Tại bất cứ triển lãm lớn nào, những tờ báo Mỹ cũng viết về ôtô Trung Quốc dưới nhiều góc độ khác nhau. Điều đó cho thấy người tiêu dùng nói chung và Detroit, thủ phủ công nghiệp ôtô Mỹ quan tâm tới xe xuất xứ từ nước đông dân nhất thế giới như thế nào.
Các phóng viên tập trung tại gian hàng của Changfeng. Ảnh: Detnews. |
Lần này tại Detroit 2007, Detnews, tờ báo nổi tiếng của "thành phố ôtô" tung lên một bài với tựa đề Xe Trung Quốc đang tới và tại sao Detroit phải lo âu. Theo Detnews, các hãng ôtô Trung Quốc dường như coi việc vào Mỹ là mục đích "tối cao" và quyết tâm thực hiện bằng mọi cách. Điều này có thể thấy từ một thực tế rằng ngay sau sự ra đi trong thầm lặng của Geely do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn khí thải, có tới 15 hãng ngỏ ý muốn tìm kiếm một công ty đại diện ở Mỹ để xuất khẩu vào thị trường lớn nhất thế giới.
*Một công ty Trung Quốc muốn mua lại nhà máy của Ford |
*Trung Quốc bùng nổ xe hạng sang |
*Xe hybrid - quả bom của ôtô Trung Quốc |
*Bí quyết thành công của xe hơi Trung Quốc |
Năm nay tại Detroit¸ khách tham quan được chứng kiến sự xuất hiện của tên tuổi Trung Quốc mới mang tên Changfeng Group, với hai sản phẩm không mấy nổi bật nhưng vẫn được báo chí chú ý. Đầu tiên là chiếc thể thao đa dụng Liebao CS6 giá 25.000 USD và chiếc bán tải Feibao CT5. Ngoài Changfeng, Geely mang tới Detroit chiếc sedan giá 10.000 USD.
"Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm đối tác để phân phối sản phẩm tới các nước trên thế giới và thị trường trọng tâm là Bắc Mỹ. Rất nhiều trong số họ đang ở Detroit. Vì vậy Changfeng đã quyết tâm tham gia triển lãm này với mục tiêu quảng bá thương hiệu trên toàn cầu”, Li Jianxin, Chủ tịch Changfeng nói.
Những tuyên bố kiểu như thế này thường làm Công đoàn Mỹ, các nhà phân phối và sản xuất ôtô từ Detroit tới Stuttgart, Đức và Toyota City, Nhật lo sợ. Thế nhưng, nỗi lo của họ không phải bởi khả năng thực sự của "chú bé" Changfeng với sản lượng trên toàn cầu chỉ khoảng 200.000 chiếc, chưa bằng một nhà máy hạng bình thường. Các nhà sản xuất cũng không sợ Geely, hãng đã phải dời thời gian sang Mỹ do không đạt tiêu chuẩn an toàn khí thải.
Cái mà Mỹ, châu Âu và Nhật lo ngại nhất là những chiến binh kiểu như Changfeng, Geely, Chery đều do chính phủ Trung Quốc quản lý, ít nhất là trong một thập kỷ nữa hoặc lâu hơn. Với lợi thế đó, các hãng này có thể giảm giá đủ để làm những người khổng lồ đau đầu bởi chính phủ nước này sẽ trợ giúp bằng cách rót vốn đầu tư. Ngoài ra, sự hậu thuẫn của chính phủ về công nghệ có thể giúp các hãng trên đáp ứng đầy đủ yêu cầu chất lượng theo khu vực với các đẳng cấp khác nhau.
Ngoài ra, đầu tư vào thiết kế, xây dựng kênh phân phối trên toàn cầu cũng là điều kiện quyết định để Trung Quốc gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hóa, không cái gì là không thể nên dù chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng, công nghiệp ôtô Mỹ vẫn không thể ngủ yên với ôtô Trung Quốc.
Cảnh giác là trên hết
Phó Tổng Giám đốc phụ trách chiến lược sản phẩm General Motors, Bob Lutz cho rằng ông không nghĩ ôtô Trung Quốc làm được cái gì đó ở thị trường Mỹ trong vòng 3 đến 5 năm tới, bất kể ngành công nghiệp nước này có cải tiến như thế nào.
Tuy nhiên, Detnews cảnh báo riêng với các sản phẩm đến từ châu Á, các nhà công nghiệp Mỹ không nên nói "không bao giờ". Những ông lớn của Mỹ giờ chắc vẫn còn ngậm ngùi khi đã lỡ coi thường xe Nhật và đó là bài học đắt giá nhất cho những sơ hở chết người về mặt chiến lược. "Dù Trung Quốc vẫn chưa thực sự mạnh nhưng chỉ vài năm nữa, công nghiệp ôtô nước này sẽ mạnh hơn nhiều so với hiện tại", Harley Shaiken, chuyên gia tại Đại học California-Berkeley phân tích.
Còn với Detnews, chỉ có một thực tế là "Dù có chúng ta hay không, ôtô Trung Quốc vẫn đang tiến vào".
Trọng Nghiệp