Hai năm một lần, triển lãm Tokyo là một sự kiện lớn với tất cả các hãng xe Nhật. Để không mất lòng bất cứ ai trong số các thành viên của mình, đơn vị tổ chức - Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản - đã bố trí các gian hàng theo nguyên tắc: Không có 2 hãng nào đối mặt với nhau.
Phóng viên tại buổi họp báo của Volkswagen. Ảnh: T.N. |
Trên diện tích 44.587 mét vuông, Tokyo Motor Show lần thứ 40 có 3 khu vực chính gồm West Hall, Centre Hall và East Hall kéo dài từ đông sang tây. Tất cả các thành viên của JAMA được bố trí ở bên phải lối dẫn chính, nếu khách tham quan vào từ cửa phía tây. Phía tay trái là gian hàng của các hãng nước ngoài.
Sự sắp xếp này đảm bảo rằng các hãng xe Nhật không phải cạnh tranh nhau về cách bài trí cũng như khách tham quan. Việc phân chia theo lô cũng rất hợp lý. Sảnh phía tây được dành cho Toyota và các hãng con của mình là Lexus, Daihatsu và Subaru - hãng mà Toyota có ảnh hưởng không nhỏ. Sảnh trung tâm là sự hội tụ của Mitsubishi, Honda và Nissan. Riêng Mazda nằm tại sảnh phía đông cùng hãng mẹ Ford Motor và các thành viên khác mà hãng xe Mỹ đang rất muốn bán là Land Rover, Jaguar, Volvo.
Acura và Infiniti không có mặt
Dù nổi tiếng khắp thế giới và làm mưa làm gió tại Mỹ nhưng hai thương hiệu này không “dám” về quê hương. Nguyên nhân có thể do người Nhật chưa quen với những tên tuổi do chính các hãng xe của mình “đẻ” ra. Trong số 3 hãng xe hạng sang, chỉ một mình Lexus được Toyota đưa về đặt bên cạnh. Tuy nhiên, hãng xe lớn nhất thế giới không đầu tư nhiều công sức khi chỉ trưng vài mẫu quen thuộc như chiếc concept LF-Xh, LF-A hay mẫu xe mới IS-F trình làng tại Mỹ hồi tháng trước.
Sự èo uột của các hãng xe Mỹ
Chiếc NV200 độc đạo của Nissan. Ảnh: T.N. |
Thị trường Nhật là vùng cấm đối với xe Mỹ nên Tokyo Motor Show không phải là nơi những tên tuổi như General Motors, Chrysler hay Ford dành nhiều công sức. Sau nhiều năm, cả 3 ông lớn này mới chỉ chiếm được 1% thị phần, một con số trái ngược với 16% của riêng Toyota tại Mỹ. Gian hàng của GM thuộc loại nhỏ nhất, trưng bày vài mẫu xe cũ như Hummer H3, Chevrolet Corvette Z06 hay Cadillac CTS. Ford cũng không khá hơn, do đã tập trung cho hãng con Mazda, khi chỉ mang Mustang California Special, Escape 2008 và hai phiên bản của Explorer sang.
Chrysler cùng hai thương hiệu con là Dodge và Jeep cũng chẳng khá hơn. Sau vụ ly hôn với Daimler và đang nỗ lực hồi sinh nên Chrysler không quá coi trọng một nơi mà mình khó có phần. Vì thế, hãng này dừng lại ở 4 mẫu gồm 300C, Crossfire, Grand Voyager và PT Cruiser. Gian hàng của Dodge nổi bật với hai màu đen đỏ nhưng cũng chỉ có vài nhà báo ghé qua chụp hình, quay người mẫu. Cùng tình cảnh đó là Jeep dù có đủ các sản phẩm từ Wrangler đến Commander.
Mức độ “hoành tráng” tương đương triển lãm Frankfurt
Các hãng chủ nhà đã đổ hàng triệu USD để chạy đua về công nghệ. Những ông lớn như Toyota, Honda, Nissan hay Mazda không tiếc tiền chi cho những dự án xe concept mà tính khả thi của chúng chỉ thấy được sau vài chục năm nữa. Các hãng nhỏ hơn như Daihatsu, Subaru, Suzuki nhân cơ hội này cũng muốn chứng tỏ mình chẳng thua kém về độ sáng tạo hay công nghệ. Vì thế mà trong số 37 mẫu ôtô lần đầu tiên ra mắt trên thế giới, có tới 30 chiếc thuộc về nước chủ nhà.
Suzuki mất không ít tiền để chế tạo chiếc concept. Ảnh: T.N. |
Sự ảnh hưởng của Tokyo Motorshow ngày càng lớn khi tập trung một lực lượng truyền thông đông đảo với hơn 8.500 nhà báo có mặt trong ngày khai mạc dành cho báo chí. Những tạp chí hàng đầu như Motor Trend, Edmunds.com cử hàng loạt phóng viên chia thành nhiều đội để không bỏ lỡ bất cứ buổi họp báo quan trọng nào. Sau 2 ngày, có tới 1.136 bài báo tiếng Anh đề cập đến sự kiện này theo thống kê của Yahoo, chưa kể các bài viết bằng ngôn ngữ khác.
Hãng hàng không Northwest Airlines của Mỹ tăng cường thêm một chuyến 747 từ Detroit sang Narita vào ngày chủ nhật 21/10 để các quan chức và giới truyền thông kịp dự lễ khai mạc.
Dù có mức giá vé vào cửa từ 500 yen đến 1.100 yen (60.000-154.000 đồng) tùy từng thời gian và đối tượng nhưng năm nay, Tokyo dự kiến đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, tương đương với triển lãm lớn nhất thế giới Frankfurt. Ngoài ra, đây là triển lãm kéo dài nhất với 16 ngày dành cho công chúng, chưa kể 3 ngày cho truyền thông và các vị khách đặc biệt.
Trọng Nghiệp