Ngay trước khi Bắc Kinh 2006 lần thứ 9 khai mạc, hãng ôtô điện Hỏa Vân ở Sơn Đông Trung Quốc đã phải dừng sản xuất chiếc City Spirit do mẫu xe này có thiết kế quá giống với sản phẩm của Smart, một thương hiệu thuộc tập đoàn lớn thứ 5 thế giới DaimlerChrysler. Theo giải thích từ phía Hỏa Vân, công ty sản xuất City Spirit dựa trên chiếc xe đồ chơi mua trên mạng mà không hề cố ý “ăn trộm” ý tưởng của Smart.
Fengyin của Geely với thiết kế hầm hố. Ảnh: Autoblog. |
Đây chỉ là một trong hàng loạt vụ tranh chấp bản quyền thiết kế giữa những hãng xe danh tiếng thế giới với các công ty nội địa Trung Quốc. Người khổng lồ số một thế giới GM cùng nhà sản xuất lớn nhất châu Âu Volkswagen là hai "nạn nhân" có nhiều mẫu xe bị copy nhất. Ăn cắp bản quyền một cách tràn lan là hiện tượng mà hầu hết các hãng xe lo sợ khi muốn đầu tư vào đất nước đống dân nhất thế giới.
*Triển lãm Bắc Kinh 2006 hội tụ xe hạng sang |
*Ôtô Trung Quốc và kế hoạch bành trướng thế giới |
*Xe Trung Quốc trong cuộc chiến báo giới |
Tuy nhiên, trào lưu "mượn" thiết kế có thể sẽ chấm dứt trong vài năm tới. Tại triển lãm Bắc Kinh, ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc ngầm trả lời cho thế giới rằng họ đã đủ sức tự thiết kế, sản xuất mà không dựa dẫm vào bất cứ hãng nào. Nếu Bắc Kinh 2004 tạo nên một kỷ lục về số hãng tham gia và số người tới xem thì năm nay, kỷ lục mới về sự xuất hiện các mẫu concept (xe ý tưởng) được xác lập với 30 chiếc đến từ vài hãng nổi tiếng của trung ương cho tới các nhà sản xuất địa phương. Điều này chứng tỏ ở Trung Quốc, cả xe concept cũng có thể được "thiết kế hàng loạt".
Phần đuôi khác thường của Fengyin. Ảnh: Autoblog. |
Đầu tiên phải kể tới mẫu Fengyin mà Geely mang tới Bắc Kinh. Mặc dù các chuyên gia gọi nó như "máy điều hòa di động" nhưng rõ ràng đây là cố gắng lớn của các kỹ sư Trung Quốc. Phần đầu Fengyin có cấu trúc khá lạ mắt, gồm rất nhiều mặt phẳng gép lại với nhau theo phong cách Mỹ. Tuy nhiên, phần đuôi của nó thực sự "bất bình thường" với những mặt đa giác đan chụm vào nhau. Thậm chí, nếu nhìn kỹ, người ta liên tưởng phần sau Fengyin giống chiếc xe tăng.
Không chỉ phần đuôi, nội thất Fengyin cũng thể hiện điểm yếu trong tư duy thiết kế của Geely. Nếu vóc dáng Fengyin hầm hố bao nhiêu thì ca-bin của nó lại yếu ớt và nhạt nhòa bấy nhiêu. Bảng đồng hồ, vô-lăng không khác gì thập niên 70 trong khi màu đỏ khiến nó trở nên thiếu hấp dẫn. Geely không công bố thông tin về động cơ Fengyin nhưng hãng này tin tưởng nó sẽ là định hướng thiết kế trong tương lai.
Nội thất hoài cổ với kiểu thiết kế những năm 1970. Ảnh: Autoblog. |
Sự nổi tiếng của Geely giúp Fengyin nhận được khá nhiều sự chú ý nhưng mẫu xe có ý tưởng thiết kế tốt nhất phải kể tới Xingqing của Changan (hãng liên doanh với Ford, Volvo). Tạp chí Car Design News giới thiệu nó như một trong những mẫu concept đáng chú ý nhất. "Xingqing" trong tiếng Trung Quốc nghĩa là "bầu trời trong sáng", thể hiện cảm giác mà mọi người vẫn thường thấy khi ngắm sao. Có chiều dài 3.500 mm, rộng 1.650 mm và cao 1.550 mm, Xingqing thuộc dòng crossover hạng nhỏ và rất thích hợp khi đi trong đô thị.
Mang phong cách Italy, Xingqing khá giống với Fiat Multipla những năm 1990. Các kỹ sư tập trung vào nội thất và nâng cao mối liên kết giữa người lái và hành khách. Xingqing sử dụng vô-lăng kiểu xe đua trong khi hàng ghế trước có thể hạ phẳng tối đa. Cửa mở theo kiểu trượt về hai phía giúp việc ra vào xe dễ dàng hơn. Một điểm thú vị là ngăn kéo để xe đạp phía sau Xingqing thiết kế kiểu mành tre rất Á đông.
Ngoài Fengyin và Xingqing, Bắc Kinh 2006 còn có những mẫu concept khác khá ấn tượng do nhiều liên doanh trình làng như Neeza do FAW và Volkswagen phối hợp thiết kế. Brilliance Auto có Zhonghua M3. Tất cả đều chưa thực sự thoát xác khỏi ý tưởng của các hãng lớn nhưng dù sao, đó cũng là dấu hiệu cho thấy thiết kế đang là hướng mà công nghiệp ôtô Trung Quốc tập trung nghiên cứu, nhằm tránh những tranh chấp khi xuất khẩu xe sang châu Âu và Bắc Mỹ.
Vóc dáng nhỏ gọn và khá hiện đại của Xingqing. Ảnh: Autoblog. |
Ngăn chở xe đạp kiểu mành tre. Ảnh: Autoblog. |
Nội thất công nghệ cao của Xingqing. Ảnh: Autoblog. |
Trọng Nghiệp