Mỹ từng bình chọn Fujio Cho là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2004.
Rick Wagoner - Chủ tịch General Motors
Sinh ngày 9/2/1953, Rick Wagoner có cả một sự nghiệp lẫy lừng trước khi trở thành Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành General Motors, nhà sản xuất lớn ôtô nhất thế giới. Năm 2003, Rick Wagoner được bầu làm Chủ tịch GM. Ông tốt nghiệp Đại học Ducke University và có bằng MBA của Havard Business School năm 1977.
Trái ngược với sự thành công của Fujio Cho tại Toyota, thời kỳ cầm quyền của Rick Wagoner bị bao trùm bởi những vụ phá sản, doanh số sụt giảm và liên tục thua lỗ. Năm 2005, sau khi hãng sản xuất phụ trợ Delphi (thuộc General Motors) tuyên bố phá sản, vị Chủ tịch này đã kiên quyết thực hiện kế hoạch cắt giảm 30.000 nhân công, đóng cửa 12 nhà máy và cực kỳ cứng rắn trước các đòi hỏi của Nghiệp đoàn Mỹ.
Ferdinand Piech - Cố vấn cao cấp của Volkswagen AG
Cháu ngoại của Ferdinand Porsche, người sáng lập nên hãng ôtô nổi tiếng thế giới Porsche AG, sinh ngày 17/4/1937. Dù đã nghỉ hưu năm 2002 nhưng dưới vai trò Cố vấn cao cấp, Ferdinand Piech vẫn có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của tập đoàn lớn nhất châu Âu. Ngoài khả năng lãnh đạo, vị kỹ sư trứ danh ở Volkswagen còn được biết tới với 13 người con của 3 bà vợ.
Trong 10 năm cầm quyền Volkswagen (1993-2002), Ferdinand Piech mang đến hoàng loạt thương vụ thành công như mua lại mác xe quý tộc nước Anh Bentley, thương hiệu xe thể thao Lamborghini của Italy và nhà sản xuất Bugatti. Năm 2006, ông được coi là người định hướng cho những bước đi vững chắc của Volkswagen và các thương hiệu con tại Mỹ, Trung Quốc và đặc biệt là châu Âu.
Wendelin Wiedeking - Giám đốc điều hành Porsche AG
Sinh ngày 28/8/1952, người đàn ông Đức điển hình này là kiến trúc sư trưởng của tượng đài Porsche ngày hôm nay. Tiếp quản Porsche lúc hãng xe thể thao kiêu hãnh nước Đức ngập ngụa trong khó khăn, Wendelin Wiedeking đã có những bước đi táo bạo, đưa doanh số tăng một cách chóng mặt. Năm 2005, Porsche nhận giải thưởng kinh doanh của tạp chí Financial Time về những kết quả tốt trên mức có thể.
Ngoài tài quản lý, Wendelin Wiedeking còn có những quyết định "để đời". Đó là việc tung ra mẫu thể thao đa dụng Porsche Cayenne năm 2002. Trước khi có Cayenne, thế giới chỉ biết đến một Porsche chuyên sản xuất xe thể thao 2 cửa với mẫu 911 huyền thoại. Vì vậy, người ta cho rằng Cayenne sẽ sớm "chết trẻ" bởi người tiêu dùng không quen sử dụng một chiếc SUV của Porsche.
Thế nhưng, Cayenne đã đạt doanh số kỷ lục ngay khi ra mắt dù có giá tới 85.000 USD. Doanh số 20.000 xe năm 1993 được nâng lên thành 68.000 chiếc vào 2003 sau khi Cayenne trình làng. Năm 2006, Porsche vẫn tăng trưởng đều với doanh số hằng tháng tại Bắc Mỹ vào khoảng 2.000-3.000 xe.
Chris Bangle - Giám đốc Trung tâm thiết kế BMW
Ngoại trừ những hãng thuộc hàng "thượng thừa" như Maybach, Bentley, Rolls-Royce, Ferrari hay Lamborghini, nhà sản xuất có ảnh hưởng lớn nhất về thiết kế trên toàn cầu hiện nay là BMW hay cụ thể hơn là Chris Bangle. Với triết lý "khỏa thân", Chris Bangle tạo nên hàng loạt những mẫu xe mang tính đột phá như BMW Z4 hay serie 1. Năm 2006, mẫu X5 mới mà BMW trình làng đánh dấu bước phát triển mới trong triết lý thiết kế của Chris Bangle.
Vị kỹ sư thiết kế tài năng của BMW có ảnh hưởng mang tính toàn cầu, đồng thời tạo nên một xu hướng mà đa số người tiêu dùng thừa nhận các sản phẩm khác đều "hao hao" giống BMW. Sinh ngày 18/10/1956 và gia nhập BMW năm 1992, Bangle được đánh giá là người "nặn" nên xe hơi hiện đại và Motor Trend gọi những mẫu ảnh hưởng thiết kế của ông là "Bangles - những chiếc xe Bangle".
Jim Press - Tổng Giám đốc Toyota Bắc Mỹ
Nếu Fujio Cho tạo nên một Toyota thành công trên toàn cầu thì Jim Press là người khiến dân Mỹ "yêu" xe Nhật. 2006 là năm "không lấy gì làm đặc biệt" của Jim Press vì Toyota Bắc Mỹ vẫn tăng trưởng đều. Tuy nhiên, có một vài sự kiện mà người ta phải nhắc tới là cú vượt ngoạn mục vào tháng 8 khi doanh số của Toyota lần đầu tiên vượt Ford tại thị trường Mỹ.
Đảm nhiệm vị trí này từ tháng 6/2006 nhưng Jim Press đã có những đóng góp đáng kể khi còn là Tổng Giám đốc TMS (Toyota Motor Sale), bộ phận chuyên làm quảng cáo, marketing, lập kế hoạch phân phối sản phẩm. Ông là người Mỹ đầu tiên nắm giữ vị trí lãnh đạo Toyota Bắc Mỹ kể từ khi thành lập năm 2000. Điều đó đủ cho thấy Jim Press có uy tín như thế nào trong mắt giới lãnh đạo người Nhật ở Toyota.
Bob Lutz - Phó Chủ tịch GM
Sinh ngày 12/2/1932, Bob Lutz đảm nhiệm trọng trách phát triển sản phẩm trên toàn cầu của General Motors. Ông nắm trong tay những mẫu xe mang tính chiến lược và điều tiết chúng tại nhiều thị trường khác nhau. Từng trải qua nhiều hãng lớn như Ford và BMW, Bob Lutz có những đóng góp đáng kể trong sự tăng trưởng vượt bậc của GM tại Trung Quốc năm 2006. Thế nhưng, tại Mỹ, sức ép vẫn đang đè nặng lên đôi vai ông khi phải giải bài toán sản xuất xe gì để lấy lại thị phần đang ngày một bé.
Martin Winterkorn - Chủ tịch Volkswagen AG
Những định hướng của vị Cố vấn cao cấp Ferdinand Piech được thực hiện một cách suôn sẻ bởi vị Chủ tịch Martin Winterkorn. Sinh ngày 24/5/1947, Motor Trend bình chọn Winterkorn vào danh sách bởi thành quả đạt được trong 2006. Chính nhờ đó, ông xứng đáng giành vị trí Chủ tịch Volkswagen vào hôm 1/1.
Winterkorn còn được biết đến với vai trò là người đã cùng Ferdinand Piech "tái sinh" mẫu xe "con bọ" Beetle nổi tiếng dưới cái tên New Beetle..
Carlos Ghosn - Tổng Giám đốc Nissan và Renault
Sẽ có người tìm cái tên Carlos Ghosn một cách cẩn trọng trong danh sách của Motor Trend bởi ông đã trở nên quá quen trong ngành công nghiệp ôtô thế giới. Với kỳ tích hồi sinh Nissan từ cơn nguy khốn và đưa hãng này trở thành thế lực đáng gờm, Gohsn thường được gọi bằng nickname "Icebreaker - người phá băng".
Ông còn là vị lãnh đạo sở hữu nhiều điểm đặc biệt nhất như người nước ngoài đầu tiên lãnh đạo Nissan, một hãng xe Nhật. Ngoài ra, chẳng ai có thể điều hành hai hãng, một ở châu Âu và một ở châu Á trơn tru và hiệu quả đến vậy.
2006 là năm mà Ghosn bận túi bụi với những vòng đàm phán liên minh cùng General Motors. Tuy thất bại nhưng uy tín của người đàn ông cởi mở này lại tăng lên bởi người ta cho rằng Rick Wagoner do sợ mất chức vào tay Ghosn nên đã thẳng thừng từ chối liên minh dù có sự thúc ép của cổ đông lớn nhất GM, Kirk Kerkorian.
Dieter Zetsche - Chủ tịch DaimlerChrysler
Người Đức nói chung và nhân viên của Mercedes nói riêng coi Dieter Zetsche là người "ở đâu có ông, ở đó có sự tăng trưởng". Giống như Carlos Ghosn, Dieter Zetsche rất thích hợp dưới vai trò "người cứu hộ". Tiếp quản Chrysler khi đang nguy khốn, ông đã giúp hãng này đóng góp tới một phần ba lợi nhuận của DaimlerChrysler năm 2005.
Sau khi quay về Đức để đảm nhiệm vị trí lãnh đạo Mercedes từ 1/9/2005, Dieter Zetsche đã biến thương hiệu hạng sang đang vùng vẫy trong thua lỗ trở nên mạnh mẽ, tự tin và bắt đầu hồi phục. Dòng xe S-class mang lại cho Mercedes một luồng sinh khí mới trong khi DaimlerChrysler dưới bàn tay của vị lãnh đạo thân thiện này trở nên khỏe khoắn hơn. Tuy nhiên, cũng như Rick Wagoner, Dieter Zetsche đã phải ký hàng loạt quyết định sa thải và giảm lương để có được thành quả đáng kể trong 2006.
Trọng Nghiệp