Cách đây hơn 1 năm (1/3/2014), Thông tư 38 của Bộ GTVT có hiệu lực cho phép tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên được thi lấy GPLX mô tô hạng A2 (được điều khiển xe phân khối lớn (PKL) từ 175cc trở lên). Khi đó, nhà kinh doanh mừng vì thị trường mở rộng hơn, còn người dân vui vì sẽ được hợp thức hoá việc sử dụng điều khiển xe PKL mà trước đây không thể có được. Nhưng, sau hơn 1 năm thị trường vẫn không mấy biến chuyển.
Với dân số hơn 90 triệu người, trong đó phương tiện đi lại chủ yếu của người Việt vẫn là xe máy, số lượng Fan của dòng xe PKL nằm trong tổng dân số không hề nhỏ, những năm trở lại đây tăng mạnh, đặc biệt là ở những thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh…, thể hiện rõ nhất là sự ra đời của nhiều CLB dành riêng cho những người chơi xe PKL ở các dòng xe khác nhau. Nhưng một sự lạ là những thị trường xe máy PKL này lại không mấy phát triển khi được “cởi trói”. Tại Hà Nội, ở thời điểm Thông tư 38 có hiệu lực đã lập tức xuất hiện nhiều cửa hàng chuyên về xe máy phân khối lớn mọc ra để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhưng đến nay không ít trong số đó đã phải đóng cửa do ế ẩm kéo dài.
Trường hợp của ông Nguyễn Sinh Thành, Giám đốc một công ty XNK ở quận Hai Bà Trưng là một minh chứng, ông Thành chia sẻ, trước thời điểm 1/3/2014, công ty (có địa chỉ tại 318 phố Huế, Hà Nội) đã có gần 10 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xe máy nhập khẩu, loại xe mà ông kinh doanh khá thành công trong nhiều năm là dòng xe tay ga như: Honda Spacy, SH…, nhưng khi có thông tin về việc Thông tư 38 của Bộ GTVT có hiệu lực từ ngày 1/3/2014 cho phép người dân thi bằng A2, mua bán, sử dụng PKL thoải mái thì ông đã giảm dần lượng xe ga để tăng vốn nhập xe PKL, các lô hàng về sau lượng xe ga truyền thống ít dần và thay vào đó là xe PKL có giá trị cao hơn rất nhiều.
Giá xe PKL quá cao vượt quá khả năng tài chính của đa số khách hàng
Qua tìm hiểu được biết, thời gian vài năm trở lại đây lượng người mê xe PKL và muốn sở hữu nó là rất lớn. Nhưng người đủ điều kiện về tài chính để mua được dòng xe này lại không nhiều do giá xe PKL tại Việt Nam. Anh Lê Minh, phụ trách kinh doanh một doanh nghiệp chuyên về dòng xe PKL trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội cho biết: “Thị trường xe PKL đã rộng mở, nhưng nó đang trở thành những chiếc xe trong mơ của người tiêu dùng do giá bán vượt quá mức thu nhập của đa số người dân, do phải chịu nhiều loại thuế, phí nên giá xe PKL ở Việt Nam luôn cao hơn giá xuất xưởng từ 2 – 2,5 lần, chưa kể người mua còn phải chi thêm tiền thuế trước bạ và tiền biển số khi đăng ký xe.
Hiện xe PKL nhập khẩu về Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15//11/2013 ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế, mặt hàng xe mô tô phân khối lớn Power Sport 250cc mới 100% có mức thuế suất thuế nhập khẩu là 75%, tiếp theo là thuế giá trị gia tăng 10% (theo quy định tại Thông tư số 131/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính) và chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 20% (theo quy định tại Điều 7 Luật Thuế TTĐB số 27/2008/QH12).
Như vậy, những mẫu xe PKL phổ thông như Kawasaki Z1000 hay Honda CB bán ở thị trường Mỹ khoảng 11.000 – 12.000 USD, nhưng sau khi đóng các khoản thuế phí để nhập vào Việt Nam giá xe đội lên khoảng 28.000 USD (cao hơn khoảng 2, lần); tương tự, mẫu xe Yamaha FZ-S V2.0 khi hoàn tất thuế sẽ có giá khoảng 3.200 USD, trong khi tại các thị trường các nước trong khu vực nó chỉ đáng gía 1.300 USD.
Là người làm trong lĩnh vực xe máy PKL lâu năm tại Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Anh, Phụ trách kinh doanh của Công ty Benelli Việt Nam (hiện đang lắp ráp và phân phối 2 dòng xe PKL là Benelli và Rebel) cũng đồng tình với yếu tố giá bán quá cao đã khiến thị trường xe máy PKL kém phát triển, trong khi “cơn khát” về xe PKL của người dân là có thật. Về lý thuyết, khi mà thị trường đang có nhu cầu cao về xe PKL, các rào cản về mua bán, sử dụng được dỡ bỏ thì rõ ràng đây chính là thời điểm “Thiên thời – Địa lợi”, nhưng vẫn thiếu một cú hích nữa làm cho giá xe hạ thấp xuống để tiệm cận với túi tiền của nhiều khách, điều này đồng nghĩa với việc kéo thị trường xe PKL phát triển.
Chỉ có số ít người thu nhập cao mới có thể sở hữu đươc xe PKL
Ai cũng đồng ý rằng, xét về dung lượng thị trường xe máy Việt Nam là rất lớn, nhưng lượng khách đủ điều kiện tài chính sở hữu xe PKL lại chiếm con số cực nhỏ, phần lớn khách hàng đều nằm trong phân khúc xe dưới 100 triệu đồng, khái niệm về xe PKL vẫn rất xa xỉ đối với họ. Một yếu tố nữa cũng cần nói đến đó là đặc tính mua sắm xe máy của người Việt đó là ưa chuộng thời trang, luôn tìm những sản phẩm mới nhất để mua. Vì thế chu kỳ sản phẩm của xe máy tại Việt Nam đã bị thu hẹp (chỉ khoảng 6 tháng), sau khoảng thời gian đó nó bị xếp vào những mẫu xe cũ, lỗi mốt…
Điều này cũng đã xảy ra đúng với thực tế trên thị trường xe máy Việt Nam, đó là những mẫu xe mới ra mắt bán rất chạy trong 3 – 6 tháng đầu tiên, sau thời gian đó doanh số bắt đầu giảm sút, thậm chí nhiều mẫu không bán được. Và với xe PKL cũng không nằm ngoài quy luật này, khách hàng mua xe PKL còn “soi” rất kỹ sản phẩm mà họ định mua, luôn đánh dấu những model mới nhất kể cả đặt hàng từ nước ngoài nếu như xe chưa có ở Việt Nam, trong khi đó những chiếc PKL hiện có ở Việt Nam đa số là xe đời cũ lưu lại do ế ẩm kéo dài, lúc này doanh nghiệp kinh doanh xe PKL rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười, xe trót nhập về không bán được, vốn ứ đọng, và ngày càng nhiều doanh nghiệp phá sản hay tìm cách làm ăn mới… Như vậy, thị trường xe máy phân khối lớn mới chỉ đang phát triển ở giai đoạn đầu, việc cởi trói bằng A2 chỉ mới chỉ rút ngắn khoảng cách tới xe PKL, còn việc sở hữu được nó lại còn trông chờ vào nhiều thay đổi tiếp theo trong tương lai.
Vẫn thêm các tên tuổi lớn ra mắt thị trường
Dù thị trường xe PKL Việt Nam vẫn đang trong khó khăn, nhưng trong mắt các hãng xe lớn thì trong tương lai Việt Nam hứa hẹn là một thị trường tiềm năng, bằng chứng là tiếp tục có thêm những thương hiệu lớn ra nhập thị trường. Ngoài những hãng xe PKL có mặt ở Việt Nam từ rất sớm như: Benelli, KTM…, thời gian qua có thêm các tên tuổi như: Ducati, Harley-Davidson, Kawasaki, BMW Motorrad… Mới đây nhất là sự trở lại của thương hiệu xe PKL Hàn Quốc Hyosung tại Triển lãm Saigon Autotech 2015, đại diện Hyosung khẳng định chậm nhất đến quý 3 năm nay sẽ khai trương một văn phòng tại Việt Nam, thậm chí hãng còn có kế hoạch xa hơn là xây dựng một nhà máy lắp ráp xe PKL tại tỉnh Đồng Nai…
Tại Thái Lan, mẫu Kawasaki Ninja 300 có giá bán 5600 USD, khi nhập về Việt Nam nó bị áp các loại thuế gồm: 47% thuế nhập khẩu; 20% thuế TTĐB (đối với xe có dung tích trên 125cc); 10% thuế GTGT; cộng thêm chi phí vận chuyển và một số chi phí khác khi về Việt Nam giá của mẫu xe này lên đến 13.000 – 13.500 USD (tuỳ cửa hàng)
Nguồn: autonet.com.vn
Có thể bạn quan tâm: