Xế cổ độ Mobylette của người thợ sửa xe Việt
Độ máy mạnh gấp đôi
Khác với đa số người chơi Mobylette vốn chỉ đơn giản sắm xe mới về sử dụng hoặc chăm chút săn tìm nâng niu từng chi tiết máy gin, anh Nguyễn Thạch Lân sống tại TP. HCM đã tạo phong cách trẻ khỏe khác biệt cho chiếc Mobylette thuộc “hàng lão” của mình khi nâng cao khả năng vận hành của xe bằng cách lắp ráp đến 2 cục máy.
Xế cổ được độ phong cách với tông màu thể thao
Xe được độ lại rất mạnh mẽ với hai cục máy
Sử dụng niềng nhôm ride it cùng vỏ michenlin thể thao
Quá trình độ kéo dài 9 tháng là ngần ấy thời gian anh Lân “mất ăn mất ngủ” vì ban ngày phải mưu sinh với nghề sửa xe, đến tối khuya mới dành thời gian để độ xe. Trong đó, công đoạn khó khăn nhất là ghép nối 2 buồng đốt vì đòi hỏi độ chính xác rất cao. Nếu chỉnh nhịp bị lệch dù rất ít cũng đủ khiến 2 máy không nổ theo kiểu luân phiên (máy nổ máy nghỉ). Khi anh đã chỉnh chính xác thì tiếng máy nổ bình bịch giòn tan. Một máy lên một máy xuống nên đứng gần nghe âm máy nổ như có 2 chiếc Mobylette đang chạy sát nhau.
Trong trường hợp chạy không tải, bố nồi bung nhả ra dần dần tạo tiếng gõ keng… keng… đặc trưng. Khối máy đôi tạo lực đẩy mạnh nên mỗi lần vặn ga là đuôi xe trượt ngang. Dù là xe độ 2 máy nhưng Mobylette vẫn không thể khắc phục nhược điểm lăn bánh khá chậm khi đề-pa, buộc người lái phải nhấn giò đạp để truyền lực vào bánh đà lấy trớn hỗ trợ xe chạy nhanh hơn. Nhưng khi xe đã có trớn thì khó ai có thể hình dung xe có thể tăng tốc rất nhanh kèm tiếng máy nổ ấn tượng, với tốc độ có thể đạt tới 120km/h (xe gin khoảng 70km/h). Anh cũng cho biết đã thử biểu diễn đốt lốp và tự quay clip đưa lên YouTube.
Nhiều chi tiết trên xe được giữ nguyên giá trị của chiếc xe cổ
Bên cạnh đó, hệ thống đánh lửa nhiều phen làm anh phải “vò đầu bứt tai”. Anh phải bỏ nút đề máy xe vì pít-tông lớn nên cục đề không thể quay kích nổ máy. Ngoài ra, để chế 1 bộ đánh lửa phù hợp, anh phải phá hủy nhiều cái vô-lăng để nghiên cứu nguyên tắc đánh lửa. Cuối cùng “bó tay” anh phải nhờ thợ điện có kinh nghiệm giỏi tính số lá cho lõi thép, số vòng dây cần cuộc… để chế cục điện phù hợp. Tiếp đến, phải dùng 2 lòng gin để cân bằng tuyệt đối hệ thống hơi, tránh tình trạng 2 cái lòng đã qua sử dụng sẽ khác biệt về cốt dẫn đến 2 cái máy khi hoạt động bị kênh nhau. Hơn nữa, do đóng lòng xi-lanh lớn nên phải thay 2 bình xăng con độ tương thích của Su Xì-po. Sau khi căn chỉnh, anh đo được mức tiêu hao nhiên liệu của xe vào khoảng 28km/lít.
Bánh sau cũng như bánh trước được độ niềng nhôm và vỏ Michenlin rất thể thao
Anh Lân tiếp tục đương đầu với vô số thách thức trong quá trình tạo ra chiếc Mobylette hàng độc. Do biên độ lắc của 2 máy so với nhau là rất lớn nên tạo ra lực xoay xoắn đánh vỡ mâm curoa gin. Anh khắc phục bằng cách hiệu chỉnh các thông số, sau đó dùng khối hợp kim nhôm nguyên tấm loại tốt đưa vào máy CNC tự động cắt tiện thành mâm mới và đóng bạc đạn lớn. Máy CNC cũng dùng để chế 2 hộp chia dây ga và dây “e”, mỗi hộp chia 1 dây thành 2 dây.
Anh tiết lộ: “Nếu dùng thiết bị cơ khí mài tiện bằng tay thì bề mặt cục ga và hộp chia dây không trơn láng và không khít nhau nên kéo rất nặng. Khi mình vặn thì cục ga bị bập bênh nghiến đứt dây ga liên tục”. Anh cũng tập trung chống rung cho xe bằng cách gia cố thêm khung sườn nên thân xe nặng hơn nhiều so với trọng lượng xe gin. Anh nhiều lần phải tỉ mẩn lom khom ngồi đo rồi tính toán để chế các bộ co, gioăng đệm, long-đền cao su giảm rung, trụ chêm trục quay bánh đà động cơ… để kết nối vặn khít các chi tiết thuộc hệ động lực của xe. Bộ phận trục quay cốt máy phải sử dụng ốc vít tiết diện lớn của xe hơi mới không bị gãy trục vít.
Khối máy kép giúp xe hầm hố hơn
Chiếc xe có ngoại hình độc đáo khác biệt, nổi bật cỗ máy độ có kích thước lớn giúp xóa nhòa nét thanh mảnh đặc trưng của dòng xe Mobylette. Bên cạnh đó, bộ lốp xe 17inch và niềng xe hình thang đều là hàng độ với kích cỡ lớn tương tự trên môtô đua đời mới. Cặp pô độ phong cách thể thao chế theo kiểu của xe Su Xì-po nên tiếng nổ khá uy lực, lại không làm bẩn gầm máy như pô gin. Ghi-đông uốn nhọn hình chữ M tạo dáng khí động học, đồng thời gắn thấp hơn yên xe nên giúp tư thế người lái chồm tới trước mang phong cách thể thao. Hệ thống phuộc nhún gin với cây ti và lò xo nhỏ cũng được thay mới có tiết diện lớn hơn, cứng vững hơn, chịu được lực tác động không bị gãy nhất là khi xe vào cua. “Nhưng phuộc to thế này vẫn còn “run rẩy” đáng kể khi xe băng qua đường dằn xóc. Chắc phải thay bằng phuộc môtô phân khối lớn mới tránh bị đo đường”, một thợ sửa xe nhận xét.
Ghi-đông uốn nhọn hình chữ M tạo dáng khí động học
Bình xăng con độ tương thích của Su Xì-po
Cặp pô độ phong cách thể thao chế theo kiểu của xe Su Xì-po nên tiếng nổ khá uy lực
Thỉnh thoảng dạo phố có thể thấy không ít xe máy đời mới độ chế, nhưng tính trên cả nước thì cực hiếm có xe máy cổ mobylette độ 2 máy. Vì vậy, chiếc xe như một vật lạ hấp dẫn trên phố Sài Gòn. Với tổng chi phí giá trị xe và tiền mua chế phụ tùng khoảng 60 triệu đồng, gấp hơn 6 lần 1 chiếc Mobylette thông thường, đồng thời đã chạy thử chiếc xe này trên cung đường xuyên Việt nên anh Lân rất hãnh diện khi cầm lái chiếc Mobylette này. “Dân chơi ở nước ngoài làm xe Mobylette nhiều máy để tập hợp tranh tài tốc độ. Riêng tôi làm để thỏa mãn lòng đam mê và chứng tỏ thợ xe máy cổ người Việt cũng có thể độ được những mẫu xe khó. Cũng chính vì thế, tôi đang chuẩn bị độ Mobylette 4 máy nằm ngang”, anh Lân chia sẻ.
Nguồn: otoxemay.songmoi.vn
Có thể bạn quan tâm: