Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính Mỹ, các nhà cung cấp sẽ có đảm bảo cho các khoản nợ họ đang nắm giữ trong mọi tình huống xảy ra với bên đi vay là các công ty sản xuất ôtô. Các nhà cung cấp có thể lựa chọn bán lại các khoản nợ của họ cho chính phủ với giá chiết khấu. Việc này xuất phát từ nhu cầu vay thêm tiền từ các tổ chức tài chính tư nhân, nhiều công ty không thể vay tiền vì sự chậm trễ trong việc trả nợ của các hãng ôtô.
Ngành công nghiệp ôtô Mỹ đang khủng hoảng trầm trọng. Ảnh: NYT. |
Cuối tháng trước, các nhà cung cấp đã yêu cầu hỗ trợ 18,5 tỷ USD, cảnh báo rằng Mỹ sẽ có thêm 1 triệu người thất nghiệp nếu như họ không nhận được giúp đỡ. Lear, hãng sản xuất ghế lớn thứ hai, cho biết các kiểm toán viên đã bắt đầu tỏ ra nghi ngờ về khả năng tiếp tục kinh doanh của hãng. Nhà sản xuất trục xe American Axle Manufacturing, AAM, khẳng định nếu không có viện trợ thì các khoản vay của họ sẽ không thể trả đúng hạn.
Ban cố vấn đặc biệt của chính phủ cũng đưa ra cảnh báo việc thiếu hụt tín dụng có thể đẩy 500 nhà cung cấp tới chỗ phát mãi hoặc phải tái cơ cấu sau phá sản như nguy cơ đang đe dọa GM và Chrysler.
Cuộc khủng hoảng hiện nay khiến các hãng phụ trợ gặp phải khó khăn còn lớn hơn so với các tập đoàn ôtô. GM và Chrysler đã đòi hỏi nhà cung cấp của họ phải giảm giá nhằm cắt giảm chi phí đầu vào. Điều này khiến cho lợi nhuận của ước tính chỉ còn từ 13 đến 15 triệu USD trong năm nay.
Nếu 500 công ty này bị phá sản trong vòng 2 tháng tới, ảnh hưởng sẽ không chỉ gây ra cho GM hay Chrysler mà còn lan sang các công ty khác có chung nhà cung cấp hiện đang khỏe mạnh hơn như Ford hay Toyota.
Chuyên gia phân tích Laura Marcero của công ty tư vấn ôtô Grant Thorton, Michigan cho rằng cần có một sự củng cố ngành công nghiệp phụ tùng thông qua sáp nhập và mua lại, tạo ra các công ty mới có sức chịu đựng tốt hơn.
Bộ tài chính sẽ cho phép mọi nhà cung cấp tham gia kế hoạch cứu trợ này, GM và Chrysler cũng đã đồng ý. Về phần mình, Ford tuyên bố họ không cần tham gia. “Chúng tôi vẫn tiếp tục trả tiền cho các nhà cung cấp đúng hạn”, phát ngôn viên của Ford, Todd Nissen trả lời phỏng vấn. “Chúng tôi nghĩ rằng đây là bước đi đúng của chính phủ, bởi vì khả năng cung cấp của họ hết sức quan trọng đối với tất cả chúng ta.”
Các nhà cung cấp sẽ phải trả phí 2% trên số nợ được đảm bảo và thêm vài phần trăm nữa nếu như muốn chuyển đổi nợ thành tiền mặt. Các nhà sản xuất như GM và Chrysler sẽ phải đóng góp 5% trong gói cứu trợ, tức là 250 triệu USD.
Quang Cường (theo Bloomberg)