Giám đốc điều hành của Weichai, Xu Xinyu cho biết nhà sản xuất này đặc biệt quan tâm tới những công nghệ mà Delphi sở hữu. "Chúng thuộc loại tốt nhất mà ngành công nghiệp thế giới có được và Weichai có thể mua một trong số đó vào năm sau", Xu Xinyu nói. Delphi là nhà sản xuất phụ trợ lớn nhất thế giới cho đến khi phá sản tháng 10 năm ngoái. Thuộc sở hữu của tập đoàn ôtô General Motors, Delphi cung cấp hầu hết các thiết cho cho công ty mẹ và đóng vai trò tiên phong trong công nghệ xe hơi.
Dây chuyển sản xuất trong nhà máy Chevrolet, thuộc General Motors. Đang gặp khó khăn chồng chất về tài chính, có thể GM sẽ bán nhà máy của Delphi cho Weichai. Ảnh: AP. |
Xu Xinyu từ chối cho biết Weichai muốn mua cái gì. Theo các thông tin đã tiết lộ, Delphi có thể bán dây chuyền sản xuất phanh, hệ thống treo, các chi tiết trên ca-bin, cửa, tay lái. Ngoài Delphi, Weichai còn lên kế hoạch hợp tác với các hãng lớn như Volvo (Thụy Điển), MAN (Đức) và Caterpillar Inc. Hiện tại, nhà sản xuất này không chỉ liên minh về động cơ diesel mà bao quát toàn bộ các lĩnh thuộc công nghiệp ôtô.
*Một công ty Trung Quốc muốn mua lại nhà máy của Ford |
*Trung Quốc bùng nổ xe hạng sang |
*Xe hybrid - quả bom của ôtô Trung Quốc |
*Bí quyết thành công của xe hơi Trung Quốc |
Như vậy, nếu thương vụ thành công, Weichai sẽ chính thức đặt chân vào thị trường Mỹ với tư cách một nhà sản xuất tầm cỡ. Rõ ràng, đây là động thái một lần nữa chứng tỏ tham vọng thâu tóm công nghệ hiện đại, phát triển công nghiệp phụ trợ của đất nước đông dân nhất thế giới. Trước đó, nhờ phát triển mạnh thiết bị phụ trợ mà chính phủ nước này có thể "ép" các hãng lớn dùng hàng sản xuất trong nước để lắp ráp xe.
Các chuyên gia đánh giá sự kiện Weichai và Wanxiang gần như cùng một lúc đàm phán mua lại nhà máy của Mỹ là bước đi khôn khéo của ngành ôtô Trung Quốc nói chung. Thậm chí, có thể ví đó như "một mũi tên trúng hai đích". Thứ nhất, nếu sở hữu được công nghệ sản xuất hiện đại, cộng với nhân công giá rẻ, hàng Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh thị trường nhờ vào giá cả phải chăng trong khi chất lượng có thể thỏa mãn tiêu chuẩn của hầu hết các hãng xe hàng đầu thế giới. Thứ hai, với những gì mua được, các hãng xe nội địa (không liên doanh với nước ngoài) có thể thâm nhập bất cứ thị trường nào mà không sợ hàng rào kỹ thuật và là cơ hội để họ xóa đi quan niệm "xe Trung Quốc".
Trước khi làn sóng "săn" các nhà máy phụ trợ Mỹ diễn ra như hiện nay, người ta còn rất nhiều nghi ngờ về chất lượng xe Trung Quốc. Trên thực tế, Geely đã phải từ bỏ kế hoạch xuất khẩu sang Mỹ vào 2008 chỉ vì chẳng chiếc nào đạt tiêu chuẩn an toàn và khí thải của nước bản địa.
Tuy nhiên, theo đánh giá, khó khăn lớn nhất là nếu một công ty Trung Quốc muốn thâu tóm nhà máy ở Mỹ, họ sẽ phải đối mặt với làn sóng phản đối của công đoàn cũng như các nhà hoạt động chính trị. Nguyên nhân chính là do trong trường hợp các hãng chuyển nhà máy mua được về nước, hàng loạt nhân công Mỹ sẽ mất việc. Nếu vượt qua được rào cản mang nhiều tính chính trị này, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc ôtô trong tương lai không xa.
Nguyễn Nghĩa (theo Reuters, FT)