Singapore chia bằng lái xe mô tô làm 3 hạng: 2B, 2A và 2. Hạng 2B cho phép điều khiển xe dung tích xi lanh tới 200 phân khối. Hạng 2A được lái xe dung tích xi lanh từ 201 đến 400 phân khối. Phải giữ được bằng 2B ít nhất một năm trước khi có thể lấy bằng 2A. Người có bằng hạng 2 được lái xe có dung tích xi lanh trên 400 phân khối. Trước đó phải giữ được bằng 2A ít nhất một năm trước khi thi bằng hạng 2.
Quá trình lấy bằng 2B ở Singapore gồm các bước đăng ký ở một trường đào tạo và tham gia khóa học lái, vượt qua kỳ thi lý thuyết cơ bản, nhận bằng lái tạm thời, vượt qua bài thi lý thuyết lái và đỗ bài thi thực hành lái để nhận bằng. Sau một năm có bằng 2B, đăng ký thi thực hành lái 2A và nhận bằng. Và sau khi có bằng 2A được một năm, đăng ký thi tiếp bằng 2.
Ở Malaysia, phải từ 16 tuổi trở lên mới được thi lấy bằng B2 (xe không quá 250 phân khối) và B1 (không quá 500 phân khối).
Ở Trung Quốc, bằng A lại dành cho các tài xế ô tô. Người điều khiển mô tô phải có bằng D, E hoặc F. Bằng D cho phép lái gần như mọi loại xe máy, kể cả xe sidecar. Bằng E dành cho xe 2 bánh nói chung và bằng F là xe 2 bánh hạng nhẹ.
Brunei lại quy định bằng 1B cho xe đến 250 phân khối. Nếu muốn "thăng hạng", người điều khiển phương tiện phải học và thi để lên bằng dành cho xe đến 500 phân khối. Cuối cùng là bằng cao nhất cho xe từ 500 phân khối trở lên.
Phải đủ 16 tuổi để lái xe máy từ 50 phân khối trở xuống tại Ấn Độ. Các cấp bậc bằng lái mô tô cao hơn gồm MC EX50CC cho xe hơn 50 phân khối, bằng fvg dành cho xe mô tô mọi dung tích xi lanh nhưng không có số (có nghĩa mọi loại xe tay ga), và bằng MCWG cho mọi loại môtô.
Cũng giống nhiều quốc gia khác, Nhật phân hạng bằng lái xe máy thành 3 bậc. Thấp nhất là xe tới 50 phân khối, sau đó là xe trên 50 phân khối đến 400 phân khối và bằng lái cho xe trên 400 phân khối.
Hàn Quốc lại đơn giản với chỉ 2 loại bằng lái: cho xe dưới 125 phân khối và trên 125 phân khối.
Theo Thảo Anh (TTTĐ)